Người khác lấy thông tin trên CMND làm việc trái pháp luật thì có bị liên lụy không?

Câu hỏi của khách hàng: Người khác lấy thông tin trên CMND làm việc trái pháp luật thì có bị liên lụy không?

Mọi người ơi cho em hỏi vấn đề và giải đáp giúp em với ạ? Câu chuyện như sau: bạn em rơi chứng mình thư và người nhật được chụp lại đăng lên mạng để tìm người đánh rơi và trả lại nhưng bạn em sợ là người chụp ấy có thể sẽ vẫn giữ những bức ảnh ấy và họ có thể sẽ sẽ lấy những thông tin cá nhân qua những bức ảnh đó để làm trái pháp luật và có thể gây liên luỵ đến bạn của em không ạ?


Luật sư Tư vấn Luật hành chính – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 22/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm pháp lý khi khai thác thông tin trên chứng minh thư của người khác

  • Nghị định số 03/VBHN-BCA ngày 26 tháng 9 năm 2013 Về chứng minh nhân dân;
  • Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư trả lời Người khác lấy thông tin trên CMND làm việc trái pháp luật thì có bị liên lụy không?

Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 7 Nghị định số 03/VBHN-BCA ngày 26 tháng 9 năm 2013 Về chứng minh nhân dân quy định như sau:

1. Công dân được sử dụng Chứng minh nhân dân của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số Chứng minh nhân dân được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân.

2. Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp… Chứng minh nhân dân”.

Pháp luật chỉ quy định việc công dân phải mang theo chứng minh thư của mình khi đi lại, giao dịch và nghiêm cấm các hành vi sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp chứng minh thư,… Tuy nhiên, lại không có những quy định cụ thể về việc cấm hành vi sử dụng thông tin trên chứng minh thư của người khác để giao dịch. Do đó, hiện nay trong xã hội, có rất nhiều trường hợp chỉ cần có số chứng minh nhân dân và những thông tin như họ tên, ngày, tháng, năm sinh,… là đã có thể thực hiện một số giao dịch nhất định, điển hình là vay nợ.

Một giao dịch dân sự chỉ phát sinh hiệu lực khi đáp ứng những điều kiện nhất định. Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hình thức của giao dịch đúng với quy định của pháp luật (đối với những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức hợp đồng).

Việc người khác sử dụng thông tin trên chứng minh nhân dân của bạn để thực hiện giao dịch đã vi phạm yếu tố chủ thể và yếu tố tự nguyện xác lập hợp đồng. Trường hợp nội dung, mục đích của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật thì cũng là một yếu tố khiến cho giao dịch này vô hiệu. Do đó, người bị lấy thông tin trên chứng minh thư có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu khi có đủ chứng cứ chứng minh người kia tự ý sử dụng chứng minh thư của mình để xác lập giao dịch trái phép. Tuy không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì đối với giao dịch mà người kia xác lập, nhưng người bị lấy thông tin trên chứng minh thư để thực hiện giao dịch trái phép vẫn sẽ có những thiệt hại nhất định như: tốn thời gian tố tụng, một số chi phí nhất định trong quá trình yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu,…

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp kẻ xấu lợi dụng số chứng minh nhân dân hoặc những thông tin cá nhân của người khác để rút trộm tiền, vay tín chấp, mở thẻ tín dụng hay lừa đảo, giao dịch trái pháp luật. Người có thông tin bị khai thác sẽ bỗng nhiên trở thành con nợ của ngân hàng hay bất kỳ chủ thể nào khác với số tiền vay rất lớn và lãi suất cao.

Thông tin cá nhân gồm những nội dung cơ bản như: họ và tên, số chứng minh thư, địa chỉ, số điện thoại, mail, địa chỉ, nơi làm việc… Do chủ quan nên chúng ta thường không bảo mật những thông tin này. Những thông tin như họ và tên, số chứng minh thư, số điện thoại, mail, địa chỉ, nơi làm việc thì chỉ nên cung cấp khi cần thiết và người nhận thông tin đó phải có trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân mà bạn đã cung cấp.

Hành vi lợi dụng thông tin người khác để giao dịch trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như cấu thành tội phạm (ví dụ: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản,…). Ngoài ra, hành vi này còn bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

….”.

Đối với trường hợp mà bạn thắc mắc, bạn của bạn đã đánh rơi chứng minh thư và người khác đã chụp lại ảnh để đăng lên mạng xã hội. Những thông tin trên chứng minh thư đó có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, khai thác để thực hiện những giao dịch trái pháp luật bằng những thủ đoạn tinh vi khác nhau. Nếu phát hiện có người sử dụng thông tin của mình để giao dịch trái phép, gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mình thì bạn của bạn có thể tố cáo hành vi đó với cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191