Thẩm quyền của UBND xã trong quản lý tư pháp

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thẩm quyền của UBND xã trong quản lý tư pháp

Mong được hướng dẫn cụ thể hơn về pháp luật, tôi muốn tìm hiểu về vấn đề thẩm quyền của UBND xã trong các hoạt động quản lý tư pháp như thế nào, thẩm quyền đó có phân loại gì và cụ thể chức năng nhiệm vụ ra sao?


Luật sư Tư vấn Luật Hành chính – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 09 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề thẩm quyền của Ủy ban nhân dân trong quản lý tư pháp

  • Luật Hộ tịch 2014;
  • Nghị định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
  • Luật Quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung 2014;

  • Luật Lý lịch tư pháp 2009.

3./ Luật sư tư vấn

Công tác hành chính tư pháp bao gồm các hoạt đông công chứng, chứng thực; quản lý hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp. Trong mỗi lĩnh vực, chức năng, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã là không giống nhau. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (UBND xã) trong quản lý tư pháp được pháp luật quy định cụ thể như sau:

  • Hoạt động Công chứng, chứng thực:

Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thẩm quyền của UBND xã trong hoạt động chứng thực như sau:

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

– Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;

– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;

– Chứng thực di chúc;

– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;

– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản, các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.

UBND xã không có thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng các giao dịch, hợp đồng hoặc bản dịch.

  • Quản lý hộ tịch:

Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, UBND xã có chức năng, quyền hạn thực hiện các hoạt động quản lý hộ tịch, cụ thể:

Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:

– Đăng ký sự kiện hộ tịch Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con và Khai tử cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

– Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;

– Thực hiện các việc hộ tịch: Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Thay đổi quốc tịch; Xác định cha, mẹ, con; Xác định lại giới tính; Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; Công nhận giám hộ; Tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.

– Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.

  • Quản lý Quốc tịch:

Căn cứ Luật Quốc tịch 2008, sửa đổi, bổ sung 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền đăng ký hay thay đổi quốc tịch của công dân trong hoạt hoạt động quản lý tư pháp.

  • Cấp Lý lịch tư pháp:

Căn cứ Luật Lý Lịch tư pháp 2009, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền trong hoạt động cấp lý lịch tư pháp cho công dân.

Vậy, trên cơ sở quy định pháp luật nêu trên, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý tư pháp chủ yếu liên quan đến hoạt động chứng thực và hoạt động quản lý hành chính về hộ tịch đối với các cá nhân thường trú tại địa phương. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện các hoạt động quản lý tư pháp trong mỗi lĩnh vực nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Thẩm quyền của UBND xã trong quản lý tư pháp, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191