TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NHÀ CỬA, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GÂY RA – DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NHÀ CỬA, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÁC GÂY RA – DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH

THS. VŨ THỊ LAN HƯƠNG – Khoa Luật, Đại học Lao động – Xã hội

Ngay từ thời La Mã cổ đại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra đã được các học giả La Mã đề cập đến thông qua quy định về tố quyền cautio damni infecti (tố quyền để bảo vệ sự thiệt hại viễn ảnh[1]). Theo đó, trong trường hợp một tòa nhà có nguy cơ bị sụp đổ, tạo ra một mối đe dọa cho những người láng giềng thì những người này có quyền yêu cầu các Pháp quan buộc chủ sở hữu của tòa nhà phải nộp một số tài sản bảo đảm với mục đích nếu thiệt hại thực sự xảy ra thì người bị thiệt hại sẽ luôn được bồi thường. Cùng với tố quyền cautio damni infecti, Luật La Mã cũng quy định trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi các vật bị ném ra hoặc rơi ra khỏi tòa nhà (actio effusis et dejectis).

Kế thừa các quy định trong Luật La Mã, sau này, pháp luật dân sự của các quốc gia đều có quy định về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Tuy nhiên, do được xây dựng dựa trên nền tảng những học thuyết khác nhau nên bản chất và nội dung của trách nhiệm này ở các quốc gia cũng được quy định khác nhau.

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hạido nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong pháp luật của Anh

Ở Anh không có quy định riêng về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Trách nhiệm này nằm trong trách nhiệm BTTH trên tài sản (Liability for harm occurring on premises) được quy định trong Luật về Trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1957 và 1984 (Occupiers’ Liability Act 1957, 1984)[2]. Khái niệm “premises” (tài sản) trong trường hợp này được hiểu là “bất kỳ một cấu trúc cố định hoặc di động nào bao gồm cả tàu, xe hoặc máy bay”[3]. Trách nhiệm BTTH trên tài sản của Anh được xây dựng dựa trên học thuyết về sự cẩu thả (the tort of negligence[4]). Theo Baron Alderson trong Blyth v Birmingham Waterworks Company (1856) 11 Ex Ch 781, “sự cẩu thả” (negligence) là “việc bỏ qua không thực hiện những điều mà một người bình thường… sẽ làm hoặc làm những việc mà những người thận trọng bình thường sẽ không làm”[5].

Để được BTTH, người bị thiệt hại phải chứng minh được người chiếm hữu (ocupiers) tài sản có một nghĩa vụ theo quy định của pháp luật là phải quan tâm bảo đảm sự an toàn về tính mạng, tài sản, sức khoẻ cho mình (the common duty of care); người chiếm hữu đã vi phạm nghĩa vụ đó (a breach of this duty); thiệt hại xảy ra là hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ của người chiếm hữu[6]. Tuy nhiên, mức độ “quan tâm” (care) của người chiếm hữu đối với người bị thiệt hại lại phụ thuộc vào “địa vị pháp lý của  người bị thiệt hại là “khách mời”(visitors) hay “kẻ xâm phạm” (trespasser).

Luật về Trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1957 (Occupiers’ Liability Act 1957) quy định trách nhiệm của người chiếm hữu đối với “khách mời”[7]. Khách mời” được hiểu là những người được người chiếm hữu “mời” hoặc “cho phép” (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) được đi vào hoặc được sử dụng tài sản[8]. Đối với “khách mời”, người chiếm hữu có nghĩa vụ quan tâm một cách hợp lý (the  common  duty of care) trong mọi trường hợp để đảm bảo khách mời sẽ được an toàn (cả về sức khoẻ, tính mạng, tài sản) trong việc sử dụng tài sản (premises) phù hợp với mục đích mà người khách đã được mời hoặc được cho phép[9]. Người chiếm hữu chỉ được loại trừ trách nhiệm trong hai trường hợp: (1) thiệt hại xảy ra do lỗi của khách mời đã không theo sự cảnh báo của người chiếm hữu về một mối nguy hiểm trên tài sản (với điều kiện sự cảnh báo ở mức đủ để khách mời có thể được an toàn hợp lý trong mọi trường hợp)[10]; (2) thiệt hại xảy ra cho khách mời là do lỗi của bên thứ ba (VD: lỗi của nhà thầu do người chiếm hữu thuê để xây dựng, bảo trì, sửa chữa tài sản)[11].

Luật về Trách nhiệm của người chiếm hữu năm 1984 quy định trách nhiệm của người chiếm hữu đối với “những người không phải là khách mời” (persons other than his visitors)[12] – hay còn gọi là “kẻ xâm phạm” (trespasser)[13]. Trong Robert Addie & Sons (Colliery) Ltd v. Dumbreck [1929] AC 358, Lord Dunedin đã định nghĩa về “kẻ xâm phạm” là: “những người xâm nhập vào đất của người khác mà không được mời và chủ sở hữu cũng không biết về sự có mặt của họ, hoặc nếu biết cũng không đồng ý”[14]. Đối với “kẻ xâm phạm”, người chiếm hữu vẫn có nghĩa vụ quan tâm bảo đảm an toàn cho “kẻ xâm phạm”. Tuy nhiên, mức độ quan tâm của người chiếm hữu đối với “kẻ xâm phạm” “nhẹ” hơn rất nhiều so với “khách mời”. Người chiếm hữu chỉ cần bảo vệ sự an toàn về tính mạng và sức khoẻ mà không cần bảo vệ sự an toàn về tài sản cho “kẻ xâm phạm”[15]. Người chiếm hữu chỉ cần bảo vệ để “kẻ xâm phạm” không gặp nguy hiểm trên “tài sản” (premises)  của mình trong trường hợp: người chiếm hữu đã biết về sự nguy hiểm hoặc có cơ sở hợp lý để tin rằng nó tồn tại; người chiếm hữu biết hoặc có lý do hợp lý để tin rằng “khách không mời” đang trong vùng nguy hiểm hoặc có thể đi vào vùng nguy hiểm đó; trong khả năng của mình, người chiếm hữu có thể đưa ra một số biện pháp bảo vệ[16].

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hạido nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong pháp luật của Đức

Bộ luật Dân sự (BLDS) Đức dành tới 3 điều luật (Điều 836, 837, 838)[17] để quy định về trách nhiệm đối với những thiệt hại phát sinh do “sự sụp đổ hoặc sự vỡ ra” của một “toà nhà hoặc công trình xây dựng khác gắn liền với đất” (Gebäudes oder eines anderen mit einem Grundstück verbundenen Werkes)[18].

Khái niệm “toà nhà” (Gebäudes) và “công trình” (Werkes) được giải thích là những cấu trúc không cần phải kết nối vĩnh viễn, chặt chẽ với mặt đất. Nó có thể bao gồm cả các cửa hàng, giàn giáo, cổng, gian hàng triển lãm, bia mộ, và các cây cầu[19]. Trách nhiệm này được áp dụng với cả những tấm ván rơi ra từ giàn giáo hoặc những vòi hoa sen bị rơi xuống từ chỗ được gắn cố định trên tường[20] nhưng không được áp dụng với tuyết rơi xuống từ mái nhà vì tuyết không phải là một phần của toà nhà[21].

Theo quy định của BLDS Đức, trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra ở Đức phát sinh khi thoả mãn các điều kiện: (1) người bị thiệt hại chứng minh được ba yếu tố: có thiệt hại, có sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng; (2) chủ sở hữu của mảnh đất mà trên đó có các toà nhà hoặc công trình, người chiếm hữu toà nhà hoặc công trình trên đất của người khác và người chịu trách nhiệm bảo trì toà nhà hoặc công trình không thể chứng minh được là mình không có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại.

Như vậy, có thể thấy rằng, BLDS Đức sử dụng học thuyết lỗi do suy đoán để xác định trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra[22]. So với trách nhiệm BTTH trong pháp luật Anh, BLDS Đức tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại do gánh nặng về nghĩa vụ chứng minh lỗi đã được chuyển từ nguyên đơn sang bị đơn. Sự chuyển “gánh nặng” này là hợp lý bởi với tư cách là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người bảo trì nhà cửa, công trình xây dựng thì những chủ thể này thường có kiến thức, có sự am hiểu nhất định về nhà cửa, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu, chiếm  hữu, quản lý của mình, do đó, họ có những điểm thuận lợi nhất định khi đưa ra những bằng chứng chứng minh mình đã thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng ngừa, chăm sóc cần thiết nhưng nhà cửa, công trình xây dựng vẫn sụp đổ, gây thiệt hại.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hạido nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong pháp luật của Pháp

Điều 1386 BLDS Pháp[23] quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu của một“công trình xây dựng” (bâtiment) đối với những “thiệt hại do công trình bị đổ vì thiếu bảo dưỡng hoặc vì khuyết tật trong khi xây dựng” (du défaut d’entretien ou par le vice de sa construction)[24]. Trong thời kỳ đầu, khi BLDS Pháp mới được ban hành, khoản 1 Điều 1384 chỉ được coi như một điều khoản chuyển tiếp từ các quy định về trách nhiệm BTTH do lỗi (Điều 1382, Điều 1383) sang các quy định về trách nhiệm BTTH không cần chứng minh yếu tố lỗi (Điều 1385, Điều 1386) mà chưa được thừa nhận là một điều luật độc lập như hiện nay. Chính vì vậy, để bảo vệ tối đa quyền lợi của người bị thiệt hại, giúp người bị thiệt hại được bồi thường mà không cần phải chứng minh yếu tố lỗi, Toà án Pháp đã giải thích khái niệm “công trình xây dựng” theo nghĩa rất rộng, thậm chí còn bị đánh giá là “quá mức lỏng lẻo”[25]. Hầu như mọi loại tài sản đều được Toà án quy thành “toà nhà” để buộc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong  bản án ngày 20/8/1877, Tòa án đã ra phán quyết coi thiệt hại do một cái cây bị đổ gây ra cũng là thiệt hại do một “công trình xây dựng” gây ra và buộc chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường[26]. Trong một bản án khác, ngày 01/3/1904, Toà án đã coi thiệt hại do một chiếc tủ gương bị đổ khiến người làm công bị thương cũng là thiệt hại “công trình xây dựng” gây ra[27].

Chỉ sau phán quyết về vụ Teffaine (năm 1896) – vụ vợ của người tử nạn trong một vụ nổ nồi hơi của một chiếc tàu kéo mà nạn nhân đang làm việc trên đó khởi kiện chủ sở hữu yêu cầu bồi thường -  thì Toà Phá án Pháp mới chính thức vận dụng Khoản 1 Điều 1384 để buộc chủ sở hữu tàu kéo phải chịu trách nhiệm bồi thường[28]. Bằng phán quyết này, Toà Phá án đã công nhận giá trị độc lập cho khoản 1 Điều 1384. Khoản 1 Điều 1384 đã chính thức trở thành một nguyên tắc cơ bản cho trách nhiệm BTTH do tác động của vật gây ra – một loại trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra, không cần chứng minh yếu tố lỗi. Việc giải thích khái niệm “công trình xây dựng” theo hướng rộng rãi như trước không còn cần thiết. Khái niệm “công trình xây dựng” dần được Toà án giải thích theo nghĩa chặt chẽ hơn. Trong bản án ngày 26/11/1946, Tòa Phúc thẩm Paris đã giải thích “công trình xây dựng” là “công trình xây dựng hình thành từ việc lắp ráp các vật liệu bởi bàn tay con người, được gắn vào trong đất hoặc các bất động sản do tính chất”[29].

Trách nhiệm BTTH theo Điều 1386 BLDS Pháp phát sinh khi thoả mãn ba điều kiện: (1) có thiệt hại; (2) có sự tự thân tác động của công trình xây dựng; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra với sự tự thân tác động của công trình xây dựng (thiệt hại là hậu quả của sự sụp đổ của nhà cửa, công trình xây dựng khác). Nguyên đơn không cần chứng minh yếu tố lỗi của chủ sở hữu; ngược lại, chủ sở hữu cũng không thể được miễn trách nhiệm chỉ vì chứng minh được rằng mình không có lỗi.

Có thể nói rằng,BLDS Pháp  đã xây dựngtrách nhiệm BTTH trên cơ sở học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt[30]. Đây chính là điểm khác biệt với trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong BLDS Đức. Nếu như trong BLDS Đức, bị đơn sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi(đã tuân thủ sự cẩn trọng cần thiết nhằm mục đích phòng tránh nguy cơ[31]); còn trong BLDS Pháp, kể cả trong trường hợp chứng minh được là mình không có lỗi, bị đơn vẫn phải chịu trách nhiệm. Bị đơn chỉ được loại trừ  trách nhiệm trong ba trường hợp: thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của nạn nhân hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba.

So với pháp luật dân sự của Anh và Đức, các quy định trong BLDS Pháp về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nạn nhân trong việc yêu cầu BTTH.

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hạido nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong Bộ Tham khảo chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng  

Với mong muốn nhằm nhất thể hoá hệ thống pháp luật BTTH ngoài hợp đồng để tiến tới xây dựng BLDS chung châu Âu, hai nhóm nghiên cứu là Study Group on a European Civil Code The Research Group on EC Private Law (Acquis  Group) đã xây dựng Bộ Tham khảo chung về BTTH ngoài hợp đồng (Draft common Frame of reference, viết tắt là DCFR)[32]. Bộ DCFR không quy định về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, mà quy định trách nhiệm đối với thiệt hại do tình trạng không an toàn của bất động sản gây ra (Accountability for damage caused by the unsafe state of an immovable – Điều VI-3:02)[33]. Khái niệm “bất động sản”  được quy định riêng tại phần Phụ lục, theo đó, “bất động sản” là “đất đai và bất cứ cái gì gắn liền với đất mà không thể thay đổi vị trí bằng hành động bình thường của con người”[34]. Với định nghĩa này, “bất động sản” được hiểu là “những tòa nhà, cây cầu bền vững và cấu trúc tương tự”. Khái niệm “bất động sản” trong điều này tương đồng với khái niệm tài sản (“premises”) trong pháp luật Anh[35].

            Trách nhiệm theo Điều VI-3:02 của DCFR phát sinh khi thiệt hại xảy ra là do “tình trạng không an toàn của bất động sản”. “Tình trạng không an toàn của bất động sản” được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm sự “sụp đổ” hoặc sự “vỡ ra” của nhà cửa, công trình xây dựng như trong BLDS Pháp và Đức mà còn bao gồm cả các trường hợp khác như: sự sụp đổ của một tấm bia mộ trong nghĩa trang; sự trơn trượt của sàn nhà do dùng quá nhiều dầu đánh bóng; sự thiếu những tấm biển cảnh báo nguy hiểm tại nơi công cộng ở những vị trí có cây cối bị đổ, có lối đi phủ đầy băng chưa được dọn sạch, có những cái hố chưa được che chắn; sự không an toàn tại một bể bơi do hệ thống nước lắp đặt không đúng quy cách khiến trẻ em gặp nguy hiểm khi bơi hoặc lặn; sự thiếu một hệ thống gọi điện khẩn cấp khiến khách hàng bị khoá trái trong một căn phòng mà không thể gọi cứu hộ để thoát ra ngoài…[36]

Điều VI-3:02 của DCFR quy định “người có quyền kiểm soát độc lập trên bất động sản” (A person who independently exercises control over an immovable) sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do tình trạng không an toàn của bất động sản gây ra. Khoản 3 Điều VI-3:02 quy định: “Người có quyền kiểm soát độc lập trên bất động sản” thông thường chính là chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được người khác đang thực hiện quyền kiểm soát độc lập này[37]. Như vậy, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH có thể là “chủ sở hữu” hoặc là “người chiếm hữu” bất động sản tại thời điểm bất động sản gây thiệt hại (VD: người thuê nhà, hoặc nếu trong giai đoạn xây dựng, công ty xây dựng phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn trong phạm vi công trường xây dựng…)[38]

Được xây dựng dựa trên học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt nên “Người có quyền kiểm soát độc lập trên bất động sản” không được loại trừ trách nhiệm BTTH ngay cả khi chứng minh được mình không có lỗi. Họ chỉ được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại (Điều VI. – 5:101), hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba/cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Điều VI. – 5: 201) hoặc do một sự kiện ngoài tầm kiểm soát (bất khả kháng) theo Điều VI. – 5:302.

Nghiên cứu các quy định về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong pháp luật của một số quốc gia và trong Bộ Tham khảo chung về BTTH ngoài hợp đồng cho thấy, dù được xây dựng dựa trên những học thuyết khác nhau: học thuyết về sự cẩu thả (Anh), học thuyết về lỗi do suy đoán (Đức), học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt (Pháp, Bộ Tham khảo chung về BTTH ngoài hợp đồng song pháp luật các quốc gia này đều rất rõ ràng trong việc xác định bản chất của trách nhiệm, điều kiện làm phát sinh trách nhiệm, chủ thể phải chịu trách nhiệm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm.

5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hạido nhà cửa, công trình xây dựng khác trong Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam 

Trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra được quy định tại Điều 605 BLDS năm 2015 của Việt Nam. Đối chiếu quy định tại Điều 605 BLDS 2015 với các quy định trong pháp luật dân sự của các quốc gia nói trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, về bản chất trách nhiệm

Điều 605 không rõ ràng trong việc xác định bản chất của trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Cụ thể, nếu căn cứ vào đoạn 1 Điều 605: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác” thì có thể khẳng định: đây là trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra (nguyên nhân gây thiệt hại là “do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra”). Nhưng nếu căn cứ vào đoạn 2 Điều 605: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”thì đây lại là trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật, có lỗi (của người thi công gây ra).

Trong cùng một điều luật, chúng ta đã thấy hai sự mâu thuẫn: (1) mâu thuẫn giữa tên gọi và nội dung điều luật (tên gọi là “trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” nhưng nội dung lại điều chỉnh trách nhiệm BTTH do lỗi của người thi công gây ra);(2) mâu thuẫn trong chính nội dung của điều luật khi đoạn 1 thì quy định về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra còn đoạn 2 lại quy định về trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật có lỗi gây ra.

Thứ hai, về điều kiện làm phát sinh trách nhiệm

Sự mâu thuẫn trong việc xác định bản chất của trách nhiệm đã dẫn đến sự mâu thuẫn trong việc xác định điều kiện làm phát sinh trách nhiệm. Nếu theo đoạn 1 Điều 605 thì để làm phát sinh trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng nguyên đơn cần chứng minh ba điều kiện: có thiệt hại, có sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng  mà không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng.

Trong khi đó, để buộc người thi công phải chịu trách nhiệm BTTH thì nguyên đơn lại phải chứng minh bốn điều kiện: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật của người thi công, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật của người thi công và quan trọng nhất là phải chứng minh được cả lỗi của người thi công.

Đoạn 2 Điều 605 quy định trách nhiệm của người thi công là trách nhiệm liên đới (“Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”). Điều này có nghĩa, nếu người thi công có lỗi họ phải liên đới cùng chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng BTTH. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này, nguyên đơn phải chứng minh những gì để được BTTH? Chứng minh thiệt hại xảy ra là do sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng hay chứng minh thiệt hại xảy ra là do hành vi trái pháp luật có lỗi của người thi công? Hay cả hai? Trong trường hợp người thi công có lỗi thì chỉ cần chứng minh lỗi của người thi công hay phải chứng minh cả lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng?

Về vấn đề này, pháp luật hiện hành chưa có phương hướng giải quyết.

Thứ ba, về chủ thể chịu trách nhiệm BTTH

Điều 605 BLDS 2015 quy định tới nămchủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH là: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng (trong khi đó tối đa như BLDS Đức cũng chỉ quy định đến ba chủ thể (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người bảo trì); Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chỉ quy định hai chủ thể (chủ sở hữu, người chiếm hữu)[39]; còn Pháp chỉ một chủ thể (chủ sở hữu). Mặc dù quy định tới năm chủ thể có khả năng phải chịu trách nhiệm nhưng BLDS 2015 hoàn toàn không đưa ra bất kỳ một quy định nào về thứ tự các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường hay tiêu chí để xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong từng trường hợp cụ thể. Các quy định trong Điều 605 chỉ đơn thuần mang tính liệt kê.

Trong khi đó, như đã phân tích, BLDS của các quốc gia hoặc trực tiếp xác định rõ ràng chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường (tại Pháp luôn là chủ sở hữu) hoặc đưa ra những tiêu chí rõ ràng để xác định chủ thể chịu trách nhiệm (BLDS Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan quy định: người phải chịu trách nhiệm trước hết là người đang trực tiếp chiếm hữu nhà cửa, công trình xây dựng; nếu người này chứng minh được là mình không có lỗithì khi đó chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm BTTH)[40]. Hơn nữa, việc quy định buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải liên đới bồi thườngcùng với người thi công trong trường hợp thiệt hại xảy ra do “lỗi của người thi công” cũng là không hợp lý. Tại sao chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường trong khi thiệt hại xảy ra do lỗi của người thi công? Sở dĩ, tại khoản 1 Điều 605 BLDS 2015 họ phải chịu trách nhiệm BTTH – ngay cả khi họ chứng minh được là mình không có lỗi – là bởi vì họ là người được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng nên khi nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì họ đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định của đoạn 2, thiệt hại xảy ra do lỗicủa người thi công, chủ sở hữu không hề có lỗi, bản thân họ cũng là người bị thiệt hại (nhà cửa, công trình xây dựng thuộc sở hữu của họ bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở do lỗi của người thi công) nhưng họ lại phải liên đới chịu trách nhiệm BTTH cùng người thi công? Vậy cơ sở của việc buộc chủ sở hữu phải bồi thường trong trường hợp này là gì? Về vấn đề này, BLDS 2015 cũng chưa có sự giải quyết thoả đáng.

Thứ tư, về các trường hợp loại trừ trách nhiệm

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm không được quy định tại Điều 605 mà được quy định chung trong Điều 584 cho tất cả các trách nhiệm. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp: “thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” (khoản 2 Điều 584).

Nghiên cứu quy định này có thể thấy các trường hợp loại trừ trách nhiệm BLDS 2015 chưa được quy định đầy đủ. Cụ thể, BLDS 2015 đã “bỏ qua” trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại xảy ra “hoàn toàn do lỗi của người thứ ba”. “Người thứ ba” ở đây có thể là cá nhân, tổ chức bất kỳ hoặc cũng có thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên thực tế, có rất nhiều công trình xây dựng thuộc danh mục di tích lịch sử phải bảo tồn (nhà cổ, đền, chùa…). Đối với những công trình này, việc sửa chữa phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy, nếu trong trường hợp vì cơ quan có thẩm quyền không cấp phép sửa chữa khiến công trình bị xuống cấp rồi sụp đổ thì ai phải chịu trách nhiệm BTTH? Nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 thì đây không thuộc các trường hợp để được loại trừ trách nhiệm bồi thường (thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại). Do đó, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm BTTH. Điều này không phù hợp với lẽ công bằng.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đề xuất để hoàn thiện một số quy định của BLDS năm 2015 về trách nhiệm BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

Một là, nên tách trách nhiệm BTTH của người thi công thành một điều luật riêng với những quy định riêng thể hiện bản chất của trách nhiệm là trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật gây ra; điều kiện làm phát sinh trách nhiệm là có lỗicủa người thi công; nội dung của trách nhiệm có thể là trách nhiệm độc lập của người thi công nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công, hoặc có thể là trách nhiệm liên đới trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hoặc người thứ ba cũng có lỗi khiến thiệt hại xảy ra.

Hai là, xác định rõ tiêu chí để một chủ thể phải chịu trách nhiệm BTTH theo hướng: Trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì người chiếm hữunhà cửa, công trình xây dựng chịu trách nhiệm BTTH; người chiếm hữu sẽ được loại trừ trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi, khi đó chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm bồi thường (kể cả khi chủ sở hữu chứng minh được là mình không có lỗi). Quy định này rất chặt chẽ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta.

Ba là, bổ sung khoản 2 Điều 584 trường hợp được loại trừ trách nhiệm BTTH là “thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thứ ba”. Theo đó, Khoản 2 Điều 584 quy định như sau: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba,trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”./.


[1] Xem Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo (Quyển II – Nghĩa vụ và khế ước), Nxb. Sài Gòn, Sài Gòn, 1963, tr. 469.

[2] Xem Christian von Bar (2009), Non-contractual Liability Arising Out of  Damage Caused to Another: (PEL Liab. Dam.), Sellier Eropean law publishers, p. 671.

[3] Điểm a, khoản 3, điều 1 Occupiers’ Liability Act 1957: “any fixed or moveable structure, including any vessel, vehicle or aircraft”. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[4] Xem thêm học thuyết về sự cẩu thả (negligence) tại: Kirsty Horsey, Erika Rackley, 2013, Tort Law, OUP Oxford, 4th edition, p. 27-278.

[5] Xem thêm S.I. Strong, Liz Williams, 2011, Complete Tort Law: Text, Cases, & Materials, OUP Oxford, p.66, 67:

“Negligence is the omission to do something which a reasonable man…. would do, or doing something which a prudent and reasonable man would not do”.

[6] Xem thêm Kirsty Horsey, Erika Rackley, 2013, Tort Law, OUP Oxford, 4th edition, p. 38-44.

                Để thiết lập trách nhiệm BTTH do cẩu thả (negligence), nguyên đơn cần chứng minh được ba yếu tố (elements): (1) bị đơn có một nghĩa vụ pháp lý cần quan tâm đến nguyên đơn (a legal duty  owed by the  defendant to the  claimant to take care); (2) bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ đó (a breach of this  duty  by the defendant); (3) thiệt hại xảy ra là do sự vi phạm nghĩa vụ đó của bị đơn (damage to the  claimant,  caused by the  breach).

[7] Xem thêm Occupiers’ Liability Act 1957 tại http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[8] Xem thêm khoản 2 Điều 1 Occupiers’ Liability Act 1957.Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[9] Xem thêm khoản 2 Điều 2 Occupiers’ Liability Act 1957: “The common duty of care is a duty to take such care as in all the circumstances of the case is reasonable to see that the visitor will be reasonably safe in using the premises for the purposes for which he is invited or permitted by the occupier to be there”. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[10] Xem thêm điểm a, khoản 4 Điều 2 Occupiers’ Liability Act 1957. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[11] Xem thêm điểm b, khoản 4 Điều 2 Occupiers’ Liability Act 1957. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Eliz2/5-6/31/contents.

[12] Xem Occupiers’ Liability Act 1984 tại http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1984/3/section/1.

[13] Xem thêm https://en.wikipedia.org/wiki/Occupiers%27_Liability_Act_1984’.

[14] Xem John Hodgson, John Lewthwaite, 2007,  Tort Law Textbook, OUP Oxford,  p. 219:

"A trespasser is a person who goes upon land without invitation of any sort and whose presence is unknown to the proprietor or, if known, is practically objected to".

[15] Xem khoản 4 Điều 1 Occupiers’ Liability Act 1984: “Where, by virtue of this section, an occupier of premises owes a duty to another in respect of such a risk, the duty is to take such care as is reasonable in all the circumstances of the case to see that he does not suffer injury on the premises by reason of the danger concerned”. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1984/3/section/1.

[16] Xem khoản 3 Điều 1 Occupiers’ Liability Act 1984.  Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/ 1984/3/section/1.

[17] Xem bản tiếng Đức tại https://dejure.org/gesetze/BGB;

Bản dịch tiếng Việt: Trường Đại học Luật Hà Nội, German Civil Code (BGB) BLDS Đức: Chế định nghĩa vụ, Nxb Lao động, H., tr. 685-686.

[18] Khoản 1 Điều 836 BLDS Đức: “Wird durch den Einsturz eines Gebäudes oder eines anderen mit einem Grundstück verbundenen Werkes oder durch die Ablösung von Teilen des Gebäudes oder des Werkes ein Menschgetötet, der Körper oder die Gesundheit eines Menschen verletzt oder eine Sache beschädigt, so ist der Besitzer des Grundstücks, sofern der Einsturz oder die Ablösung die Folge fehlerhafter Errichtung oder mangelhafter Unterhaltung ist, verpflichtet, dem Verletzten den daraus entstehenden Schaden zu ersetzen. Die Ersatzpflicht tritt nicht ein, wenn der Besitzer zum Zwecke der Abwendung der Gefahr die im Verkehr erforderliche Sorgfalt beobachtet hat”;  nguồn: https://dejure.org/gesetze/BGB/836.html.

[19] RG 23 March 1916, JW 1916, 1019 (booth); BGH 27 April 1999, NJW 1999, 2593 = VersR 1999, 1424; BGH 4 March 1997, NJW 1997, 1853 = VersR 1997, 835; BGH 21 April 1959, 694 (walls, gates, and scaffolding); BGH 29 March 1977, NJW 1977, 1392 = Vers 1977, 668 (gravestone); BGH 9 July 1959, VersR 1959, 948 (bridge).

(Trích dẫn trong Cees van Dam, 2013, European Tort Law, 2th edition, OUP Oxford, p.465).

[20] BGH 4 March 1997, NJW 1997, 1853 = VersR 1997, 835 (scaffolding); RG 13 October 1930, JW 1931, 194 (sunshade); BGH 12 March 1985, 2588 = VersR 1985, 666 (shower cubicle)

(Trích dẫn trong Cees van Dam, sđd, tr. 465).

[21] BGH 8 December 1954, NJW 1955, 300

(Trích dẫn trong Cees van Dam, sđd, tr. 465).

[22] Xem Xiang Li, Jigang Jin, 2014, Concise Chinese Tort Laws, Springer, p. 29.

Về lỗi do suy đoán (Presumed Fault Liability):

“According to this principle, if the victim can prove damage or  injury, illegal act, as well as causation, and the perpetrator cannot prove that there was no intention or negligence relating to the act and damage, then the judge can make the presumption that the perpetrator is at fault and order him to pay for the damage” (Theo nguyên tắc này, nếu nạn nhân có thể chứng minh có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại; còn người gây thiệt hại không thể chứng minh không có lỗi cố ý hoặc vô ý gây ra thiệt hại, khi đó thẩm phán có thể suy đoán rằng người gây thiệt hại có lỗi và buộc người đó chịu trách nhiệm bồi thường).

[23] Điều 1386 BLDS Pháp – bản Tiếng Pháp“Le propriétaire d’un bâtiment est responsable du dommage causé par sa ruine, lorsqu’elle est arrivée par une suite du défaut d’entretien ou par le vice de sa construction”; nguồn https://www.legifrance.gouv.fr/affichCodeArticle.do?cidTexte=LEGITEXT000006070721&idArticle=LEGIARTI000006438858;

Bản dịch Tiếng Việt: “Chủ sở hữu một công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do công trình bị đổ vì thiếu bảo dưỡng hoặc vì khuyết tật trong khi xây dựng”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp, 1998, BLDS của nước Cộng hoà Pháp, Nxb. Chính trị quốc gia, H., tr. 366.

[24] Điều 1386 BLDS Pháp.

[25] Xem C. Giraudel, Responsabilité du fait des bâtiments, Jurisclasseur, 1996, fascicule 152, n°34.

Trích dẫn trong Olivia Depetris, La responsabilité civile délictuelle du fait des immeubles,http://magat.francois.free.fr/La%20responsabilit%E9%20civile%20d%E9lictuelle%20du%20fait%20des%20immeubles.html, truy cập ngày 17/7/2016.

[26] Xem Paris, 20 août 1877, S. 1878.2.48.

Trích dẫn trong Olivia Depetris, La responsabilité civile délictuelle du fait des immeubles,http://magat.francois.free.fr/La%20responsabilit%E9%20civile%20d%E9lictuelle%20du%20fait%20des%20immeubles.html, truy cập ngày 17/7/2016.

[27] Xem Paris, 11 mars 1904, D. 1904.2.257.

Trích dẫn trong  Olivia Depetris, La responsabilité civile délictuelle du fait des immeubles,

http://magat.francois.free.fr/La%20responsabilit%E9%20civile%20d%E9lictuelle%20du%20fait%20des%20immeubles.html, truy cập ngày 17/7/2016.

[28]Franz Werro, (2010), Liability for Harm Caused by Things,

https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1639357 truy cập ngày 1/6/ 2016.

[29] Paris, 26 novembre 1946, JCP G 1947.2.3444. 62 Civ «une construction résultant de l’assemblage de matériaux qui, d’une part, sont reliés artificiellement de façon à procurer une union durable, et d’autre part, sont incorporés au sol ou à un immeuble par nature”.

Trích dẫn trong Olivia Depetris, La responsabilité civile délictuelle du fait des immeubles,http://magat.francois.free.fr/La%20responsabilit%E9%20civile%20d%E9lictuelle%20du%20fait%20des%20immeubles.html, truy cập ngày 17/7/2016.

[30]  Xem Richard A. Epstein, 1973, A Theory of Strict Liability.

Nguồn: http://www.jstor.org/stable/724030?seq=4#page_scan_tab_contents.

Trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability) hay còn gọi là trách nhiệm không cần lỗi (no-fault liability) là loại trách nhiệm mà để được bồi thường nguyên đơn không cần chứng minh lỗi của bị đơn và ngược lại, bị đơn cũng không thể được loại trừ trách nhiệm chỉ vì chứng minh được là mình không có lỗi. Bị đơn chỉ được loại trừ trách nhiệm trong ba trường hợp: thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của nạn nhân hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba.

[31] Điều 836 BLDS Đức.

[32] Xem thêm:Anemari-Iuliana Opritoiu, 2015, Introduction in DCFR –Draft Common Frame of References, nguồn: http://jolas.ro/wp-content/uploads/2015/03/jolas3a8.pdf.

[33] Xem Điều VI-3:02. Nguồn: http://ec.europa.eu/justice/policies/civil/docs/dcfr_outline_edition_en.pdf.

[34] “Land and anything so attached to land as not to be subject to change of place by usual human action”. Nguồn: http://ec.europa.eu/justice/policies/civil/docs/dcfr_outline_edition_en.pdf.

[35] Xem Christian von Bar (2009), Non-contractual Liability Arising Out of  Damage Caused to Another: (PEL Liab. Dam.), Sellier Eropean law publishers, p. 660.

[36] Xem Christian von Bar (2009), Non-contractual Liability Arising Out of  Damage Caused to Another: (PEL Liab. Dam.), Sellier Eropean law publishers, p. 660.

[37] Khoản 3 Điều Điều VI-3:02: The owner of the immovable is to be regarded as independently exercising control, unless the owner shows that another independently exercises control”. Nguồn: http://ec.europa.eu/justice/policies/civil/docs/dcfr_outline_edition_en.pdf.

[38] Xem Christian von Bar (2009), Non-contractual Liability Arising Out of  Damage Caused to Another: (PEL Liab. Dam.), Sellier Eropean law publishers, p. 662.

[39] Điều 717 BLDS Nhật Bản quy định: “Nếu việc xẩy ra thiệt hại đối với người khác vì nguyên nhân sai sót trong xây dựng hoặc bảo quản cấu trúc trên đất thì người chiếm hữu cấu trúc chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với bên bị thiệt hại, song nếu như người chiếm hữu đã thể hiện sự quan tâm đúng mức nhằm ngăn chặn việc xảy ra thiệt hại thì chủcủa các cấu trúc phải BTTH”.

Điều 434 BLDS và Thương mại Thái Lan:Nếu tổn thất xảy ra vì lý do xây dựng tồi hoặc không được bảo trì đầy đủ đối với một ngôi nhà hoặc kiến trúc khác thì người chiếm hữu ngôi nhà hoặc kiến trúc đó có bổn phận bồi thường; nhưng nếu người chiếm hữu đó đã có sự chăm nom thích đáng để ngăn ngừa xẩy ra tổn thất thì chủ sở hữu có bổn phận bồi thường.

[40] Điều 717 BLDS Nhật Bản, Điều 434 BLDS và Thương mại Thái Lan, Tlđd./.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

<

p align=”justify”>Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-do-nha-cua-cong-trinh-xay-dung-khac-gay-ra-duoi-goc-nhin-so-sanh


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191