BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VỚI TƯ CÁCH LÀ NGƯỜI NHẬN BẢO ĐẢM NGAY TÌNH
PHẠM TUẤN ANH – Ban Kiểm tra và Giám sát, BIDV
Tài sản bảo đảm là một trong những công cụ quan trọng giúp cho các tổ chức tín dụng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng. Nhưng thực tế cho thấy, trong một số trường hợp, mặc dù đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nhưng các tổ chức tín dụng – với tư cách là bên nhận bảo đảm (1) vẫn không thể tránh khỏi nguy cơ bị mất quyền xử lý tài sản bảo đảm do trước khi mang đi thế chấp hoặc cầm cố, các tài sản này đã được chuyển giao cho bên bảo đảm (2) bằng một giao dịch không có hiệu lực pháp luật. Thông thường, dưới góc độ pháp luật, các trường hợp nhận tài sản bảo đảm này được gọi là nhận tài sản bảo đảm ngay tình, các tổ chức tín dụng khi đó được xác định là bên nhận bảo đảm ngay tình.
Người nhận bảo đảm ngay tình là một vấn đề không mới ở nhiều hệ thống pháp luật tiến bộ trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề này bắt đầu được đề cập trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm với việc đưa ra định nghĩa về “bên nhận bảo đảm ngay tình”. Cho đến nay, bên nhận bảo đảm ngay tình vẫn đang được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền lợi như là một trường hợp của người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 về giao dịch bảo đảm (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP), đang có một số quan điểm trái chiều liên quan đến vấn đề nhận bảo đảm ngay tình, trong đó có cả những quan điểm cho rằng bên nhận bảo đảm ngay tình không phải là một trường hợp của người thứ ba ngay tình. Để làm rõ hơn vấn đề trên, bài viết sẽ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật liên quan đến bên nhận bảo đảm ngay tình, trên cơ sở đó đề xuất một số định hướng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của loại chủ thể đặc biệt này.
1. Khái niệm về người nhận bảo đảm ngay tình
1.1. Khái niệm về người thứ ba ngay tình
– Theo quy định của BLDS 1995 (Điều 147, Điều 195)(3) và BLDS 2005 (Điều 138, Điều 189)(4), người thứ ba ngay tình được hiểu là người thứ ba “chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình” (tức là họ không biết và và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật). Về bản chất, người thứ ba ngay tình được hiểu là một chủ thể trong mối quan hệ dân sự gồm ba người; trong đó, tài sản được chuyển giao từ chủ thể thứ nhất đến người thứ ba ngay tình thông qua hai giao dịch; khi tham gia vào giao dịch, người thứ ba không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản của mình là không có căn cứ pháp luật.
– Theo BLDS 2015 (chính thức được thông qua ngày 24/11/2015 và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017), quan niệm về người thứ ba ngay tình đã có sự thay đổi cơ bản, theo đó, thuật ngữ “ngay tình” không còn được hiểu theo nghĩa “không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật” mà được hiểu theo nghĩa “người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Cụ thể, Điều 180, 181 của BLDS năm 2015 quy định: “Chiếm hữu ngay tình được hiểu là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”; còn “Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.
Có thể nói quan điểm mới về ngay tình đã thể hiện sự tiến bộ và phù hợp với thực tiễn hơn của BLDS 2015, bởi vì việc đánh giá rằng người chiếm hữu có biết/hay không biết trong một số trường hợp là điều không hề đơn giản, thậm chí không thể xác định được (chỉ bản thân người thứ ba mới biết). Do vậy, việc người thứ ba căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký nên tin và xác lập giao dịch thì cần phải được suy đoán ngay là ngay tình mà không cần quan tâm đến việc người chiếm hữu đó có biết hay không biết về tình trạng chiếm hữu trước kia; còn người nào cho rằng việc chiếm hữu đó không ngay tình thì phải tự mình chứng minh theo nguyên tắc suy đoán đã được quy định tại Điều 184 BLDS 2015(5).
1.2. Khái niệm về người nhận bảo đảm ngay tình
– Căn cứ theo quy định của BLDS 2005, ngày 29/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về việc quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm. Theo đó, vấn đề nhận bảo đảm ngay tình được đề cập tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thông qua định nghĩa: “Bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Xét về bản chất pháp lý, người nhận bảo đảm ngay tình cũng là một chủ thể trong mối quan hệ dân sự mang những đặc điểm tương tự với người thứ ba ngay tình quy định trong BLDS 2005. Cụ thể:
Thứ nhất, người nhận bảo đảm ngay tình là một chủ thể trong mối quan hệ dân sự bao gồm ba chủ thể: Chủ sở hữu ban đầu của tài sản, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm.
Thứ hai, trước khi bên bảo đảm đem tài sản thế chấp hay cầm cố cho bên nhận bảo đảm, tài sản đã được chuyển giao từ chủ sở hữu đích thực ban đầu sang bên bảo đảm bằng một giao dịch không có hiệu lực pháp luật. Đó có thể là một giao dịch vô hiệu do vi phạm các điều kiện về hình thức, năng lực chủ thể, vi phạm điều cấm của luật, đạo đức xã hội,… / hoặc tài sản bị chiếm hữu ngoài ý muốn của chủ sở hữu như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo / hoặc tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật như nhặt được tài sản do chủ sở hữu đánh rơi, bỏ quên nhưng không thông báo theo luật định / hoặc hành vi được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật như tự nhiên có tài sản mà không biết…
Thứ ba, bên nhận bảo đảm xác lập giao dịch phải ngay tình tức là khi xác lập giao dịch bên nhận bảo đảm không biết và không thể biết việc mình chiếm hữu tài sản là không có căn cứ pháp luật.
Ví dụ: A (bên bán) và B (bên mua) ký hợp đồng mua bán một căn hộ chung cư nhưng không tiến hành công chứng hợp đồng mua bán (giao dịch vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức hợp đồng). Việc mua bán đã được B hoàn tất bằng thủ tục đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (thủ tục sang tên) căn chung cư. Sau đó, B mang căn hộ đi thế chấp tại một ngân hàng X để bảo đảm cho một khoản vay tại ngân hàng X. Ngân hàng X căn cứ vào giấy tờ hợp pháp của căn hộ nên đã nhận căn hộ làm tài sản bảo đảm. Có thể thấy rằng, trong trường hợp này, ngân hàng X đã xác lập giao dịch thế chấp mà không biết và không thể biết rằng ngôi nhà là đối tượng của một giao dịch dân sự đã bị vô hiệu từ trước đó. Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP, ngân hàng X và những trường hợp tương tự được gọi là bên nhận bảo đảm ngay tình.
– Với việc đưa ra định nghĩa về bên nhận bảo đảm ngay tình mang đặc điểm như trên, có thể hiểu Nghị định số 163/2006/NĐ-CP coi bên nhận bảo đảm ngay tình như là một trong những trường hợp của người thứ ba ngay tình được quy định tại Điều 189 BLDS 2005; khi đó, người nhận bảo đảm ngay tình sẽ được bảo vệ quyền lợi trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu như là một trường hợp người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 138 BLDS 2005.
– Sau khi BLDS 2015 chính thức có hiệu lực thi hành thay thế cho BLDS 2005, hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định mới về giao dịch bảo đảm để thay thế cho Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, do đó, về nguyên tắc, các nội dung quy định về người nhận bảo đảm ngay tình vẫn đang được áp dụng theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên với những thay đổi trong quy định của BLDS 2015 về người thứ ba ngay tình như đã nêu trên, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ vẫn còn những sự thay đổi lớn về quy định có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhóm chủ thể này.
2. Bảo vệ quyền lợi của người người nhận bảo đảm ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
Về nguyên tắc, khi một giao dịch bị tuyên bố vô hiệu thì giao dịch không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Hậu quả là giao dịch quay về trạng thái ban đầu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; Chủ sở hữu ban đầu của tài sản sẽ có quyền kiện đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Khi đó, chủ thể ngay tình ngay lập tức phải đối mặt với nguy cơ tổn thất không thu hồi được khoản nợ do khoản nợ đang từ có tài sản bảo đảm bỗng trở thành khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, để bảo đảm sự ổn định trong quan hệ dân sự, tạo được niềm tin cho các chủ thể khi tham gia giao dịch, BLDS 2005 trước kia và BLDS 2015 hiện nay đều có điều khoản quy định hậu quả khác theo hướng bảo vệ quyền lợi cho những người thứ ba ngay tình và người nhận bảo đảm ngay tình (với tư cách là một trường hợp của người thứ ba ngay tình). Cụ thể:
Theo Điều 138 BLDS 2005:
“1. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257(6) của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”
Theo Điều 133 BLDS 2015:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167(7) của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, so với BLDS 2005 thì BLDS 2015 đã có những quy định thay thế theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhóm người thứ ba ngay tình. Ngoài hai trường hợp đã được quy định tại BLDS 2005 là: động sản không phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nhận được chuyển giao thông qua bán đấu giá hoặc theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, BLDS 2015 còn mở rộng thêm trường hợp người thứ ba ngay tình khác được pháp luật bảo vệ khi giao dịch dân sự vô hiệu:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi được bảo vệ từ “động sản không phải đăng ký” thành “tài sản không phải đăng ký”. Nghĩa là, mọi tài sản không phải đăng ký (kể cả động sản và bất động sản), nếu đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập với người thứ ba vẫn có hiệu lực (trừ trường hợp quy định tại Điều 167: người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù như tặng cho, thừa kế…; hoặc tài sản đó là tài sản đã bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu).
Thứ hai, mở rộng phạm vi được bảo vệ từ “bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu…qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước…” thành “tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Nghĩa là, trong mọi trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (cả động sản và bất động sản), mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền rồi sau đó mới được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba không bị vô hiệu; đồng thời, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình.
Với những điểm mới nêu trên của BLDS 2015, quyền lợi của người thứ ba ngay tình đã được bảo vệ tốt hơn, qua đó, tạo được sự tin tưởng cho các chủ thể, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, quy định mới về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong BLDS 2015 cũng đã khắc phục được mâu thuẫn giữa quy định về thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản của BLDS và Luật Đất đai, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với thủ tục đăng ký tài sản, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục về đăng ký tài sản vì theo quy định mới các cơ quan này hoàn toàn có thể bị kiện ra Tòa và phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu có lỗi trong việc đăng ký tài sản trái pháp luật.
3. Một số vướng mắc, bất cập
– Mặc dù BLDS 2015 đã có những bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tuy nhiên, quy định về bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong BLDS năm 2015 còn khá sơ lược và thiếu rõ ràng gây ra sự khó khăn trong việc hiểu và vận dụng quy định. Cụ thể, khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Khó khăn liên quan đến việc áp dụng quy định nêu trên trước hết chính là phải hiểu thuật ngữ “chuyển giao” như thế nào cho đúng? Liệu việc đưa tài sản vào trong giao dịch thế chấp hay cầm cố có được xem như là việc chuyển giao tài sản hay không? Hiện nay, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này, trong đó có quan điểm cho rằng việc cầm cố hay thế chấp tài sản không phải là “chuyển giao” tài sản. Hệ quả của quan điểm này là không thể áp dụng những quy định mới của BLDS 2015 về người thứ ba ngay tình để bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ như các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi họ bất đắc dĩ trở thành người nhận bảo đảm ngay tình.
– Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm (thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP), dự thảo lần thứ nhất của Nghị định đã được Bộ Tư pháp công bố và xin ý kiến rộng rãi, tuy nhiên, hiện nội dung dự thảo đã lược bỏ hoàn toàn định nghĩa về bên nhận bảo đảm ngay tình đang được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.
Với thực trạng quy định của BLDS 2015 như phân tích ở trên, nếu Nghị định mới về giao dịch bảo đảm không có sự bổ sung kịp thời những quy định về người nhận bảo đảm ngay tình thì thật sự đáng tiếc và không công bằng cho các chủ nợ cũng như các tổ chức tín dụng, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình được thiết kế không chỉ nhằm bảo vệ bên chiếm hữu tài sản ngay tình, mà cả bên nhận bảo đảm ngay tình. Thuật ngữ “chuyển giao” trong BLDS phải được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả việc chuyển dịch cơ học và chuyển giao về pháp lý (chuyển giao trên giấy tờ; chuyển giao quyền trong đó có quyền định đoạt, sử dụng, xử lý tài sản trong các giao dịch thế chấp hay cầm cố) chứ không đơn thuần là các giao dịch mang tính chuyển dịch cơ học như mua bán tài sản, thừa kế, tặng cho,…
Thứ hai, về bản chất các giao dịch thế chấp, cầm cố, bảo lãnh bằng tài sản đều các giao dịch có khả năng dẫn đến chuyển quyền sở hữu đối với tài sản. Khi các giao dịch đảm bảo bị vô hiệu thì các khoản nợ có tài sản bảo đảm ngay lập tức trở thành khoản các nợ không có bảo đảm; người nhận bảo đảm ngay tình khi đó có nguy cơ lớn phải gánh chịu tổn thất do không thu hồi được nợ vay, mặc dù khi tham gia giao dịch họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và tham gia với tinh thần thiện chí, ngay thẳng, trung thực; họ đã căn cứ vào tình trạng đăng ký của tài sản để xác lập giao dịch mà không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Thứ ba, trong phần lớn các trường hợp nhận thế chấp ngay tình, việc để cho giao dịch bị vô hiệu đều có ít nhiều yếu tố lỗi từ phía các chủ thể là chủ sở hữu/hoặc đồng sở hữu ban đầu của tài sản. Đó có thể là lỗi do chủ quan do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng dẫn đến giao dịch bị vô hiệu; có thể là lỗi vô ý do mất cảnh giác trong việc quản lý tài sản dẫn đến tình trạng bị người khác lợi dụng mang tài sản đi bán, thế chấp, cầm cố; thậm chí còn có cả những trường hợp dù biết trước khả năng bị vô hiệu của giao dịch những vẫn cố tình thực hiện/hoặc không phản đối để chiếm đoạt tài sản của người khác… Trong khi đó, các chủ thể này chính là người có đủ thông tin, có điều kiện hơn bất kỳ chủ thể nào khác để quản lý, kiểm soát tài sản của mình. Do đó, nếu các chủ thể này không thực hiện tốt, không quan tâm đầy đủ đến việc kiểm soát phần quyền tài sản của mình thì họ đáng chịu nhiều rủi ro hơn so với người thứ ba nhận thế chấp ngay tình.
Thứ tư, việc pháp luật từ chối bảo vệ quyền lợi cho những người nhận bảo đảm ngay tình hay là sự tuyệt đối hoá quyền đòi tài sản cho các chủ sở hữu ban đầu sẽ gây ra những hệ quả không tốt thậm chí là nguy hiểm cho xã hội; gây ra sự thiếu ổn định, thiếu an toàn, tạo ra tâm lý lo sợ, thiếu sự tin tưởng của các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch bảo đảm; đồng thời là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự kìm hãm hoạt động đầu tư, kinh doanh…
4. Một số kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến người nhận bảo đảm ngay tình
– Đối với Nghị định mới về giao dịch bảo đảm (thay thế số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006): Cần quy định cụ thể về khái niệm người nhận bảo đảm ngay tình để tiếp tục khẳng định và làm rõ bản chất pháp lý của loại chủ thể này; đồng thời, Nghị định cần bổ sung thêm các nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi của người nhận bảo đảm ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tương ứng với các nội dung về người thứ ba ngay tình đã được quy định trong BLDS 2015.
– Đối với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành và công bố một bản án lệ về giải quyết các tranh chấp tài sản bảo đảm có sự tham gia của bên nhận bảo đảm ngay tình nhằm chuẩn hóa hoạt động xét xử và bảo vệ quyền lợi cho loại chủ thể đặc biệt này.
– Về phía người nhận bảo đảm (các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính,…):
+ Trong thời gian chờ đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vấn đề nhận bảo đảm ngay tình, để tự bảo vệ mình, trong quá trình thẩm định điều kiện tài sản bảo đảm, người nhận bảo đảm cần phải lưu ý thu thập thông tin cần thiết để xác minh nguồn gốc hình thành của tài sản và đánh giá năng lực chủ thể của bên bảo đảm (đặc biệt là các tài sản có nguồn gốc từ các qua hợp đồng không có đền bù như tặng cho, thừa kế,…; các tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng, sở hữu chung hộ gia đình…) để phòng ngừa rủi ro và tránh phải rơi vào tình huống trở thành người nhận bảo đảm ngay tình.
+ Thường xuyên tuyên truyền, tập huấn để nâng cao kiến thức về nghiệp vụ, nhận thức về pháp luật cho các nhân viên, các bộ phận có liên quan đến quy trình cho vay, nhận tài sản bảo đảm để chủ động phòng tránh và phòng ngừa các rủi ro trong quá trình nhận tài sản bảo đảm.
– Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước khác:
+ Cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý, cấp giấy đăng ký cho tài sản để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh đối với các sai phạm, các hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ thực hiện, nhằm hạn chế tối đa việc tạo ra kẽ hở xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các chủ thể.
+ Có biện pháp nâng cao nhận thức của xã hội bằng cách giáo dục, tuyên truyền pháp luật để mọi người dân có thể hiểu được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình và chủ động bảo vệ quyền lợi, tài sản của mình khi tham gia vào các giao dịch dân sự qua đó bảo đảm được sự ổn định trong các quan hệ dân sự nói chung.
Kết luận
Tóm lại, BLDS 2015 sau khi ra đời đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, để chế định trên có thể thực sự bảo vệ được quyền lợi cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, thì đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp…) phải sớm nghiên cứu, kiến nghị ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp hơn, cụ thể hơn liên quan đến người thứ ba ngay tình và người nhận bảo đảm ngay tình; khi đó, các ngân hàng, các tổ chức tín dụng với vai trò là người nhận tài sản bảo đảm mới thực sự có thể bớt đi “gánh lo” về khi nhận thế chấp, cầm cố tài sản.
(1) Khoản 2 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP: “Bên nhận bảo đảm là bên có quyền trong quan hệ dân sự mà việc thực hiện quyền đó được bảo đảm bằng một hoặc nhiều giao dịch bảo đảm, bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp và bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại trong trường hợp ký quỹ.”
(2) Khoản 1 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP: “Bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ hoặc người thứ ba cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên bảo lãnh và tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở trong trường hợp tín chấp.”
(3) Điều 147. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu: “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, nhưng tài sản giao dịch đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình, thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực; nếu tài sản giao dịch bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc trả lại cho người có quyền nhận tài sản đó, thì người thứ ba có quyền yêu cầu người xác lập giao dịch với mình bồi thường thiệt hại”.
Điều 195. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình: “Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 190 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật”.
(4) Điều 138. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
“1. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
Điều 189. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình: “Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật”.
(5) Điều 184 BLDS 2015 – Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu:
“1. Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.
2. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.
3. Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
(6) Điều 257 BLDS 2005 – Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
(7) Điều 167 BLDS 2015 – Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
– Bộ luật Dân sự năm 1995 (Luật số 44-L/CTN ngày 28/10/1995).
– Bộ luật Dân sự năm 2005 (Luật Số: 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005).
– Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 11/12/2015).
– Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29//12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
– Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
– Dự thảo lần 1 Nghị định quy định các biện pháp thi hành BLDS về giao dịch bảo đảm.
– Bài viết của ThS. Vũ Thị Hồng Yến – Đại học Luật Hà Nội, Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi Chủ sở hữu kiện đòi lại tài sản, Chuyên đề cho hội thảo khoa học cấp trường do bộ môn Luật dân sự – Khoa Luật dân sự – Đại học luật Hà Nội tổ chức vào ngày 11/12/2007.
– Bài viết của Luật sư Đỗ Hồng Thái, Vấn đề chuyển giao tài sản trong biện pháp cầm cố và thế chấp tài sản được hiểu như thế nào?, Tạp chí Ngân hàng số 10/2006.
-http://www.thesaigontimes.vn/146581/Mong-manh-co-che-bao-ve-ben-thu-ba-ngay-tinh.html
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG (số phát hành chưa xác định)
Ttích dẫn từ:
<
p align=”justify”>https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tcnh/tcnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV306372&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=288402487631000#%40%3F_afrLoop%3D288402487631000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV306372%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Do9a7qpeun_459
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.