Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn, quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn và hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật

Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn, quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn và hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật

1. Tôi kết hôn được 7 năm và con tôi được 6 tuổi. Khi thời gian chung sống với nhau mới được 3 năm thì trong 1 lần về quê anh đã lấy vợ và giờ anh đã có 2 con riêng, sau đó anh vẫn không chấp nhận ly hôn với tôi. Tôi đã đơn phương gửi đơn ly hôn tại toà án nơi tôi sinh sống và cũng là nơi tôi đăng ký kết hôn, nhưng đơn ly hôn của tôi không được chấp nhận. Toà án yêu cầu tôi phải gửi đến toà án nơi chồng tôi sinh sống (Thanh Hoá) và tôi phải ít nhất 1 lần hầu toà. Vậy tôi phải gửi đơn đến tòa án nào có thẩm quyền để được giải quyết việc ly hôn của mình và yêu cầu chồng tôi phải trợ cấp nuôi con?

2. Cho tôi hỏi khi người chồng bỏ đi biệt tích từ 5 năm không rõ tung tích thì giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của tôi có hết hiệu lực hay không?

Gửi bởi: Kiều Ngọc Bích

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn

Về nguyên tắc, thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ án ly hôn sẽ được xác định trên cơ sở thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với các vụ án dân sự.

Về vấn đề này, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án như sau:

“a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.”

Như vậy, nếu bạn muốn ly hôn thì trước hết bạn phải gửi đơn ly hôn đến Tòa án tại Thanh Hóa nơi chồng bạn hiện đang sinh sống. Nếu bạn không biết cụ thể nơi cư trú, làm việc của chồng bạn thì bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nơi chồng của bạn cư trú, trụ sở nơi làm việc cuối cùng hoặc nơi Tòa án nơi chồng bạn có tài sản để yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn. Để được ly hôn và được quyền trợ cấp nuôi con, trong đơn ly hôn bạn phải đưa ra yêu cầu được nuôi con đồng thời yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng nuôi con và được Tòa án chấp nhận, giao con cho bạn nuôi dưỡng.

Theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì “sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” và “Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”

Theo đó, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn việc áp dụng quy định của Điều 92 như sau:

“Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha mẹ, do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con… Về phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng”. Như vậy, nếu tòa án đồng ý giải quyết ly hôn và giao con cho bạn nuôi thì chồng bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con. Bạn có thể thỏa thuận với chồng về khoản tiền cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. Nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định về việc cấp dưỡng nuôi con trên cơ sở quyền lợi về mọi mặt của cháu bé.

2. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

Nếu bạn đã đăng ký kết hôn và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì trong giấy đăng ký kết hôn phải có ghi ngày hôn nhân có hiệu lực kể từ ngày bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt khi có quyết định ly hôn của Tòa án hoặc một trong hai bên chết.

Khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định về căn cứ cho ly hôn có đề cập tới trường hợp yêu cầu ly hôn khi một trong hai người mất tích như sau: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Theo đó, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn việc áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 89 nói trên, cụ thể là:

“Thực tiễn cho thấy có thể xảy ra hai trường hợp như sau:

b.1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Toà án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.

b.2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Toà án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn.

b.3. Khi Toà án giải quyết cho ly hôn với người tuyên bố mất tích thì cần chú ý giải quyết việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích theo đúng quy định tại Điều 89 Bộ luật Dân sự.”

Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn vẫn còn hiệu lực và quan hệ vợ chồng giữa hai bạn vẫn tồn tại. Trường hợp này bạn có thể đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, cần lưu ý Tòa án chỉ giải quyết cho ly hôn nếu bạn có bằng chứng chứng minh được chồng của bạn đã biệt tích từ hai năm trở lên kể từ ngày có tin tức cuối cùng về chồng bạn, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: CTV2


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191