ÁN LỆ VỚI NGUYÊN TẮC CÔNG LÝ KHÔNG THỂ BỊ CHỐI TỪ, TRÌ HOÃN
LS. LÊ ĐỨC TIẾT
Các nước khác nhau thì có nền văn hóa pháp lý khác nhau và đều có nét tương đồng. Nhưng nhìn chung có hai dạng: nền pháp luật theo án lệ và nền pháp luật thành văn.
Trải qua nhiều cuộc hội thảo, chế định về án lệ nay đã được chấp nhận trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Tại điểm c, khoản 2, Điều 22 của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Cho đến nay, chế định án lệ vẫn chưa được áp dụng nhiều vào hoạt động thực tiễn. Ngày 28/10/2015, Nghị quyết của Tòa án nhân dân tối cao về Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đã được công bố và đã có một số án lệ được đưa ra. Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề thuộc quan điểm, tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận, cách làm… đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn để khi áp dụng có thể phát huy được tối đa tác dụng tích cực, đồng thời ngăn ngừa được những khiếm khuyết của việc vận dụng án lệ phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ công bằng, công lý xã hội.
Về nguồn gốc ra đời của án lệ
Trước khi trở thành những điều luật bắt buộc phải tuân theo, pháp luật bất thành văn hay pháp luật thành văn đã manh nha và tồn tại từ lâu trong xã hội, dưới dạng những quy tắc xử sự nhất định. Những điều luật cấm như: “không săn bắt chim cá, muông thú trong thời kỳ chúng sinh đẻ; cấm hôn nhân cận huyết…” là kết quả của sự trải nghiệm nhiều ngàn năm của nhiều thế hệ con người mới có. Các học giả thời La Mã (thế kỷ thứ VII trước Công nguyên) đã khẳng định rằng nội dung các quy phạm pháp luật La Mã là những điều kiện vật chất của đời sống xã hội La Mã tạo nên. Làm luật không phải là sáng tác ra luật theo đúng nghĩa đen của từ này. Làm luật là nghiên cứu, tìm tòi để phát hiện ra những quy tắc giao tiếp, xử sự tiến bộ đã hình thành trong xã hội rồi biến chúng thành điều luật làm chuẩn mực cho hành vi xử sự của con người. Theo ý nghĩa đó, hoàn thiện pháp luật là một quá trình không ngừng và dài lâu. Nó gắn liền với sự hưng thịnh của xã hội, với nền văn minh của đất nước. Công lao to lớn của nhà làm luật gói gọn ở chỗ họ đã tìm ra được những quy tắc xử sự tiến bộ của xã hội, phù hợp với quy luật khách quan rồi xây dựng chúng thành những điều luật, bộ luật, làm bà đỡ mát tay cho xã hội văn minh tiến bộ mới ra đời. Vì lẽ đó, sống có pháp luật trở thành một đòi hỏi bức thiết của xã hội loài người. Để mọi người có thể hành động theo pháp luật thì trước hết phải có pháp luật để tuân theo. Sống có pháp luật và hành động theo pháp luật là hai đòi hỏi của xã hội văn minh. Không thể có cái này mà không có cái kia. Hai đòi hỏi đó luôn phụ thuộc lẫn nhau, làm tiền đề phát triển cho nhau. Con người ngày càng tiến bộ, văn minh hơn là do đã từ bỏ dần cuộc sống không có quy tắc xử sự, hoặc theo quy tắc xử sự lạc hậu, lỗi thời, hoặc tệ hơn cả là hành động theo “luật rừng”.
Sống có pháp luật có nghĩa là nhà làm luật phải đảm bảo cho xã hội luôn có đủ pháp luật để tuân theo. Nhưng tiếc thay, đòi hỏi này trở thành điều bất khả thi đối với nhà làm luật. Nhận thức là cái có sau thực tại. Nhà làm luật thông minh, tài giỏi đến đâu cũng không thể nhận biết, dự kiến hết mọi sự đổi thay đang diễn biến không ngừng trong xã hội. Trong lúc đó, công lý và công bằng đối với con người giống như nhu cầu về cơm ăn, nước uống. Thế nào là đúng hay sai, là hợp pháp hay bất hợp pháp, là thiện hay ác, là chính hay tà và không biết bao nhiêu câu hỏi có tính đối nghịch nhau như vậy được đặt ra hàng ngày, hàng giờ đối với mọi người, đối với hoạt động quản lý nhà nước và xã hội. Không thể nêu lý do không có luật định mà từ chối việc phân định công lý và công bằng.
Vậy lấy gì để khắc phục tình trạng thiếu hụt pháp luật? May thay, nhân loại đã tìm ra cách khắc phục khiếm khuyết này bằng các hình thức: vận dụng điều luật tương tự; dựa vào phong tục, tập quán; căn cứ án lệ, hoặc tiền lệ pháp và xét xử theo luật công bằng, công lý (equity law). Các nước khác nhau thì có cách làm khác nhau nhưng cả 4 hình thức này đều được vận dụng theo trình tự như sau:
– Khi không có điều luật quy định thì trước hết phải tìm điều luật có nội dung tương tự để áp dụng;
– Nếu không có điều luật tương tự thì dựa vào phong tục tập quán của địa phương để áp dụng;
– Nếu không tìm ra được phong tục, tập quán, còn gọi là pháp luật bất thành văn để áp dụng thì căn cứ vào án lệ hoặc tiền lệ pháp;
– Nếu cả ba cách nêu trên đều không có thì thẩm phán có quyền ra phán quyết theo nội tâm mà thẩm phán cho là hợp lẽ, tức theo luật bất thành văn – luật công bằng, công lý.
Để khắc phục được tình trạng thiếu hụt điều luật thì các nước đều áp dụng cả 4 hình thức đã nêu. Không thể chỉ áp dụng án lệ tức các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Lịch sử áp dụng luật tập quán, án lệ của các nước
Tất cả các nước, đều phải trải qua một thời gian dài mới có luật thành văn. Khi chưa có luật thành văn thì xã hội dựa vào phong tục, tập quán, tức luật chưa thành văn để hành động. Khi đã có luật thành văn rồi, xã hội vẫn dựa vào luật chưa thành văn, tức luật tập quán để khắc phục tình trạng thiếu hụt luật. So với luật đã thành văn, luật chưa thành văn thể hiện sự gần gũi, gắn bó của nó với cuộc sống của con người. Luật chưa thành văn dưới dạng phong tục, tập quán, gắn bó lâu dài với cuộc sống của người dân là do vậy.
Việc áp dụng luật tập quán không đơn thuần là do thiếu hụt luật mà còn vì nhiều lý do khác, trong đó có nghệ thuật sử dụng vũ khí pháp luật của nhà cầm quyền.
Vào năm 1066, Công tước William, người Nóc-măng (Pháp) đã đánh bại vua Harol II người Anh. Sau khi trở thành vua nước Anh, William không áp dụng luật của Pháp để cai trị dân Anh. William không muốn người Anh xem ông ta là kẻ xâm lược nên đã ra lệnh áp dụng pháp luật tập quán của nước Anh. Dân Anh ở các vùng khác nhau thì có pháp luật tập quán khác nhau. Các quan tòa xét xử theo luật tập quán nước Anh. Nhờ chính sách cai trị khôn khéo đó mà William triệt tiêu được sự chống đối và thu phục được lòng dân nước Anh. Thế giới đương thời tôn sùng William là vị vua thông minh, tài giỏi nhất của các nước phương Tây. Không những vậy, William đã đặt ra nền móng của nền pháp luật xét xử theo án lệ mà một số nước phương Tây ngày nay vẫn áp dung.
Nguyên tắc xét xử theo tập quán quốc tế, ngày nay đã được vận dụng rộng rãi. Nó được luật hóa trong luật pháp các nước. Khi trong luật quốc nội hoặc luật quốc tế thiếu vắng điều luật để áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp có những yếu tố quốc tế thì các nước đều áp dụng tập quán quốc tế.
Án lệ trong lịch sử văn hóa pháp lý Việt Nam
Bước vào thế kỷ XI, dưới triều đại nhà Lý, Đại Việt đã có nền pháp luật thành văn thay thế cho các quy chế còn sơ sài, chủ yếu là dựa vào luật tục, pháp luật truyền miệng của các triều đại trước đó. Bộ Hình thư thời Lý là một bộ tổng luật. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của bộ luật bao gồm nhiều lĩnh vực, đối tượng; tuy vậy không tránh khỏi tình trạng mà sử sách ghi lại rằng “quan giữ việc hình câu nệ lời văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư sửa định luật lệ, châm chước cho thích dụng…”. Đây có thể coi là sự manh nha về chế định xét xử theo phong tục tập quán, theo luật công bằng đã được áp dụng vào nhiều thế kỷ về sau.
Dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), chế định án lệ được đặc biệt coi trọng, được luật hóa và áp dụng một cách rộng rãi. Các từ “lệ” và “án lệ” được chính thức ghi nhận trong luật và các văn bản của Vương triều. Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) được các chuyên gia trong nước và nước ngoài công nhận là một công trình luật pháp hoàn hảo nhất của Việt Nam. BLHĐ là một bộ tổng luật. Nó điều chỉnh nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội đương thời. Tuy vậy, khi đem vận dụng vào cuộc sống, vẫn còn phát hiện ra nhiều thiếu hụt. Để khắc phục, vua Lê Thánh Tông đã áp dụng hai biện pháp: ra lệnh sưu tầm các lệ và án lệ và biên soạn thành sách Hồng Đức Thiện chính thư để áp dụng; ra lệnh cho phép biên soạn và áp dụng khoán ước (hương ước lệ làng).
Sách Hồng Đức Thiện chính thư được vua Lê Thánh Tông ra lệnh biên soạn từ năm 1470, sau 10 năm ngồi ở ngôi vua (1460). Sau khi vua Lê Thánh Tông chết (1497), các vua Lê kế vị vẫn nối tiếp sưu tầm lệ, án lệ và bổ sung vào sách. Sách Hồng Đức Thiện chính thư còn lưu lại đến ngày nay, gồm 322 lệ và án lệ của các vua trước vua Lê Thánh Tông, của vua Lê Thánh Tông và các vua Lê kế vị. Lệ là các sắc lệnh, các chỉ dụ do nhà vua ban hành. Án lệ là những vụ án mà nhà vua trực tiếp xét xử hoặc những vụ việc do quan hình án tâu lên để xin sự phê duyệt của vua khi gặp trường hợp thiếu quy định của luật. Với 322 lệ và án lệ được công bố áp dụng trong sách Hồng Đức Thiện chính thư, nền pháp luật Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông là công cụ giúp cho công việc xét xử càng trở nên thuận lợi hơn.
Vua Lê Thánh Tông đã ban hành Lệ: “Cấm dân tục thiết lập tư ước (tác giả nhấn mạnh). Nhà nước đã có điều luật để chiếu vào đó mà thi hành, dân an, nước thịnh, dân không nên có khoán ước riêng để trừ bỏ cái hại, theo chính bỏ tà. Nếu làng xã nào có những tục khác lạ, lập ra khoán ước và cấm lệ, ắt phải nhờ viên chức nho giả, người nào đứng tuổi, có đức hạnh ngay thẳng, mới có thể tuân hành. Khi đã lập ra khoán lệ rồi, phải trình lên quan chức, nha môn xem xét rõ các điều lệ có nên theo, sẽ phê chuẩn cho mà thừa hành. Nếu thấy trong khoán ước có điều thiên tư gian tà, thì phê chữ “bác” để cho khỏi sinh gian mưu. Nếu người nào không dự vào việc lập ước ấy mà tụ họp riêng, thì cho phép xã quan tố cáo lên nha môn để trị tội để bỏ lệ tục, lấp hẳn sự cường hào tiếm đoạt. Các nhà chức trách không thể dung thứ”.
Một mặt ra lệnh ngăn cấm đồi phong, bại tục, mặt khác vua Lê Thánh Tông đã sáng suốt biết khai thác và sử dụng thuần phong, mỹ tục trong dân để hỗ trợ cho việc thiết lập kỷ cương, phép nước nghiêm minh của vương quốc, cho sự nghiệp quốc thái dân an. Thông qua việc cấm lập “tư ước” và cho phép lập “khoán ước” có sự phê duyệt của chính quyền, cho thấy rằng vua Lê Thánh Tông cho rằng riêng “quốc luật” thì chưa đủ, cho nên ông đã biết khai thác tính tích cực của “dân luật”, dưới dạng các khoán ước mà ngày nay được gọi là hương ước, lệ làng để xây dựng Đại Việt thành vương quốc hùng mạnh. Hương ước, lệ làng dưới thời kỳ trị vì của vua Lê Thánh Tông là sự cụ thể hóa và là sự bổ sung cho quốc luật, là nguồn tư liệu để các quan hình án tham khảo khi gặp trường hợp luật, lệ, án lệ chưa quy định.
Cho đến tận ngày nay, kinh nghiệm sử dụng khoán ước thời kỳ Lê Thánh Tông vẫn còn giá trị thời sự nóng hổi.
Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong vận dụng án lệ
Theo đúng nguồn gốc xuất xứ và lý do tồn tại của án lệ thì “Án lệ phải là những vụ việc tranh chấp, kiện tụng chưa có điều luật trực tiếp liên quan quy định làm căn cứ pháp luật cho việc xét xử, nhưng tòa đã căn cứ vào điều luật tương tự, hoặc án lệ, hoặc tiền lệ pháp, hoặc tập quán để lập luận và ra phán quyết. Bản án đã có hiệu lực pháp luật và đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao công nhận là án lệ và công bố vận dụng”.
Việc vận dụng án lệ còn nhằm mục đích khắc phục tình trạng chậm ban hành luật. Việc chậm luật hóa hiến pháp là tình trạng đã vấp phải trong nhiều năm nay. Trong lúc chưa có luật thì vận dụng án lệ để điều chỉnh. Án lệ khi không còn thích hợp thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét và loại ra khỏi danh sách các án lệ của quốc gia. Với quan điểm về án lệ như đã nêu, thì án lệ sẽ không nhiều.
Việc ra được phán quyết đối với vụ việc chưa có điều luật điều chỉnh được công nhận là án lệ là một sự nỗ lực, là mẫn tuệ của các thẩm phán. Thẩm phán có vụ án được công nhận là án lệ là một kỳ công. Họ xứng đáng được nêu gương.
Việt Nam đã có thời gian không áp dụng án lệ. Trong thời kỳ chiến tranh, thời kinh tế bao cấp, việc thiếu vắng chế định án lệ trong xét xử chưa gây ra những bức xúc nào. Nhưng khi có sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị thường, khi Việt Nam có quan hệ giao lưu kinh tế với 185/193 nước trên thế giới, thì quan hệ trong nước, quan hệ quốc tế thay đổi nhiều. Quốc hội đã xúc tiến mạnh mẽ công cuộc lập pháp và cải cách tư pháp. Nhiều luật pháp mới đã được ban hành. Tuy vậy, cảm nhận về sự thiếu hụt pháp luật là cảm nhận chung của xã hội. Việc vận dụng chế định án lệ trong xét xử ở Việt Nam nay đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết.
Có nên áp dụng luật công bằng, công lý (equity law)? Theo học thuyết và thực tiễn vận dụng luật công bằng ở một số nước thì thẩm phán có thể ra phán quyết theo điều mà ông ta cho là hợp với lẽ công bằng và công lý đã hình thành trong xã hội khi không có điều luật tương tự, không có luật tập quán, không có án lệ thích hợp để tuân theo. Nói cách khác là thẩm phán ra phán quyết theo nội tâm của ông ta. Ở một số nước đã ban hành đạo luật công bằng, công lý để áp dụng. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa được đề cập đến.
Án lệ có mang tính bắt buộc đối với thẩm phán? Có ý kiến đề xuất rằng thẩm phán sẽ bị xử lý kỷ luật nếu họ không áp dụng án lệ. Ý kiến khác thì cho rằng không nên như vậy vì án lệ không phải là luật mang tính bắt buộc phải tuân theo và nó trái với nguyên tắc tòa án độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật.
Các nước khác nhau thì có nền văn hóa pháp lý khác nhau và đều có nét tương đồng. Nhưng nhìn chung có hai dạng: nền pháp luật theo án lệ và nền pháp luật thành văn. Nền pháp luật theo án lệ cũng như nền pháp luật thành văn đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Những nhà nghiên cứu chuộng nền pháp luật theo án lệ cho rằng nền pháp luật này đã làm rõ hơn vai trò, vị trí của tư pháp trong học thuyết tam quyền phân lập. Nó đề cao và bảo đảm được nguyên tắc thẩm phán độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Theo chế định án lệ, thông qua những kinh nghiệm rút ra từ sự nghiệp đấu tranh xác lập, bảo vệ công lý, thẩm phán trở thành nhà làm luật năng động và sáng tạo (!) Nó đề cao được tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của thẩm phán trong vận dụng nội tâm của họ để đấu tranh thiết lập và bảo vệ công lý. Những thẩm phán có những án lệ nổi tiếng rất được đề cao và trọng vọng trong nền tư pháp theo án lệ.
Những nhà nghiên cứu chuộng nền pháp luật thành văn thì cho rằng nó rõ ràng và minh bạch hơn nền pháp luật theo án lệ. Mọi phán quyết của thẩm phán đều phải căn cứ vào pháp luật là quy tắc xử sự chung của quốc gia. Nó không phụ thuộc vào đặc điểm của địa phương. Theo ý kiến của những học giả nghiêng về nền pháp luật thành văn thì nền pháp luật theo án lệ đi ngược lại những nguyên lý của học thuyết tam quyền phân lập. Theo học thuyết này, nếu lập pháp kiêm tư pháp sẽ trở thành độc tài; hành pháp kiêm tư pháp sẽ trở thành bạo chúa; lập pháp kiêm hành pháp sẽ trở thành kẻ đàn áp; nếu lập pháp, hành pháp và tư pháp nằm trong tay một người thì không còn gì để nói về dân chủ, dân quyền, dân sinh, hạnh phúc nữa. Bởi vậy, việc để tư pháp trở thành lập pháp như trong nền pháp luật theo án lệ sẽ làm cho nền pháp luật thêm rối rắm. Điều đó sẽ kéo dài thời gian và gây tốn kém cho tầng lớp yếu thế trong xã hội khi đi cầu viện thần công lý.
Cuộc đấu tranh để khẳng định mặt ưu, mặt khuyết của nền pháp luật theo án lệ và nền pháp luật thành văn vẫn chưa ngã ngũ. Vì vậy các nước có nền pháp luật theo án lệ vẫn áp dụng những quy chế của nền pháp luật thành văn và ngược lại, các nước có nền pháp luật thành văn vẫn áp dụng những quy chế của nền pháp luật theo án lệ.
Một số kiến nghị
Trong hoàn cảnh Việt Nam đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và có sự hội nhập rộng rãi với các nước trên thế giới thì việc áp dụng án lệ vào công việc xét xử là cần thiết;
Việc công nhận là án lệ nên khoanh lại đối với những vụ án chưa có điều luật cụ thể quy định. Không nên mở rộng ra đối với công việc giải thích luật. Việc hướng dẫn vận dụng luật cho toàn ngành thuộc phạm vi quản lý hành chính và thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao;
Nên công khai hóa, minh bạch hóa các bản án đã phát sinh hiệu lực pháp luật của Tòa cấp cao, Tòa án quân sự trung ương, Tòa án nhân dân tối cao trên Internet và xuất bản thành tập san bán cho tất cả những ai muốn tìm hiểu. Đây là cơ sở để lấy ý kiến tham gia bình xét án lệ của đông đảo dư luận. Khi cần thì có thể tổ chức lấy phiếu thăm dò trong dư luận.
Việc công nhận án lệ là do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm; nên có sự thăm dò cân nhắc kỹ lưỡng trước khi công nhận nhưng với trình tự, thủ tục đơn giản, mang tính khả thi cao.
Bộ Tư pháp nên tái phát động phong trào xây dựng hương ước, khoán ước trong các cộng đồng nông thôn, thành thị. Đây là nguồn cụ thể hóa và bổ sung cho sự thiếu hụt và thiếu cụ thể của pháp luật nhà nước. Cần đảm bảo cho mọi tổ chức kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, mọi cộng đồng đều có hương ước, quy ước để tự điều chỉnh. Nếu làm được điều này sẽ có nhiều cái lợi; trước hết, nó khắc phục được tình trạng buông lỏng quản lý của chính quyền và làm giảm bớt sự cồng kềnh, trùng lặp trong bộ máy nhà nước.
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT SƯ ĐIỆN TỬ – LSVN.VN
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.