Xin tư vấn về vấn đề người nước ngoài mở trung tâm dạy tiếng Nhật

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Xin tư vấn về vấn đề người nước ngoài mở trung tâm dạy tiếng Nhật

Xin kính chào quý công ty.

Tôi xin phép được đặt câu hỏi  về vấn đề mở trung tâm dạy tiếng Nhật tại Việt Nam. Bạn của tôi là người Nhật Bản đã tốt nghiệp đại học tại Nhật và năm nay trên 30 tuổi. Bạn của tôi muốn sang Việt Nam để mở trung tâm dạy tiếng Nhật cho người Việt Nam. Vậy thì xin hỏi là bạn tôi cần phải đáp ứng điều kiện gì và cần những thủ tục như thế nào vậy  ? và có sự khác biệt gì giữa việc giám đốc điều hành và người sáng lập là cùng một người và 2 người khác nhau không ?


Luật sư Tư vấn Luật Đầu tư – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 22 tháng 06 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề tư vấn mở trung tâm ngoại ngữ

– Luật Đầu tư 2014 sửa đổi, bổ sung 2016;

– Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học

3./ Luật sư tư vấn

Để được cấp phép thành lập, hoạt động trung tâm ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ:

– Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Đề án thành lập trung tâm xác định rõ: mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.

  • Điều kiện hoạt động trung tâm ngoại ngữ:

Khi đã đáp ứng các điều kiện thành lập trung tâm, để được tiến hành hoạt động, trung tâm cần đáp ứng các điều kiện về hoạt động trung tâm như sau:

– Trình độ chuyên môn và trình độ sư phạm của giáo viên, giảng dạy lý thuyết, thực hành theo quy định. Số lượng giáo viên phải đảm bảo tỉ lệ trung bình không quá 25 học viên/ 1 giáo viên/ca học.

– Có đủ phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo. Phòng học đủ ánh sáng, có diện tích tối thiểu đảm bảo 1,5m2/học viên/ca học.

– Có giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo yêu cầu của chương trình đào tạo và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động.

– Có khu vực cho cán bộ, giáo viên và học viên nghỉ giải lao, nghỉ giữa giờ.

– Được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Để thực hiện hoạt động mở trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Nhật tại Việt Nam, bạn của bạn cần thực hiện các thủ tục cấp phép như sau:

Trước hết, để được thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bạn của bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tục đăng ký đầu tư tại Việt Nam như sau:

– Trình tự, thủ tục thực hiện

Để thực hiện hoạt động đầu tư cần thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan đăng ký đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định pháp luật.

Bước 2: Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận, xem xét hồ sơ và hướng dẫn cho nhà đầu tư bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng theo quy định.

Bước 3: Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm có:

+Mã số dự án đầu tư.

+Tên, địa chỉ của nhà đầu tư.

+Tên dự án đầu tư.

+Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; diện tích đất sử dụng.

+Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.

+Vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn.

+Thời hạn hoạt động của dự án.

+Tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn.

+Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).

+Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).

Trường hợp từ chối, cơ quan đăng ký đầu tư thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho nhà đầu tư.

– Thành phần hồ sơ:

Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

– Bản sao một trong các tài liệu sau: bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

  • Thủ tục xin phép thành lập trung tâm ngoại ngữ:

Sau khi được cấp phép đầu tư, bạn của bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ. Cụ thể, trình tự, thủ tục xin cấp phép được tiến hành như sau:

– Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở trung tâm.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ xem xét hồ sơ và yêu cầu sửa đổi bồ sung khi phải sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Cấp phép thành lập trung tâm ngoại ngữ

 Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm theo quy, cơ quan quyết định thành lập trung tâm có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra các điều kiện theo quy định. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ ra quyết định thành lập.

 Nếu không đủ điều kiện thành lập trung tâm thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thông báo cho các đối tượng liên quan biết lý do.

– Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ bao gồm:

+Tờ trình xin thành lập trung tâm;

+ Đề án thành lập trung tâm gồm các nội dung sau:

– Tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm;

– Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm;

– Chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo;

– Cơ sở vật chất của trung tâm;

– Cơ cấu tổ chức của trung tâm, giám đốc, các phó giám đốc (nếu cần), các tổ (hoặc phòng chuyên môn);

– Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm.

+ Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm.

+ Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư.

  • Thủ tục cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ:

Sau khi được thành lập, trung tâm ngoại ngữ được thành lập phải đáp ứng các điều kiện về đào tạo, bồi dưỡng và điều kiện về cơ sở vật chất hoạt động trung tâm. Khi đã có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nhân lực và cơ sở vật chất theo quy định, trung tâm phải xin cấp phép hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục cấp phép như sau:

– Trình tự, thủ tục xin cấp phép hoạt động trung tâm

Bước 1: Trung tâm gửi Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngoại ngữ làm thành 1 bộ và gửi cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Sở giáo dục và đào tạo.

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ, xem xét yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi cần sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Thẩm định về điều kiện đào tạo, cơ sở vật chất cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;

Bước 4: Cấp Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ

 Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo có thẩm quyền ra quyết định cho phép trung tâm triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Trường hợp trung tâm chưa đủ điều kiện để hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.

– Thành phần hồ sơ

 Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:

– Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học do giám đốc trung tâm ký tên, đóng dấu;

– Quyết định thành lập trung tâm do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Nội quy hoạt động của trung tâm;

– Báo cáo về trang thiết bị làm việc của văn phòng; lớp học, phòng thực hành, cơ sở phục vụ đào tạo trong đó phải có văn bản chứng minh về quyền sở hữu (hoặc hợp đồng thuê) đất, nhà, kinh phí hoạt động;

– Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học;

– Danh sách trích ngang đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy;

– Các quy định về học phí, lệ phí;

– Chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học.

. Với thắc mắc về người sáng lập và người điều hành, ở đây, người sáng lập ra trung tâm có thể hiểu là người đứng ra thành lập trung  tâm, bỏ vốn thành lập trung tâm., tuy nhiên, pháp luật không có sự ghi nhận với người sáng lập trung tâm.

Người điều hành hay (Giám đốc Trung tâm) là người được pháp luật thừa nhận nhiệm vụ, quyền hạn điều hành hoạt động thực tế của trung tâm, thay mặt, đại diện cho trung tâm tiến hành các hoạt động của trung tâm. Thực tế, Người sáng lập có thể thuê người điều hành điều hành hoạt động trung tâm thông qua hợp đồng hoặc tự mình là người điều hành hoạt động trung tâm. Trong cơ cấu điều hành trung tâm ngoại ngữ, Giám đốc và các Phó Giám đốc (nếu cần) cần phải đáp ứng các yêu cầu như sau:

  • Giám đốc trung tâm

Giám đốc trung tâm phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực quản lý, đã tốt nghiệp trình độ đại học ngoại ngữ hoặc tin học, đã hoạt động trong ngành giáo dục ít nhất 3 năm và được cấp ra quyết định thành lập trung tâm công nhận (đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục).

Giám đốc trung tâm ngoại ngữ là người điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của trung tâm. Nhiệm kỳ của giám đốc trung tâm ngoại ngữ là 5 năm.

Đối với trung tâm ngoại ngữ tư thục, tuổi của giám đốc trung tâm khi bổ nhiệm lần đầu không quá 65 tuổi.

  • Phó Giám đốc trung tâm

Phó giám đốc do giám đốc trung tâm đề nghị và do cấp ra quyết định thành lập trung tâm công nhận (đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục). Phó giám đốc là người giúp việc cho giám đốc trung tâm, là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực quản lý, đã tốt nghiệp trình độ đại học hoặc cao đẳng.

Đối với trung tâm ngoại ngữ, tư thục, tuổi của phó giám đốc trung tâm khi bổ nhiệm lần đầu không quá 65 tuổi. Nhiệm kỳ của phó giám đốc trung tâm theo nhiệm kỳ của giám đốc trung tâm.

Với những tư vấn về câu hỏi Xin tư vấn về vấn đề người nước ngoài mở trung tâm dạy tiếng Nhật, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191