QUYỀN HƯỞNG DỤNG TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015
PGS.TS. ĐỖ VĂN ĐẠI – Đại học Luật TPHCM, Trọng tài viên VIAC
BLDS năm 2015 ghi nhận thêm một loại quyền đối với tài sản: quyền hưởng dụng. Đây là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định (Điều 257)[1].
Với quy định trên, trong quan hệ hưởng dụng đối với một tài sản, có hai chủ thể là chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng. Trong quan hệ BTTH, có thể xảy ra hai trường hợp: trường hợp thứ nhất, tài sản có quyền hưởng dụng gây thiệt hại (như nhà bị sập gây thiệt hại); trường hợp thứ hai, tài sản có quyền hưởng dụng bị xâm phạm (như nhà bị thiệt hại). Câu hỏi đặt ra là: đối với trường hợp thứ nhất, ai chịu trách nhiệm BTTH và đối với trường hợp thứ hai, ai được BTTH? Bài viết tập trung luận giải hướng xử lý cho hai câu hỏi này.
1. Trường hợp tài sản có quyền hưởng dụng gây thiệt hại
– Tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật gây thiệt hại
Pháp luật dân sự ở nước ta hiện nay quy định về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra. Theo đó, người chiếm hữu, sử dụng tài sản chịu trách nhiệm bồi thường nếu tài sản gây thiệt hại ở thời điểm người này đang chiếm hữu, sử dụng tài sản. Trong trường hợp tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại, “nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường” (khoản 2 Điều 601 BLDS). Tương tự, theo quy định tại khoản 1 Điều 603 BLDS “người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải BTTH trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật”.
Trong trường hợp tài sản có quyền hưởng dụng, thông thường người có quyền hưởng dụng là người chiếm hữu, sử dụng tài sản (trừ khi chuyển chiếm hữu, sử dụng cho người khác). Khoản 2 Điều 166 BLDS quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”. Nội dung của quy định này cho thấy, người có quyền khác đối với tài sản, trong đó có quyền hưởng dụng, là người chiếm hữu tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 261 BLDS thì người có quyền hưởng dụng được “tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng”. Vì vậy, nếu người có quyền hưởng dụng không cho phép người khác khai thác, sử dụng tài sản thì họ chính là người sử dụng tài sản. Do đó, theo quy định về BTTH, họ sẽ chịu trách nhiệm BTTH do tài sản của mình gây ra.
Trong trường hợp tương tự nêu trên, pháp luật dân sự của Pháp quy định theo hướng: người nào “giữ” tài sản thì người đó chịu trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra; trong trường hợp tài sản có quyền hưởng dụng do “việc tạo lập quyền hưởng dụng dẫn đến chuyển giao việc giữ tài sản” nên người có quyền hưởng dụng là người có đủ các quyền năng của người giữ tài sản[2]. Ở đây, “trong mối quan hệ với người thứ ba, người có quyền hưởng dụng chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do tài sản gây ra với tư cách là người giữ tài sản”[3]. Như vậy, ở Pháp, khi tài sản gây ra thiệt hại, người có quyền hưởng dụng là người chịu trách nhiệm BTTH. Hướng giải quyết này cũng khá tương đồng với giải pháp nêu trên ở nước ta.
– Trường hợp tài sản khác gây thiệt hại
Điều 604 BLDS quy định: “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải BTTH do cây cối gây ra”; Điều 605 BLDS quy định: “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”. Tương tự, khoản 3 Điều 584 BLDS quy định: “trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm BTTH”.
Những quy định trên cho thấy, BLDS không có bất kỳ ưu tiên nào giữa trách nhiệm BTTH của chủ sở hữu, người chiếm hữu. Để biết ai trong hai người (chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng) chịu trách nhiệm cuối cùng, chúng ta cần xem xét hoàn cảnh gây ra thiệt hại.
Trường hợp tài sản bị hư hỏng mà không suy giảm đáng kể khả năng sử dụng dẫn tới gây thiệt hại, căn cứ quy định của BLDS, chúng tôi cho rằng, người có quyền hưởng dụng chịu trách nhiệm cuối cùng (vì hư hỏng này thuộc trách nhiệm của người có quyền hưởng dụng). Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 4 Điều 262 BLDS, người hưởng dụng có nghĩa vụ: “Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản”. Trong trường hợp này, nếu chủ sở hữu đã BTTH cho người bị thiệt hại, họ có quyền yêu cầu người có quyền hưởng dụng hoàn trả khoản tiền đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Đây cũng là hướng giải quyết của pháp luật dân sự Pháp[4].
Đối với trường hợp khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 263 BLDS thì trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản. Pháp luật dân sự của Pháp cũng có hướng xử lý tương tự[5].
2. Trường hợp tài sản có quyền hưởng dụng bị thiệt hại
– Chi phí khắc phục hư hỏng
Khoản 1 Điều 589 BLDS quy định: “Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng”. Tài sản bị hư hỏng là trường hợp tài sản bị xâm hại vẫn còn nhưng bị mất hoặc giảm sút giá trị sử dụng trong tình trạng vẫn có thể khôi phục lại tính năng vốn có của nó thông qua việc sửa chữa[6]. Khi khôi phục lại tài sản, chúng ta phải bỏ ra chi phí và trong trường hợp này, “chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại” được bồi thường (khoản 3 Điều 589 BLDS). Câu hỏi đặt ra là ai (chủ sở hữu hay người có quyền hưởng dụng) được bồi thường khoản tiền này?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 262 BLDS, người có quyền hưởng dụng có nghĩa vụ “bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản”. Do đó, có thể hiểu rằng, trong trường hợp này, người có quyền hưởng dụng được BTTH (khi họ bỏ ra các chi phí để khôi phục tài sản).
– Mất, giảm sút lợi ích khai thác, sử dụng
Khoản 2 Điều 589 BLDS quy định: “Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút”. Như vậy, khi lợi ích khai thác hay sử dụng tài sản bị mất hay giảm sút do bị xâm phạm thì thiệt hại này được bồi thường. Đây cũng là hướng giải quyết được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước xác định đối với tài sản của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án (khoản 3 Điều 45). Câu hỏi được đặt ra là chủ sở hữu hay người có quyền hưởng dụng được BTTH? Căn cứ quy định tại Điều 257 BLDS “quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”, chúng tôi cho rằng, người có quyền hưởng dụng được BTTH: họ được khai thác, sử dụng tài sản nhưng do tài sản bị xâm phạm mà họ không còn khả năng khai thác, sử dụng tài sản thì họ được BTTH do lợi ích từ việc khai thác, sử dụng tài sản bị mất, giảm sút.
– Tài sản bị mất, hủy hoại
Khoản 1 Điều 589 BLDS quy định “thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm tài sản bị mất, bị huỷ hoại”. Trong trường hợp này, việc BTTH có thể được thực hiện bằng tiền hoặc tài sản tương đương. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai (chủ sở hữu hay người có quyền hưởng dụng) được bồi thường? Đây là trường hợp cả chủ sở hữu và người có quyền hưởng dụng bị ảnh hưởng, cụ thể: (i) đối với chủ sở hữu, khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt (Điều 242 BLDS); (ii) đối với người có quyền hưởng dụng, người có quyền hưởng dụng cũng không còn khả năng khai thác, sử dụng tài sản nữa vì quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn (khoản 5 Điều 265 BLDS). Vì vậy, sẽ là thuyết phục khi cả hai đều được bồi thường theo giá trị các quyền mà họ có đối với tài sản. Đây cũng là hướng mà thực tiễn xét xử của Tòa án Pháp đã thực hiện. Để hiểu rõ hơn, chúng ta nghiên cứu hai vụ án sau:
Vụ án thứ nhất, thành phố Libourne xâm phạm tới một bất động sản dẫn đến phải phá bỏ tài sản này. Thực tế, trên cơ sở một giao dịch dân sự (tặng cho và phân chia tài sản do người cha tiến hành), tài sản này có quyền hưởng dụng thuộc về người cha (ông Henri Magne) và quyền sở hữu thuộc về những người con (Raymond, Pierre và Beaufort Magne). Khi xét xử, Tham chính viện (Tòa tối cao trong lĩnh vực hành chính) Pháp đã xác định mức thiệt hại tương đương với giá trị căn nhà là 400.000F và theo hướng chủ sở hữu chỉ được bồi thường mức tiền trên sau khi trừ đi 10% tương đương với giá trị của quyền hưởng dụng thuộc về người cha[7]. Ở đây, “quyền hưởng dụng được chuyển từ tài sản, đối tượng của quyền hưởng dụng, sang khoản bồi thường”[8].
Vụ án thứ hai, liên quan đến việc Nhà nước Pháp xây dựng một lối đi vượt đường sắt làm ảnh hưởng tiêu cực tới những ngôi nhà bên cạnh (quyền sở hữu thuộc về cặp vợ chồng Mathieu -Merger còn quyền hưởng dụng của một bất động sản thuộc về bà Simon), Toà sơ thẩm hành chính Chalons sur Marne đã ra quyết định cho bà Simon có quyền được bồi thường đối với những xáo trộn trong việc sử dụng mà công trình công cộng gây ra và vợ chồng Mathieu – Merger có quyền được BTTH từ việc giá trị các bất động sản bị giảm sút. Sau đó, vụ việc được đưa lên Tham chính viện. Sau khi xem xét, Tham chính viện cho rằng, Toà sơ thẩm hành chính Chalons sur Marne đã xét xử đúng luật. Cuối cùng, Tham chính viện chấp nhận hướng giải quyết của Toà án sơ thẩm, theo đó “bà Simon được bồi thường 10.000F và vợ chồng Mathieu – Merger được bồi thường 45.000F”[9].
– Tài sản bị người hưởng dụng hủy hoại, làm mất
Thực tế còn có thể xảy ra trường hợp tài sản bị ảnh hưởng xuất phát từ người có quyền hưởng dụng. Ví dụ, người có quyền hưởng dụng làm mất, hủy hoại tài sản. Trong trường hợp này, ai BTTH và ai được BTTH?
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 262 BLDS thì người có quyền hưởng dụng có nghĩa vụ “Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình” và “Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng”. Như vậy, có thể nói rằng, người có quyền hưởng dụng chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản nếu họ không chứng minh được rằng việc hủy hoại là do bất khả kháng./.
[1] Xem thêm Đỗ Văn Đại (chủ biên) “Bình luận khoa học BLDS 2015”, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam 2016 (tái bản lần thứ hai).
[2] G. Viney và P. Jourdan, « Les conditions de la responsabilité », Nxb. LGDJ 2006, phần số 688.
[3] Chr. Atias, « Droit civil-Les biens », Nxb. Lexis Nexis 2014, phần số 235.
[4] G. Viney và P. Jourdan, « Les conditions de la responsabilité », Nxb. LGDJ 2006, phần số 730.
[5] Chr. Atias, « Droit civil-Les biens », Nxb. Lexis Nexis 2014, phần số 235.
[6] Học viện Tư pháp, « Giáo trình Luật dân sự », Nxb. Công an nhân dân, H., 2007, tr. 457.
[7] CE, 8/07/1992, req. no 90581, « Cne de Libourne c/Cts Magne, Lebon »; D. 1993. Somm. 150, obs. P. Bon et Ph. Terneyre.
[8] F. Terré và Ph. Simler, «Droit civil-Les biens», Nxb. Précis-Dalloz 2010, phần số 842.
[9] CE, 12/07/1969, Min. Équipement, RD publ. 1970. 450.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/quyen-huong-dung-trong-bo-luat-dan-su-nam-2015
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.