TỔNG HỢP NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ – VKSNDTC
Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Thi hành án dân sự và Kiểm sát thi hành án dân sự của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Công văn số 1784/VKSTC-V11 ngày 22/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nội dung các câu hỏi, Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) đã biên tập lại các dạng câu hỏi khó khăn, vướng mắc, từ gần 200 câu hỏi thành 112 câu hỏi của các đơn vị để tham luận tại Hội nghị tập huấn Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính năm 2017 tại Nghệ An vào ngày 24, 25/7/2017, cụ thể như sau:
Câu 1: Điểm a khoản 1 Điều 2 Luật THADS năm 2014 quy định về những bản án, quyết định được đưa ra thi hành “Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, được hiểu là đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm sẽ được đưa ra thi hành. Trên thực tế, có những phần của bản án, quyết định tuy không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng nếu đưa ra thi hành sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án cũng như sẽ gây khó khăn trong quá trình thi hành án như việc tiêu hủy vật chứng. Do vậy, cần xem xét, sửa đổi bổ sung theo hướng: Đối với vật chứng của vụ án chỉ đến khi toàn bộ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới đưa ra thi hành?
Câu 2: Điểm a, khoản 2 Điều 2 Luật THADS năm 2014 thì: “Những bản án bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần, cấp dưỡng, trả lương được đưa ra thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị, theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy những bản án này được đưa ra thi hành ngay khi chưa có hiệu lực, nhưng theo nội dung bản án thì kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật người phải thi hành án mới phải thi hành phần lãi suất do chậm thi hành án. Do đó trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án ngay khi bản án chưa có hiệu lực thì phần lãi suất có được đưa ra thi hành án ngay không? Nếu có thì thời điểm tính lãi suất từ thời điểm chậm thi hành án hay thời điểm án có hiệu lực pháp luật ?
Câu 3: Điều 7b Luật THADS năm 2014 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi thi hành án đối với việc liên quan đến tổ chức tín dụng Ngân hàng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người có tài sản bảo lãnh vay vốn Ngân hàng) không có quyền nộp tiền để chuộc lại tài sản theo khoản 5 Điều 101 Luật THADS năm 2014. Nhưng trong thực tế cơ quan THADS đều vận dụng cho những người có tài sản bảo lãnh cho người phải THA (người vay vốn) được thỏa thuận nộp tiền để họ chuộc lại tài sản theo giá khởi điểm hoặc bằng với giá theo thông báo bán đấu giá tại thời điểm. Như vậy giữa thực tiễn và quy định của pháp luật về THADS thấy còn có khoảng trống cần bổ sung kịp thời?
Câu 4: Điều 12 Luật THADS năm 2014 và Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức có liên quan. Hiện nay, Luật THADS cũng như các văn bản hướng dẫn lại không quy định trách nhiệm và thời hạn Tòa án phải trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát. Do đó, thực tế hiện nay hầu hết các kiến nghị của Viện kiểm sát đều không được Tòa án, cơ quan THADS trả lời kiến nghị hoặc có trả lời nhưng rất chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm sát, đề nghị có hướng dẫn cụ thể?
Câu 5: Điều 28 Luật THADS năm 2014 quy định đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án phải chuyển giao cho cơ quan THADS trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Với những bản án, quyết định của TAND cùng cấp chuyển giao cho cơ quan THADS thì việc chuyển giao là dễ dàng vì trong cùng phạm vi của địa phương. Nhưng đối với những bản án, quyết định của Tòa án cấp trên, chuyển giao xuống cho cơ quan THADS cấp dưới thì việc xác định thời hạn chuyển giao là khá khó khăn. Bởi vì việc chuyển giao phải thông qua đường bưu điện, đến khi cơ quan THADS nhận được bản án, quyết định đó thì đã quá hạn. Việc xác định vi phạm là khó khăn vì việc chuyển có thể do bên vận chuyển hoặc cũng có thể do Tòa án, nhưng để kiểm tra Tòa án cấp trên gửi đi từ ngày nào thủ tục rất phức tạp, phải kiểm tra sổ công văn đi, kiểm tra ngày bưu điện nhận tài liệu, kiểm tra ngày bưu điện chuyển đến, sổ công văn đến. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 6: Khoản 2 Điều 28 Luật THADS quy định: "Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a,b,c,d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan THADS có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.
Quy định này mâu thuẫn với Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về việc chuyển giao bản án. Điều 254 BLTTHS quy định "Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát,….cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền….”. Đề nghị giải thích?
Câu 7: Khoản 1 Điều 30 Luật THADS năm 2014 quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án. Điều Luật này được hiểu là quy định thời hiệu đối với việc thực hiện thi hành án theo yêu cầu. Tuy nhiên đối với một số đơn vị lại có quan điểm là áp dụng Điều 30 để tính thời hiệu đối với các quyết định thi hành án chủ động được quy định tại Khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự; nhận thức như vậy có đúng không?
Câu 8: Điểm đ, khoản 2, Điều 31 Luật THADS năm 2014 quy định: "Đơn yêu cầu phải có nội dung: Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có …”. Quy định này không phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động thi hành án dân sự, bởi vì người được thi hành án rất khó có thể xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để ghi thông tin về tài sản của người thi hành án trong đơn yêu cầu thi hành án. Hoặc nếu có xác minh được thì kết quả xác minh đó thường là chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Vì vậy điều luật đưa ra nội dung này mang tính hình thức, khó thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị giải thích?
Câu 9: Khoản 1 Điều 30 Luật THADS năm 2014 quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có quyền yêu cầucơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án phải có những nội dung liên quan đến nội dung của bản án, quyết định nếu không cơ quan THADS sẽ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS năm 2014.
Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án có quyền quyết định việc làm đơn yêu cầu thi hành án hay không, vào thời điểm nào, yêu cầu nội dung gì? Luật chỉ quy định nội dung đơn yêu cầu thi hành án phải có những nội dung liên quan đến nội dung của bản án, quyết định. Trường hợp bản án tuyên phần cấp dưỡng nuôi con và lãi chậm thi hành án, nhưng khi làm đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án chỉ yêu cầu phần tiền cấp dưỡng, không yêu cầu phần lãi suất đối với khoản tiền chậm thi hành án. Sau đó cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đối với phần cấp dưỡng nuôi con (đúng như nội dung đơn yêu cầu là không bao gồm lãi suất chậm THA) vì theo quan điểm của Cơ quan THADS thì đây là quyền yêu cầu của người được thi hành án, họ yêu cầu phần nào thì ra quyết định phần đó, miễn là nội dung đó có liên quan đến nội dung của bản án, quyết định của Tòa án. Việc cơ quan THADS ra quyết định như vậy đúng hay sai? có vi phạm hay không?
Câu 10: Điểm h khoản 2 Điều 35 Luật THADS năm 2014 quy định “Bản án quyết định thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện quy định tại khoản 1 Điều này mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành".
Quy định "thấy cần thiết" là điều kiện để cơ quan THADS cấp tỉnh lấy lên để thi hành. Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là "thấy cần thiết" gây khó khăn cho việc thi hành án và kiểm sát thi hành án. Đề nghị giải thích rõ?
Câu 11: Khoản 1 Điều 36 Luật THADS năm 2014quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án”.
Vướng mắc: Theo quy định trên thì sau khi bản án có hiệu lực, người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo yêu cầu. Tuy nhiên, trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án (ví dụ 03 tháng, 06 tháng…) thì thời hạn ra quyết định thi hành án là khi nào thì không có văn bản hướng dẫn. Có cơ quan thi hành án dân sự đợi đến hết thời hạn được ấn định trong bản án mới ra quyết định thi hành án, nhưng cũng có cơ quan thi hành án dân sự sau 05 ngày (khi có yêu cầu của người được thi hành án đối với những bản án đã có hiệu lực) ra quyết định thi hành án. Việc ra quyết định thi hành án khi chưa đến thời hạn ấn định thực hiện nghĩa vụ ảnh hưởng đến nghĩa vụ của người phải thi hành án, vì sau khi hết thời gian tự nguyện thi hành án thì người phải thi hành án sẽ bị áp dụng các biện pháp đảm bảo đối với tài sản thi hành án trong khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến. Quá trình kiểm sát thi hành án phát hiện, tuy nhiên không có căn cứ pháp luật để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu thu hồi hủy bỏ. Đề nghị quy định nội dung này trong Luật thi hành án dân sự hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể?
Câu 12: Điểm d khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2014 quy định: “Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung công quỹ nhà nước”; Thực tiễn bản án tuyên yêu cầu các đương sự liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị điều chỉnh lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc liên hệ với Ủy ban nhân dân để cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó khó cho công tác thi hành án đối với việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận khi cấp chỉ ghi tên một người, nhưng thực tế là tài sản chung, khi thi hành án các đương sự lại cho là tài sản riêng, do đó cũng khó khăn cho công tác xác minh thi hành án?
Câu 13: Khoản 4 Điều 39 Luật THADS năm 2014 quy định:“Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu”. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về mức thu của từng loại chi phí thông báo về thi hành án do người phải thi hành án, ngân sách nhà nước chi trả hoặc người thi hành án phải chịu?
Câu 14: Khoản 1 Điều 43 Luật THADS năm 2014 quy định: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu”. Như vậy, phương tiện thông tin đại chúng ở đây được hiểu là như thế nào? (báo, đài, truyền hình của Trung ương hay địa phương, báo mạng…có phù hợp hay không?) cần được hướng dẫn cụ thể, tránh cách hiểu không thống nhất, dễ xảy ra vi phạm?
Câu 15:Khoản 2 Điều 44, Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng hoặc 01 năm phải tiến hành xác minh lại. Qua hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì Cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh”.
Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn ban hành thông báo kết quả xác minh điều kiện thi hành án cho người được thi hành án, dẫn đến việc áp dụng chưa có sự thống nhất ngay trong nội bộ của Cơ quan THADS và gây khó khăn cho quá trình kiểm sát của Viện kiểm sát. Đề nghị hướng dẫn để VKS thống nhất nhận thức?
Câu 16: Khoản 5 Điều 44 qui định:“Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự”. Tuy nhiên, trong thực tế việc người được thi hành án tự mình xác minh điều kiện của người phải thi hành án là rất khó khăn và hầu như không đạt kết quả, vì thủ đoạn che giấu tài sản, thu nhập của người phải thi hành án ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và khó xác định hơn, như: Che giấu các nguồn thu nhập, tẩu tán tài sản bằng nhiều hình thức khác nhau, thay đổi chỗ ở liên tục nhưng không có sự trình báo với chính quyền địa phương… Đặc biệt khi người được thi hành án tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án tại các cơ quan Nhà nước, các cơ quan hữu quan khác thì việc yêu cầu các cơ quan đó cung cấp thông tin lại càng khó khăn, bởi các cơ quan đó cho rằng mình không có trách nhiệm phải cung cấp những thông tin cho người dân mà họ chỉ cung cấp cho những cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu bằng văn bản. Đề nghị giải thích?
Câu 17: Khoản 6 Điều 44 Luật THADS năm 2014 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện THA nhưng chưa qui định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã tham gia với tư cách là người đứng đầu chính quyền địa phương khi phối hợp với cơ quan THADS để xác minh điều kiện THA, cần phải qui định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu chính quyền địa phương?
Câu 18: Điểm c, khoản 1 điều 44a Luật THADS năm 2014 qui định về điều kiện xác định việc chưa có điều kiện thi hành án là: “Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, …”. Trong khi đó, tại điểm b khoản 1 điều 48 Luật này cũng qui định một trong những điều kiện ra quyết định hoãn thi hành án là “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án…”. Như vậy là có sự chồng chéo trong qui định của pháp luật về vấn đề này, dẫn đến việc cơ quan THADS có thể tự mình lựa chọn ra quyết định hoãn thi hành án hoặc ra quyết định xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đều được; đề nghị giải thích rõ?
Câu 19: Thực tế việc thực hiện xác minh điều kiện thi hành án đối với một số việc THA chưa có điều kiện của cơ quan Thi hành án dân sự cho thấy, có một số trường hợp chưa có điều kiện thi hành án đã 10 năm. Tuy nhiên, khi Viện kiểm sát trực tiếp xác minh tại địa phương thì phát hiện đối tượng đã không có mặt tại địa phương từ lâu, hiện không rõ địa chỉ cư trú (thường gặp ở đối tượng nghiện ma túy, đã hết thời hạn chấp hành án về địa phương nhưng không có nơi cư trú rõ ràng). Cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải duy trì trong sổ theo dõi qua nhiều năm mà không có căn cứ để xử lý. Đây là một bất cập trong việc áp dụng pháp luật. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 20: Khoản 2 Điều 44a Luật THADS năm 2014 quy định: “Thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành …và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết…”.
Tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án …; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là 03 tháng, kể từ ngày niêm yết”.
Theo quy định trên, quyết định về việc chưa có điều kiện THA thì do UBND cấp xã niêm yết. Tuy vậy, Luật chưa quy định UBND cấp xã sau khi niêm yết phải gửi biên bản cho cơ quan THADS. Do đó, hồ sơ THA không có thủ tục thể hiện đã niêm yết quyết định về việc chưa có điều kiện THA, gây khó khăn cho việc xác định thời gian niêm yết công khai đối với việc chưa có điều kiện THA?
Câu 21: Khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định “Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án”. Hiện nay đang có 02 cách hiểu khác nhau về vấn đề này, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Hết thời gian tự nguyện thi hành án người phải thi hành án có điều kiện thi hành án không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên phải ban hành quyết định cưỡng chế ngay và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai: Pháp luật chưa quy định cụ thể về thời gian ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế ( trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật thi hành án dân sự), do đó Chấp hành viên căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức thi hành án để xử lý vụ việc thi hành án.
Do có sự hiểu, nhận thức về nội dung này chưa thống nhất, nên có vụ việc hết thời gian tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng chưa xác minh xong về điều kiện thi hành án nên Chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế, bị coi là chậm tổ chức cưỡng chế thi hành án; ngược lại, có Chấp hành viên để hồ sơ, vụ việc kéo dài vài tháng, đến vài năm không áp dụng các biện pháp bảo đảm hoặc các biện pháp cưỡng chế. Đề nghị Vụ 11 hướng dẫn cụ thể vướng mắc này?
Câu 22: Điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS năm 2014 quy định: "Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án”.
Vướng mắc: Chưa có hướng dẫn đối với số tiền còn lại sau khi đã chi trả lần đầu theo quyết định cưỡng chế, thì việc chi trả lần sau cho những người được thi hành án tiếp theo, cơ quan thi hành án có phải ban hành một văn bản với hình thức như thế nào? Ví dụ: "Quyết định thu giữ số tiền còn lại để thi hành án". Chấp hành viên đã ra quyết định kê biên số tiền còn lại này. Ra quyết định như vậy là không đúng vì đối với tài sản là tiền, không áp dụng hình thức kê biên. Hơn nữa, số tiền còn này lại đang do Cơ quan thi hành án quản lý, không cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại hoặc trốn tránh việc thi hành án. Việc này vừa không đúng, vừa dẫn đến tình trạng chỉ có người được thi hành án có tên trong quyết định kê biên được thi hành án, còn những người khác lại không được vì lại áp dụng ngay chính điểm b khoản 2 Điều 47 nói trên. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 23: Khoản 3 Điều 47 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trong trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật này.Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.”
Trường hợp xử lý tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể nhưng tài sản này không phải là tài sản của người phải thi hành án, mà là tài sản thuộc sở hữu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tài sản của bên thứ ba, bên bảo lãnh) thì khi thu được tiền từ việc xử lý tài sản trên không thể trừ án phí của bản án, quyết định cho bên thứ ba, bên bảo lãnh thay cho người phải thi hành án, vì trong quá trình tham gia ký kết hợp đồng bảo lãnh, cầm cố, thế chấp, tài sản của bên thứ ba, bên bảo lãnh chỉ đảm bảo đối với nghĩa vụ của người phải thi hành án với người được thi hành án, không đảm bảo nghĩa vụ của người phải thi hành án với nhà nước, khoản án phí nằm ngoài phạm vi bảo lãnh, thế chấp theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Vừa qua, Tổng cục THADS ban hành Công văn 1099/TCTHADS-NV1 hướng dẫn thanh toán theo khoản 3, Điều 47 Luật THADS, ở địa phương các Cục THADS và các Chi cục THADS đã căn cứ công văn trên thanh toán khoản án phí theo bản án khi xử lý tài sản của bên thứ ba bảo lãnh là không đúng quy định. Đề nghị Vụ 11 có hướng dẫn nội dung này?
Câu 24: Khoản 3 Điều 47 Luật THADS năm 2014 quy định về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp; nhưng hiện nay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ các Ngân hàng, các tổ chức khác cho vay tín chấp với số tiền rất lớn; khi cơ quan thi hành án kê biên xử lý tài sản tín chấp phía Ngân hàng, tổ chức cho vay không đồng ý, vì khi thanh toán họ không được ưu tiên thanh toán, ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng và tổ chức cho vay?
Câu 25: Điểm g, khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định hoãn THA khi “Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA theo qui định tại điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Câu 26: Điểm b, khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định.
Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về điều kiện hoãn thi hành án "vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định" nên thực tế việc áp dụng điều kiện hoãn thi hành án vì lý do trên còn tuỳ tiện, không thống nhất. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 27: Thực tế cho thấy việc áp dụng Điều 49 Luật THADS năm 2014 quy định về Tạm đình chỉ thi hành án chưa thực sự có hiệu quả và theo đúng tinh thần của các quy định pháp luật. Theo đó có hai trường hợp tạm đình chỉ thi hành án:
Thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thứ hai: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Tuy nhiên, quy định này lại bị phủ định bởi một số các quy định khác, như: Luật thi hành án dân sự năm 2014, tại Điều 103 về Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Đề nghị giải thích?
Câu 28: Điểm c, khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2014 quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.
Như vậy, khi cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án theo Điều 50 Luật THADS năm 2014 thì không được tổ chức thi hành án nữa. Biểu mẫu số D51-THA ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp cũng quy định việc yêu cầu đình chỉ thi hành án, thì không được quyền yêu cầu thi hành án trở lại. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một văn phòng Thừa phát lại hoặc Cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
Theo qui định trên, được hiểu cùng một thời điểm yêu cầu được xác định đương sự chỉ được lựa chọn một lần đối với Văn phòng Thừa phát lại hoặc cơ quan THADS để tổ chức thi hành đối với cùng một nội dung yêu cầu.
Vướng mắc: Có các quan điểm khác nhau về vấn đề này, khi đương sự rút đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án thì đương sự có được tiếp tục làm đơn yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án hay không? Thực tế đã có tình trạng này nhưng luật chưa có văn bản quy định cụ thể, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 29: Điểm c khoản 1 Điều 50 Luật THADS năm 2014 quy định: “Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.
Việc quy định như vậy dẫn tới cách hiểu khác nhau, có nơi phải có đơn yêu cầu của người được thi hành án thì cơ quan THADS đình chỉ thi hành án, có những nơi chỉ cần biên bản làm việc giữa người được thi hành án và Chấp hành viên thì cũng đủ căn cứ để Thủ trưởng cơ quan THADS ra Quyết định đình chỉ. Đề nghị có hướng dẫn?
Câu 30: Điều 52 của Luật THADS năm 2014 quy định: “Việc thi hành án đương nhiên kết thúc thúc…”. Như vậy sẽ không có Quyết định kết thúc gửi cho Viện kiểm sát và người phải thi hành án. Từ quy định trên dẫn đến tình trạng Viện kiểm sát không nắm được số vụ việc thi hành xong, số vụ việc còn tồn đọng lâu, cũng như tiến độ giải quyết các vụ việc về THADS. Đới với những trường hợp CHV đã thi hành xong vụ việc, nhưng quên không gạch sổ thụ lý, dẫn đến vụ việc đó vẫn còn tồn đọng. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể?
Câu 31: Khoản 2 Điều 54 Luật THADS năm 2014 quy định về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án:“Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Còn những trường hợp người phải thi hành án liên đới bồi thường nhưng họ đã chết mà không để lại tài sản thì xử lý như thế nào?
Câu 32: Khoản 2Điều 54 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp người được THA, người phải THA là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ THA được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế”.
Hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về “thủ tục chuyển giao”. Đề nghị Vụ 11 có hướng dẫn?
Câu 33: Điều 55 Luật THADS năm 2014 quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS phải ủy thác thi hành cho cơ quan nơi người phải THA thi hành có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Như vậy, nơi làm việc của người phải THA là một cơ sở để cơ quan THADS tiến hành ủy thác THA. Nhưng luật chưa cụ thể hóa về nơi làm việc của người phải THA phải là nơi mà người có thời gian làm việc bao nhiêu lâu thì được ủy thác, có nhiều trường hợp xác minh được nơi làm việc để ủy thác, nhưng đến khi ủy thác thì họ không còn làm việc ở đó nữa vì người phải THA chỉ làm việc theo hợp đồng mùa, vụ. Đề nghị giải thích?
Câu 34: Khoản 2 Điều 57 Luật THADS năm 2014 và Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định thì cơ quan THADS nơi nhận uỷ thác không được trả lại quyết định uỷ thác cho cơ quan THA đã uỷ thác mà phải ra quyết định không có điều kiện thi hành khi chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 44a Luật THADS năm 2014. Quy định như vậy sẽ khó khăn trong trường hợp người phải THA không sinh sống cư trú hoặc không có tài sản ở địa phương, dẫn đến tình trạng tồn đọng kéo dài không thi hành được. Đề nghị hướng dẫn thêm?
Câu 35: Khoản 1, Điều 57 Luật thi hành án dân sự năm 2014 quy định: “1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác…”. Tức là ngay sau khi nhận được Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án chuyển giao cơ quan THADS đã xác định rõ người phải thi hành án không cư trú tại địa bàn nên có căn cứ để ra quyết định ủy thác thẳng. Tuy nhiên đối với Bản án có nhiều khoản phải thi hành trong đó có khoản tịch thu tiêu hủy tang vật cơ quan THADS chưa tiến hành việc thành lập Hội đồng để tiêu hủy tang vật theo Bản án đó.
VKS cho rằng chỉ khi nào cơ quan thi hành án dân sự thi hành xong khoản tiêu huỷ tang vật thì mới được uỷ thác khoản còn lại, như vậy mới đúng với quy định tại khoản 1, Điều 57 Luật THADS năm 2014.
Quan điểm của cơ quan THADS cho rằng đối với những tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác,thì cơ quan thi hành án mới cần phải xử lý trước khi thực hiện việc uỷ thác. Các tài sản có liên quan đến khoản uỷ thác theo quy định trên các trường hợp tài sản đã được tuyên kê biên hoặc được tuyên hoàn trả cho đương sự nhưng dùng để đảm bảo thi hành án. Còn đối với khoản tiêu huỷ tang vật không có liên quan đến các khoản phải thi hành khác. Do đó cơ quan THADS có thể thực hiện ngay việc uỷ thác mà không cần phải chờ tiêu huỷ tang vật xong.
Để có sự nhận thức đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật đề nghị Viện kiểm sát Tối cao có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này?
Câu 36: Điều 59 Luật THADS năm 2014 quy định trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị mà họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá trị tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá lại tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành.
Điều 17 Nghị Định 62/2015/NĐ-CP lại không nêu rõ trường hợp cụ thể nào thì được áp dụng Điều 59 do đó đã dẫn đến nhận thức và áp dụng còn chưa thống nhất. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 37: Quan điểm của mỗi cơ quan trongviệc xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với các khoản nộp ngân sách Nhà nước được quy định tại các Điều 61, 62, 63, 64 của Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT ngày 15/9/2015 có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể:
– Quan điểm của cơ quan Thi hành án dân sự: Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án theo đúng quy định của Điều 44 Luật THADS và chỉ cần tiến hành qua chính quyền địa phương, xác định rõ người phải thi hành án không có tài sản (về nhà, đất và các tài sản là động sản), thu nhập và các điều kiện khác.
– Quan điểm của Viện kiểm sát: Khi xác minh đối với người phải THA thì phải tiến hành xác minh qua Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai xem người phải thi hành án có quyền sử dụng đất hay không thì mới có đủ điều kiện để xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Tuy nhiên việc xác minh qua Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là rất khó khăn, vì cơ quan này yêu cầu phải cung cấp được số thửa, số tờ bản đồ thì mới tra cứu được đất đó đứng tên ai, trong khi đó nhiều trường họp chính quyền địa phương không thể cung cấp cho cơ quan Thi hành án dân sự được. Đề nghị Vụ 11 có hướng dẫn cụ thể?
Câu 38: Đối với các hồ sơ miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án các khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước do cơ quan THADS cấp tỉnh đề nghị. Do Luật quy định Tòa án cấp huyện nơi đóng trụ sở cơ quan THADS có thẩm quyền thực hiện việc xét miễn giảm. Đồng thời để Phòng 11 tập trung thực hiện chức năng kháng nghị phúc thẩm, thấy nên ủy quyền cho Viện Kiểm sát cấp huyện thực hiện thủ tục “Cho ý kiến” đối với các hồ sơ miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước do cơ quan THADS cấp tỉnh đề nghị. Tuy nhiên chưa thấy căn cứ và cơ sở pháp lý về việc ủy quyền. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 39: Điều 61 Luật THADS quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; Điều 23 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước có quy định khoản thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án là lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có).
Việc tính lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm được xét riêng hay được cộng cả vào các khoản được xét miễn giảm. Đề nghị Viện KSND tối cao hướng dẫn áp dụng cho thống nhất?
Câu 40: Khoản 1 Điều 62 Luật THADS năm 2014 qui định hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ THA gồm có tài liệu là “Văn bản đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ THA của Thủ trưởng cơ quan THADS hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát trong trường hợp đề nghị xét miễn, giảm khoản tiền phạt”. Tuy nhiên, khi miễn khoản tiền án phí, lệ phí có cần tài liệu này không, hiện không có văn bản hướng dẫn. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 41: Khoản 3 Điều 63 Luật THADS năm 2014 quy định “…Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án”.
Vậy việc xét miễn, giảm thi hành án nghĩa vụ vụ nộp Ngân sách Nhà nước có trường hợp hồ sơ xét miễn giảm thi hành án đã chuyển sang Tòa án, Tòa án đã ra thông báo mở phiên họp xét miễn nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án lại nộp hết số tiền đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án của Chi cục Thi hành án trước thời điểm mở phiên họp. Tại phiên họp, Chi cục Thi hành án xin rút hồ sơ đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án trên, Tòa án đồng ý việc rút hồ sơ trên và ra quyết định đình chỉ việc thi hành án trên có đúng không? Điều 9 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT thì Tòa án ra các quyết định chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận chứ không quy định trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ hồ sơ miễn thi hành án? Đề nghị hướng dẫn về căn cứ để giải quyết trường hợp trên?
Câu 42: Khoản 2Điều 66 Luật THADS năm 2014 qui định: “Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”.
Tuy nhiên, Luật không qui định người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm phải nộp tiền trước để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại. Do đó, dẫn đến việc trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết bồi thường. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 43: Khoản 2 Điều 67 Luật THADS năm 2014 quy định: “…Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, tài sản…”
Như vậy, thế nào được hiểu là phải thực hiện ngay? Bởi, thực tế hiện nay, một số Ngân hàng muốn giữ khách hàng, tôn trọng việc gửi tài sản của khách hàng, nên việc hợp tác của họ là chưa cao, không muốn làm việc với cơ quan thi hành án dân sự, bằng cách họ chưa thực hiện ngay mà muốn có thời gian để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị. Dẫn đến khó khăn cho công tác phong toả tài khoản để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, bởi vô hình chung đây có thể là cơ hội tạo điều kiện cho người phải thi hành án có thời gian tẩu tán tài sản, không thực hiện nghĩa vụ phải thi hành án. Vì vậy, cần có quy định thời gian cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, tài sản nêu trên?
Câu 44: Khoản 1, Điều 68 Luật THADS năm 2014 quy định về yêu cầu lực lượng hỗ trợ chấp hành viên để tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, chỉ quy định ngắn gọn “… Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ”. Trong quá trình thực hiện đương sự chống đối, chấp hành viên đề nghị lực lượng công an hỗ trợ để thực hiện việc tạm giữ nhưng gặp khó khăn, lực lượng công an từ chối với lý do theo quy định của Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an chỉ quy định về phối hợp bảo về cưỡng chế trong thi hành án dân sự, còn việc hỗ trợ chấp hành viên tạm giữ tài sản do chưa có văn bản quy định cho nên không cử lực lượng tham gia. Đề nghị có hướng dẫn?
Câu 45: Khoản 3 Điều 68 Luật THADS năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không quy định việc tạm giữ giấy tờ phải có sự tham gia của Viện kiểm sát. Tuy nhiên tại Mẫu biểu D39 (Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ) theo Thông tư 01/2016/TT-BTP hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự có in sẵn thành phần tham gia là đại diện Viện kiểm sát. Vậy, việc tham gia của đại diện Viện kiểm sát có phải là yêu cầu bắt buộc khi tạm giữ tài sản, giấy tờ hay không?
Câu 46: Điều 71 Luật THADS năm 2014 quy định về các biện pháp cưỡng chế buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. Đây là biện pháp không khả thi, người phải thi hành án không giao hoặc hủy hoại giấy tờ, người có thẩm quyền thi hành án không nhận được giấy tờ để trả lại cho người được thi hành án đối với giấy tờ có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản do chế tài không đủ mạnh. Đề nghị Vụ 11 có hướng dẫn?
Câu 47: Khoản 2 Điều 72 Luật THADS năm 2014 quy định về các nội dung chính của Kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong đó có thời gian, địa điểm cưỡng chế.
Trên thực tế có rất nhiều vụ việc phải hoãn tiến hành cưỡng chế vì nhiều lý do. Tuy nhiên, hiện nay Luật THADS năm 2014 cũng như các văn bản liên quan không quy định thời gian hoãn việc cưỡng chế là bao nhiêu ngày. Vì vậy, dẫn đến việc một số cơ quan THADS đã ban hành Kế hoạch, xác định thời gian cưỡng chế, nhưng sau đó lại hoãn vô thời hạn, điều này gây không ít khó khăn cho công tác kiểm sát thi hành án, đây cũng là cách mà các cơ quan THADS thực hiện nhằm kéo dài thời gian thi hành án đối với những vụ việc có tính chất phức tạp. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể?
Câu 48: Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì Chấp hành viên không có quyền tự xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, tuy nhiên tại Điểm c Khoản 2 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại cho phép "Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết”. Như vậy, Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã mở rộng quyền cho Chấp hành viên nhưng lại không đúng với quy định của Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Đề nghị có hướng dẫn?
Câu 49: Khoản 1 Điều 74 Luật THADS 2014 quy định trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nếu người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản họ không chịu tự thỏa thuận phân chia tài sản, lúc này tòa án sẽ giải quyết việc phân chia tài sản cần có các tài liệu liên quan của đương sự về công sức đóng góp trong khối tài sản chung đó làm căn cứ để tòa án giải quyết việc phân chia tài sản. Khi người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản của họ và họ không phối hợp với cơ quan THADS thì Tòa án không thể phân chia tài sản chung được, nên việc thi hành án trong trường hợp này không thể thực hiện được. Đề nghị Vụ 11 hướng dẫn?
Câu 50: Khoản 1Điều 78 Luật THADS năm 2014 qui định: “Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác”. Hiện chưa có căn bản hướng dẫn về “thu nhập hợp pháp khác”. Thực tế, các khoản tiền như trợ cấp thương binh, thương tật, chất độc màu da cam… mà người phải THA được Nhà nước chi trả hàng tháng là khoản tiền người được thi hành án thực nhận nhưng Chấp hành viên không khấu trừ khoản tiền này của người phải THA vì cho đó là vấn đề nhạy cảm. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Câu 51: Khó khăn, vướng mắc trong THA hành chính của cơ quan THADS, điển hình là tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố B liên quan đến việc kiện của người dân ở xã S, thành phố B khởi kiện Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố B, đã được Tòa án nhân dân thành phố B và Tòa án nhân dân tỉnh B xét xử tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện và tuyên phần án phí đòi bồi thường thiệt hại đối với những người khởi kiện. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B đã xác minh điều kiện thi hành án, đã xác định được người phải thi hành án được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng theo Quyết định số 41/QĐ- UBND ngàỵ 01/02/2013 của UBND thành phố B, nhưng đến nay họ đều chưa đến nhận tiền bồi thường theo quyết định trên, số tiền này hiện Ban quản lý dự án thành phố đang giữ và gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh H.
Căn cứ vào Điều 81 Luật thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã ban hành các quyết định khấu trừ thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ để thu tiền án phí cho nhà nước. Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục thi hành án dân sự thành phố B đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với Ban quản lý dự án thành phố về việc thực hiện Quyết định khấu trừ tiền bồi thường hỗ trợ cho các hộ gia đình theo Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 của UBND thành phố B để thi hành các bản án trên, đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được tiền khấu trừ từ Ban quản lý dự án thành phố để thi hành dứt điểm đối với các bản án hành chính trên. Đồng thời đã báo cáo Chủ tịch UBND thành phố để chỉ đạo, tuy nhiên tại cuộc họp giao ban ngày 19/8/2016, Chủ tịch UBND thành phố B kết luận chưa đồng ý cho BQL dự án chuyển tiền mà yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự nghiên cứu các quy định có liên quan để thực hiện thi hành phần án phí.
Qua xác minh điều kiện thi hành án thì hầu hết người phải thi hành án đều có tài sản là nhà, đất tuy nhiên không thể kê biên được vì giá trị tài sản quá lớn và chi phí cưỡng chế lớn hơn rất nhiều số tiền phải thi hành án. Trong khi đó người phải thi hành án đang được UBND thành phố chi trả tiền bồi thường GPMB nhưng không thu được. Quá trình tổ chức thi hành án đã được thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng đến nay chưa thi hành xong mà nguyên nhân do khách quan, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thi hành án. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 52: Điểm đ, khoản 2 Điều 87 Luật THADS năm 2014 quy định “Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình”.
Tuy nhiên, nếu công cụ lao động cần thiết, có giá trị lớn thì có được kê biên, cưỡng chế không?
Ví dụ: Người phải thi hành án chỉ có duy nhất chiếc ô tô tải để chở hàng thuê nuôi gia đình thì có được kê biên không?
Câu 53: Điều 91 Luật THADS năm 2014 quy định: “Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, kể cả trường hợp tài sản được xác định bằng bản án quyết định khác thì Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án; trường hợp người thứ ba không tự nguyện giao tài sản thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án.
Trường hợp tài sản kê biên đang cho thuê thì người thuê được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết”.
Như vậy điều luật quy định tài sản của người phải thi hành án được chứng minh đang do người khác quản lý có thể là tài sản bằng tiền, kim khí đá quý, nhà đất….Song, trên thực tế trong quá trình thực hiện việc xác định tài sản do người khác đang giữ vẫn có nhiều quan điểm nhận thức khác nhau.
Ví dụ: Ông Đ phải thi hành án cho bà B là 100.000.000 đ (Khi vay thỏa thuận thế chấp nhà đất của ông Đ cho bà B) và bà B phải thi hành một bản án khác cho ông C, ông H, ông S tổng số tiền vay là 130.000.000 đ do TAND huyên Y xét xử. Án có hiệu lực pháp luật thi hành. Sau khi nhận đơn yêu cầu THADS của bà B, ông C, ông H, ông S. Qúa trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên mời các bên đến trụ sở chi cục THADS huyện Y làm việc, ông Đ cam kết nộp tiền THA cho bà B tại chi cục, mọi thỏa thuận về thi hành án phải có mặt chấp hành viên. Sau đó ông Đ và bà B đã tự thỏa thuận (không thông qua cơ quan thi hành án ) trả cho nhau và bà B đã làm đơn tới cơ quan thi hành án rút đơn- không yêu cầu thi hành án nữa, vì 2 bên đã thanh toán xong theo quyết định của bản án và tự nguyện nộp phí THADS .( Sau khi nhận tiền do ông Đ trả bà B dùng toàn bộ số tiền trả cho ông X theo bà B nói là tiền vay. Ngoài số tiền được THADS nêu trên bà B không còn tài sản nào khác ®ể thi hành bản án mà bà B phải trả ông Công C, ông H, ông S). Có quan điểm cho rằng Cơ quan THADS đó không ra quyết định kê biên tài sản (nhà đất) của ông Đ với căn cứ xác định ông Đ là người thứ 3 đang giữ tài sản của bà B. Nên vụ việc xảy ra khiếu nại phức tạp kéo dài . Để cụ thể hóa điều Luật trong việc xác định tài sản đang do người thứ 3 giữ của người phải thi hành án. Đề nghị liên ngành TW có hướng dẫn cụ thể và cần có hướng dẫn trong việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự?
Câu 54: Điều 93 Luật THADS năm 2014 qui định khi tiến hành kê biên đồ vật bị khóa thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc thuê cá nhân, tổ chức mở khóa… Trong trường hợp cần thiết, sau khi mở khóa Chấp hành viên phải niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo Điều 58 của Luật THADS năm 2014.
Khó khăn là khi tiến hành kê biên tài sản là nhà ở, đương sự cố tình vắng mặt nên Chấp hành viên tiến hành mở khóa và niêm phong các tài sản trong đó. Tuy nhiên khi tiến hành giao bảo quản theo qui định tại Điều 58 thì gặp phải vướng mắc là không có tổ chức cá nhân nào nhận bảo quản tài sản, kho của Cơ quan thi hành án của địa phương không để điều kiện để bảo quản. Trường hợp này tài sản sau khi niêm phong phải giao cho ai bảo quản?
Câu 55: Khoản 2 Điều 95 Luật THADS năm 2014 qui định: “khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để THA nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải THA, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà”.
Như vậy, trong trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì không được kê biên. Tuy nhiên, đây không thuộc tài sản không được kê biên theo quy định chung nên Cơ quan THADS đã tiến hành kê biên quyền sử dụng đất để đảm bảo THA nhưng sau đó không thể xử lý tiếp được. Do đó, đề nghị đưa những trường hợp này vào diện những tài sản không được kê biên thì sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình THA?
Câu 56: Khoản 2 Điều 98 Luật THADS năm 2014 quy định chấp hành viên được ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trong trường hợp “Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật THADS. Khoản 1 Điều 36 của Luật THADS quy định về việc ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thì trường hợp này đương sự lại có quyền thỏa thuận về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá theo quy định pháp luật”.
Trong khi đó khoản 2 Điều 98 Luật THADS năm 2014 lại không quy định về việc định giá đối với trường hợp thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật THADS. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 57: Khoản 2, Điều 101 Luật THADS năm 2014 quy định việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Còn tại các khoản 1, 2, 3 Điều 104 Luật THADS năm 2014 quy định về trình tự thủ tục sau mỗi lần không có tham gia đấu giá, trả giá. Như vậy, cứ mỗi lần giảm giá thì lại phải mất một khoảng thời gian từ 30 dến 45 ngày để thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Với quy định của hai điều luật trên dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, gây tốn kém tiền của, thời gian không đảm bảo tiến độ thi hành án, ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cũng như chỉ tiêu công tác được giao. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 58:Việc kiểm sát bán đấu giá tài sản Thi hành án dân sự, hành chính chưa có điều luật và văn bản hướng dẫn nào quy định cụ thể, rõ ràng. Khi thực hiện công tác kiểm sát những việc này gặp nhiều khó khăn vì thủ tục bắt đầu của cuộc đấu giá Viện Kiểm sát chưa được tiếp cận cho đến khi Chi cục, Cục THADS gửi Quyết định giảm giá tài sản bán đấu giá cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát mới nắm được có việc bán đấu giá hoặc khi đã bán đấu giá thành thì Viện kiểm sát được mời để tham gia giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Cho nên, Viện kiểm sát muốn biết được việc đấu giá như thế nào thì phải thường xuyên giám sát đối với Cơ quan THA, Công ty bán đấu giá … hoặc chỉ phô tô hồ sơ đấu giá của cơ quan Thi hành án đã tiến hành xong và kiểm sát chỉ dựa trên hồ sơ này nên rất khó phát hiện được những vi phạm. Đề nghị giải thích?
Câu 59: Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản; nhưng Luật THADS năm 2014 không qui định Viện kiểm sát có quyền đề nghị hủy việc bán đấu giá được. Do vậy thực sự khó khăn cho công tác kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án. Đề nghị có hướng dẫn?
Câu 60: Khoản 2, Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án. Trong khi đó khoản 2, Điều 103 quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. Hiện nay, có vướng mắc trong việc thực hiện nội dung quy định của 02 điều luật trên, cụ thể là: Khi người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, Chi cục thi hành án chuẩn bị thực hiện cưỡng thi hành án để giao tài sản là đất và tài sản gắn liền với đất thì có yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị. Trong trường hợp này, Chi cục thi hành án dân sự có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao đất và tài sản gằn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá không? Nếu hoãn thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá, nếu không hoãn thì vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật THADS năm 2014. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 61: Khoản 2, khoản 3, Điều 104 Luật THADS năm 2014 không quy định mỗi lần giảm giá phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn, nên Viện kiểm sát không có căn cứ để kiến nghị, kháng nghị.
Câu 62: Trên thực tế người được thi hành án nhận quyền sử dụng đất để trừ vào số tiền được thi hành án hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án thường gặp khó khăn trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích thực tế chênh lệch so với diện tích đất theo giấy chứng nhận. Nhưng Cơ quan quản lý đất đai thường yêu cầu người mua tài sản thi hành án cung cấp các giấy tờ khác có liên quan đến tài sản theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 106 Luật thi hành án dân sự năm 2014, làm khó khăn cho người nhận quyền sử dụng đất để trừ vào số tiền được thi hành án hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án. Đề nghị có hướng dẫn?
Câu 63: Điều 110 Luật THADS năm 2014 quy định: “… Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy CNQSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó…”
Hiện nay ở một số địa phương có trường hợp phải thi hành án tài sản chỉ có để đảm bảo thi hành án là diện tích đất nằm trong khu quy hoạch dân cư đất ở nhưng không đủ diện tích để được cấp giấy CNQSDĐ, dưới 50m2, theo quy chế xây dựng đô thị, nếu cưỡng chế, đấu giá bán, hoặc giao cho đương sự thì không đảm bảo quyền, lợi ích của người được thi hành án, những trường hợp này giải quyết thế nào đề nghị có văn bản hướng dẫn?
Câu 64: Việc xử lý, bán đấu giá tài sản kê biên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của người phải thi hành án trong trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó thực thi trên thực tiễn; tại khoản 2, Điều 110 Luật THADS năm 2014 quy định Quyền sử dụng đất được kê biên, bán đấu giá để thi hành án:“2. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”.
Theo quy định nêu trên, Cơ quan Thi hành án dân sự được quyền kê biên quyền sử dụng đất đối với người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên sau khi kê biên thì lại không thể bán đấu giá để thi hành án được với các lý do sau: Theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính Phủ về bán đấu giá tài sản thì tại cuộc bán đấu giá tài sản là bất động sản phải có sự tham gia của Công chứng viên (Điều 35 Nghị định 17/2010), nếu Công chứng viên không tham gia thì cuộc bán đấu giá không đảm bảo trình tự theo pháp luật. Đối với trường hợp người phải thi hành án bị Cơ quan Thi hành án kê biên đất, tài sản gắn liền với đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận, khi thực hiện việc bán đấu giá, người mua trúng đấu giá phải làm thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai là phải công chứng khi thực hiện hợp đồng mua, bán (khoản 3, Điều 167 Luật đất đai 2013). Mà tại điểm d, khoản 1, Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định về hồ sơ yêu cầu Công chứng gồm: “Bản sao chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Như vậy, khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sở hữu) Công chứng viên không thể tham gia cuộc bán đấu giá và công chứng hồ sơ mua bán tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, như vậy việc bán đấu giá sẽ không thể thực hiện được.
Đây là khó khăn vướng mắc trên thực tế do quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai, về công chứng và bán đấu giá tài sản?
Câu 65: Điểm a, khoản 1 Điều 113 Luật THADS năm 2014 quy định việc xử lý tài sản gắn liền với đất đã kê biên, trong trường hợp tài sản gắn liền với đất đã kê biên thuộc sở hữu của người khác có trước khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Trường hợp người có tài sản không tự nguyện di chuyển tài sản thì Chấp hành viên hướng dẫn cho người có tài sản và người phải thi hành án thoả thuận bằng văn bản về phương thức giải quyết tài sản. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hướng dẫn mà họ không thoả thuận được thì Chấp hành viên xử lý tài sản đó cùng với quyền sử dụng đất để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án và người có tài sản gắn liền với đất.
Ví dụ: Tại Chi cục THADS thị xã N có vụ việc khi kê biên quyền sử dụng đất của người phải THA là ông A, người có tài sản trên đất là bà B. Người phải thi hành án là ông A đã thỏa thuận với bà B giá trị tài sản trên đất cao gấp khoảng 10 lần giá trị thực của tài sản. Trường hợp này nếu chấp nhận thỏa thuận sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án là ông C, nếu không chấp nhận thì chưa có quy định về việc bác nội dung thỏa thuận trên?
Câu 66: Khoản 5 Điều 115 quy định:
1. Trường hợp người phải thi hành án không nhận tiền để đi thuê nhà và họ không có nơi ở nào khác thì Chấp hành viên đứng ra đi thuê nhà cho người phải thi hành án. Như vậy, nếu hết thời gian 01 năm từ ngày cưỡng chế mà người phải thi hành án không tự lo chỗ ở mới hoặc ký thỏa thuận khác với người cho thuê nhà thì người có nhà cho thuê có thể khởi kiện người đứng ra thuê nhà là cơ quan Thi hành án dân sự để đòi lại nhà cho thuê, gây khó khăn cho việc thi hành án?
2. Pháp luật chưa quy định trường hợp cưỡng chế giao trả nhà thì cưỡng chế người phải thi hành án và tài sản của họ đi đâu, vì cưỡng chế trả nhà không có khoản tiền để thuê nhà cho người phải thi hành án?
Câu 67: Điều 115 Luật THADS năm 2014 quy định khi cưỡng chế trả nhà, giao nhà cho người trúng đấu giá là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án, trong khi người phải thi hành án (hoặc người thân sống cùng nhà) là người già, người neo đơn, không nơi nương tựa, khi cưỡng chế trả nhà, họ không còn chỗ ở, không có khả năng thuê hoặc ở nhờ chỗ ở mới. Xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm, nhưng điều luật không quy định rõ việc “trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà”.
Điều luật không quy định về điều kiện cưỡng chế mà chỉ quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà. Không quy định trích lại cho cả gia đình và những người sống chung nhà với người phải thi hành án đủ thuê nhà trong thời hạn 01 năm. Nếu chỉ trích lại riêng cho người phải thi hành án thì có thể chỉ thuê được nhà diện tích không đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt cho cả gia đình họ trong điều kiện tối thiểu, khi đó giải quyết như thế nào trong trường hợp những người sống chung nhà với người phải thi hành án không có nơi ở, không có nguồn thu nhập, không có tài sản để tạo lập nơi ở mới hoặc thuê nhà để ở, nên nhiều trường hợp người phải thi hành án không nhận tiền để đi thuê nhà trong khi họ không có nơi ở nào khác.
Trong các trường hợp này, chính quyền địa phương, cơ quan Công an và dư luận không đồng tình, không ủng hộ việc cưỡng chế người phải thi hành án và gia đình họ ra ngoài đường vì cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, về quyền chỗ ở của công dân…dẫn đến nhiều vụ bị kéo dài không tổ chức thi hành được. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 68: Khoản 1 Điều 118 Luật THADS năm 2014 quy định Quyết định phạt tiền được thi hành trong 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hay kể từ ngày người bị phạt tiền nhận được quyết định phạt tiền? (trường hợp đi vắng khỏi địa phương chưa nhận được quyết định xử phạt). Đề nghị hướng dẫn?
Câu 69: Điều 122 Luật THADS năm 2014 quy định phải chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ kèm theo bản án cho cơ quan THADS. Tuy nhiên có rất nhiều vật chứng, tài sản tạm giữ hiện còn tại Cơ quan Điều tra, Tòa án (đặc biệt là tại Tòa án) không chuyển cho cơ quan thi hành án, có những trường hợp nhiều năm, thậm chí có những việc trên 10 năm, cơ quan thi hành án dân sự đã nhiều lần trong nhiều năm yêu cần cơ quan Công an, Tòa án chuyển nhưng các cơ quan này không chuyển. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 70: Khoản 1 Điều 125 Luật THADS năm 2014 quy định Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo Bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật có quy định phải tiêu hủy ngay.
Trong công tác thi hành án nếu trong tháng chỉ có một hoặc một vài vật chứng, tài sản phải tiêu hủy (ví dụ: 01 bì niêm phong về ma túy) mà phải thành lập một Hội đồng tiêu hủy vật chứng thì rất tốn kém về thời gian, kinh phí, nhân lực. Do vậy nếu quy định tiêu hủy vật chứng theo quý hoặc quy định về số lượng vật chứng, tài sản nhất định cho một lần tiêu hủy thì sẽ phù hợp hơn. Đề nghị giải thích?
Câu 71: Hiện nay trên địa bàn một số tỉnh biên giới đang giải quyết một số trường hợp quyết định của bản án tuyên trả lại tài sản cho người nước ngoài (Trung Quốc) các đối tượng này sau khi thi hành phạt tù xong trở về nước, tài sản bản án tuyên trả cho đương sự như xe máy, đồng hồ, điện thoại … khoản 2, Điều 126 Luật thi hành án dân sự quy định: “…Hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng…”. Như vậy, phải nhận được thông báo mà không đến nhận tài sản theo Luật THADS quy định mới được xử lý, các trường hợp đã làm thông báo theo đường ngoại giao nhưng vẫn không biết họ có nhận được hay không và không thấy họ đến nhận tài sản thì giải quyết thế nào? Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về trả lại tài sản tạm giữ của người nước ngoài, nếu cứ để kéo dài tồn đọng, tài sản sẽ bị hư hỏng mất giá trị sử dụng gây lãng phí?
Câu 72: Bản án Tòa án tuyên trả lại những tang vật có giá trị tài sản thấp (Chậu nhôm đã qua sử dụng bị méo mó, con dao hoặc những vật dụng có giá trị thấp, đã qua sử dụng, thậm chí không còn giá trị sử dụng) để trả lại cho đương sự . Có rất nhiều trường hợp đương sự được trả lại số tiền có giá trị nhỏ (chỉ từ 100.000đ đến 200.000đ) sau khi cơ quan THADS đã thông báo nhưng đương sự không đến nhận cũng không có lý do chính đáng hoặc đường xá đi lại khó khăn, số tiền được trả lại nhỏ không đủ chi phí đi lại thường gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong trường hợp người được thi hành án ở xav.v. nếu cơ quan thi hành án dân sự không trả được sẽ dẫn đến số việc bị tồn đọng ảnh hưởng đến chỉ tiêu giải quyết việc THA. Do vậy cần thiết phải có quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được thông báo nếu người được thi hành án không đến nhận lại tài sản và không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS tịch thu tiêu hủy?
Câu 73: Có nhiều trường hợp người phải thi hành án phải thi hành khoản án phí và được nhận lại tài sản là giấy tờ (như chứng minh nhân dân, điện thoại di động…), nhưng do người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù, thân nhân của họ tự nguyện đến nộp tiền thay và đề nghị được nhận lại giấy tờ, tài sản đó. Để có được giấy ủy quyền để trả tài sản cho người nhận ủy quyền rất khó khăn. Trường hợp này hiện nay có 2 quan điểm:
– Quan điểm của cơ quan Thi hành án dân sự: Sau khi kiểm tra căn cước, giấy tờ tùy thân, đối chiếu với phần lý lịch ghi trong bản án, nếu đúng là thân nhân của người phải thi hành án thì tiến hành thu tiền và làm thủ tục trả giấy tờ, tài sản được nhận lại cho gia đình (vận dụng) để giải quyết các vụ việc tồn đọng.
– Quan điểm của Viện kiểm sát: Việc trả lại giấy tờ, tài sản đó phải được trả trực tiếp cho người phải thi hành án, trường hợp trả cho thân nhân nhận thay thì phải có giấy ủy quyền của người phải thi hành án theo quy định. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 74: Cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khoản 3 Điều 67; khoản 5 Điều 68; khoản 4 Điều 69 khi thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 130 Luật THADS năm 2014?
Câu 75: Trong thời gian vừa qua có một số đơn vị lúng túng khi nhận được quyết định giám đốc thẩm có nội dung sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực đang thi hành án. Vấn đề đặt ra là việc ban hành quyết định thi hành án tiếp theo như thế nào, thu hồi quyết định THADS trước đó để ban hành quyết định THA mới theo nội dung của quyết định giám đốc thẩm; hay chỉ ra quyết định sửa đổi bổ sung quyết định thi hành án trước đó. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 76: Điểm b, khoản 2 Điều 170 Luật THADS quy định thời hạn trả lời kiến nghị của cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định về việc hết thời hạn trả lời kiến nghị mà cơ quan có thẩm quyền cũng không có văn bản trả lời thì việc thi hành án giải quyết như thế nào?
Câu 77: Luật thi hành án dân sự đã quy định trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, Bảo hiểm xã hội, cơ quan Đăng lý tài sản, giao dịch bảo đảm trong thi hành án dân sự tại các Điều 176, 177 và 178, không cung cấp thông tin, tuy nhiên lại chưa quy định về chế tài, biện pháp xử lý nếu họ không thực hiện trách nhiệm đó. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 78: Khoản 2, Điều 179 Luật THADS năm 2014 quy định về trách nhiệm của cơ quan ra Bản án, quyết định trong thi hành án: “…2. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu ”
Theo quy định thời hạn tối đa Tòa án phải giải thích, đính chính bản án, quyết định là 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan THADS. Tuy nhiên, thực tế hết thời hạn quy định một số Tòa án cấp huyện vẫn không có văn bản giải thích, đính chính bản án, quyết định nên vụ việc vẫn chưa giải quyết được. Hiện nay chưa có quy định của pháp luật về việc giải quyết tiếp đối với những vụ việc này như thế nào nếu không nhận được văn bản trả lời của Tòa án?
Câu 79: Điều 179 Luật THADS năm 2014 và điều 9 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định về giải thích bản án thì những trường hợp phát hiện bản án sai lỗi chính tả, số liệu có nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì Tòa án ra văn bản giải thích. Quy định bất cập này dẫn đến việc khi sửa chữa, bổ sung bản án, Tòa án cũng chỉ ban hành công văn mà không ban hành quyết định sửa chữa bổ sung theo quy định tại Điều 268 và Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì Tòa án đã ra bản án phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án. (Thực tế tại địa phương đã xảy ra trường hợp Tòa án chỉ ban hành công văn mà không ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án). Do đó, kiến nghị cần sửa chữa điều 9 Thông tư liên tịch số 11 cho phù hợp với quy định tại Điều 268 và Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 80: Công tác tổ chức cưỡng chế thi hành án phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan Công an, sau khi nhận được quyết định và kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, ngành Công an tiến hành nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế và phải báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, khi có ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh thì công việc mới được triển khai. Trong Luật không quy định cụ thể trách nhiệm của Cơ quan Công an trong việc phối hợp này, chính vì vậy mà nhiều vụ việc chậm được tổ chức cưỡng, hoặc cơ quan Công an không phối hợp với Cơ quan THADS gây bất bình đối với đương sự và khó khăn cho công tác của cơ quan Thi hành án dân sự. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 81: Hiện nay, ở địa phương có một số việc người phải THA có tài sản là quyền sử dụng đất, có nhà ở và vật kiến trúc trên đất ở, nhưng Chấp hành viên không thể kê biên vì không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hoặc trường hợp người phải THA có nhà ở nhưng nằm trên đất thuộc quyền sở hữu của người khác. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 82: Vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc kê biên tài sản của Công ty, Doanh nghiệp, tài sản đã thế chấp với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng, cụ thể:
– Các tổ chức tín dụng Ngân hàng không quản lý được tài sản đã thế chấp của các Công ty, Doanh nghiệp dẫn đến việc thất thoát, hư hỏng, tẩu tán…. đến giai đoạn tổ chức thi hành án thì không còn tài sản để thực hiện việc kê biên như các loại ô tô, máy xúc, máy ủi…
– Rất khó bán tài sản là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm, vì sau khi bán tài sản, người trúng đấu giá khó làm thủ tục thuê lại đất. Hiện nay, Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể đối với các Công ty, Doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành án dân sự. Việc thu hồi đất thuê của nhà nước để ký thuê cho người mua được tài sản bán đấu giá thành là rất khó khăn chưa có quy định cụ thể. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 83: Luật THADS năm 2014 chỉ quy định trường hợp “tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án” mà không quy định trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng chưa thể kê biên, xử lý được thì xếp vào loại nào. Thực tế có rất nhiều trường hợp bản án tuyên kê biên, xử lý tài sản thế chấp là động sản, như ô tô, máy móc thiết bị sản xuất… do người phải thi hành án đứng tên nhưng quá trình thi hành án do đương sự cố tính che dấu nên không xác định được tài sản đang ở đâu, dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc. Trường hợp này, Chấp hành viên có căn cứ ban hành quyết định kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, tuy nhiên do chưa xác định được tài sản đang ở đâu nên không thể tiến hành kê biên, xử lý. Đề nghị cần bổ sung trong Luật hoặc Nghị định, Thông tư.
Câu 84: Điểm a, khoản 1 Điều 48 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản quy định Kết quả bán đấu giá tài sản đối với tài sản thi hành án bị hủy trong do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thì còn phải có thỏa thuận của người phải thi hành án. Vấn đề thực tế hiện nay đặt ra, trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ số tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng sau đó không muốn nhận tài sản và muốn thỏa thuận để hủy kết quả đấu giá tài sản; khi giải quyết các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, người phải thi hành án, người có tài sản bán đấu giá cố tình trốn tránh không phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, nên rất khó giải quyết dứt điểm. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 85: Khoản 5, 6 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định những trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA, sau 02 lần xác minh vẫn chưa có điều kiện thi hành thì Cơ quan THADS chuyển những người đó sang sổ theo dõi riêng. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA. Theo đó, việc xác minh lại khi có “thông tin mới” về điều kiện của người phải THA sẽ dẫn đến việc Chấp hành viên đưa ra lý do “không có thông tin mới” nên không tiến hành việc xác minh, đôn đốc để giải quyết vụ việc dẫn đến vụ việc bị tồn đọng kéo dài. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể về thời hạn biện pháp đối với trường hợp trên?
Câu 86: Khoản 2 Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự”.
Trên thực tế hiện nay, rất nhiều vụ việc, nhất là các việc liên quan đến hoàn dự phí sau ly hôn; để tiện cho việc liên hệ sau này, Chi cục đã lấy số điện thoại của các đương sự, khi có quyết định thi hành án, bên cạnh việc gửi thông báo nhận tiền, tài sản cho họ qua bưu điện, Chấp hành viên thông báo cho họ qua điện thoại, nhiều trường hợp họ yêu cầu gửi tiền hoàn dự phí cho họ vào tài khoản; việc này không thể ghi vào biên bản để lưu hồ sơ thi hành án, do đó khi kiểm tra hồ sơ thi hành án không được chấp nhận là đương sự có yêu cầu. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 87: Trường hợp một bản án có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau theo nghĩa vụ riêng của từng người và có khoản chủ động thi hành chung như xử lý vật chứng, tịch thu tiền, tài sản là vật chứng đã thu trước khi xét xử. Theo hướng dẫn trên thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải chủ động ra riêng từng quyết định THA đối với phần nghĩa vụ THA của từng người phải THA như tiền án phí, tiền phạt, tiền truy thu …, nhưng phần chủ động THA đối với việc xử lý vật chứng, tịch thu tiền, tài sản là vật chứng chung của vụ án đã thu trước đó thì đưa ra thi hành thế nào? Có ra chung cùng một trong các quyết định THA trên được không?
Câu 88:Khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định…”
Như vậy, nhiều trường hợp việc ra một Quyết định THA chủ động chung cả nộp án phí và hoàn trả tạm ứng án phí hoặc nộp án phí và xử lý vật chứng là chưa cụ thể, nhiều trường hợp khó theo dõi, quản lý trong việc tổ chức thi hành. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 89:Việc Chấp hành viên phân chia tài sản chung của hộ gia đình, theo Luật mọi văn bản liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự (người được thi hành án và người phải thi hành án), nhưng theo Nghị định thì Chấp hành viên không thông báo kết quả xác đinh, phân chia tài sản chung của hộ gia đình cho người được thi hành án, mà chỉ thông báo cho các thành viên trong hộ gia đình biết. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 90: Trường hợp cơ quan THADS nhận tiền bán tài sản do Trung tâm bán đấu giá tài sản chuyển theo hợp đồng bán đấu giá tài sản giữa cơ quan THA và Trung tâm bán đấu giá tài sản. Do Tòa án thụ lý việc giải quyết tranh chấp giữa người phải thi hành án với Trung tâm bán đấu giá, cơ quan THA ra quyết định hoãn thi hành án và gửi tiết kiệm số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản (do Trung tâm bán đấu giá chuyển) vào Ngân hàng. Số tiền lãi suất này xử lý thế nào đến nay chưa có văn bản, hướng dẫn. Đề nghị liên ngành Trung ương có văn bản giải thích hướng dẫn thực hiện?
Câu 91:Theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 quy định việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án, nhưng theo điểm c, khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì Chấp hành viên tự phân chia tài sản chung của hộ gia đình. Hai điểm này có mâu thuẫn với nhau. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 92: Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định 07 trường hợp không phải chịu phí thi hành án, tuy nhiên tại Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC có nêu lại 07 trường hợp như Điều 47 Nghị định 62/2015//NĐ-CP và thêm 01 trường hợp thứ 08 là “Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự”.
Điều 60 Luật THADS có quy định giao cho Chính Phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng về phí thi hành án dân sự; khoản 5, Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định “Thủ tục thu, nộp, miễn, giảm, quản lý, sử dụng phí thi hành án do Bộ Tài chính và Bộ tư pháp quy định”; khoản 1, Điều 1 Thông tư số 216 quy định “Thông tư này quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự”.
Như vậy, với việc nêu lại những trường hợp không phải chịu phí thi hành án đã được quy định tại Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP là không cần thiết và việc quy định thêm một trường hợp “Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45- Luật thi hành án dân sự” không phải chịu phí thi hành án là không đúng thẩm quyền và trái với Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 93: Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự đến nhận tiền và tài sản. Tuy nhiên thực tế việc ra thông báo trong một số trường hợp là thủ tục không cần thiết. Như trường hợp đương sự đến Tòa án giải quyết việc ly hôn. Do đương sự ở xa, đường xá đi lại khó khăn nên sau khi giải quyết ở Tòa án (trường hợp Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự) sau đó chỉ dẫn cho đương sự sang Cơ quan THADS để nhận lại tiền tạm ứng án phí, đồng thời Tòa án chuyển Quyết định sang Cơ quan THADS để ra quyết định thi hành. Đối với những trường hợp trên, Cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án chủ động và trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự (khi trả lại tiền Chấp hành viên đã phô tô lại giấy chứng minh của đương sự) mà không ra thông báo đương sự đến nhận tiền nữa.
Như vậy, việc Cơ quan THADS không ra thông báo cho đương sự đến nhận tiền trong một số trường hợp (cụ thể như trên) có coi là vi phạm hay không, việc xử lý vi phạm này như thế nào?
Câu 94: Qua công tác kiểm sát THADS thấy các trường hợp giao tài sản cho người trúng đấu giá của các đơn vị THADS thường các Chấp hành viên sau khi có kết quả bán đấu giá thành thì chỉ ban hành công văn dạng Thông báo kết quả bán đấu giá và ấn định thời gian giao tài sản, hết thời hạn như đã được thông báo người phải thi hành án (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) không thực hiện việc giao tài sản thì Chấp hành viên ra luôn quyết định cưỡng chế giao tài sản đấu giá cho người mua trúng đấu giá thành. Vậy, có phải ban hành quyết định giao tài sản cho người trúng đấu giá trong mọi trường hợp kể cả trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá?
Câu 95: Trường hợp đất đã chuyển nhượng cho người khác từ trước khi có bản án, nhưng người mua mới chỉ làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng, nhưng chưa làm thủ tục chuyển sang cơ quan đăng ký có thẩm quyền và người mua đất đã xây dựng nhà ở kiên cố. Khi Cơ quan thi hành án yêu cầu Cơ quan đăng ký cung cấp thông tin đất thì đất vẫn đứng tên người phải thi hành án. Khi tiến hành cưỡng chế đất gặp khó khăn là trên đất đã có nhà của người khác mua bán đất đúng quy định của pháp luật. Nếu cưỡng chế đất thì giải quyết nhà đất đã xây thế nào?
Câu 96: Đối với những việc tiếp nhận ủy thác thi hành án, nhiều Viện kiểm sát nơi ủy thác không ra thông báo, không gửi bản án để Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác biết để tiến hành kiểm sát theo quy định, nên nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự không thông báo, không ra quyết định thi hành án với những trường hợp này thì VKS nơi nhận ủy thác không biết để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định. Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Câu 97: Hiện nay, tiền do Trại giam thu của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp chuyển về cho Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tồn nhiều năm, nguyên nhân do Trại giam, Trại tạm giam khi thu được vừa phải mất công đi nộp, vừa phải mất chi phí, phí chuyển tiền cho cơ quan THADS, nay chưa có hướng xử lý triệt để. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 98: Trường hợp người được thi hành án rút đơn yêu cầu thi hành án sau khi đã cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án, và đã qua nhiều lần giảm giá:
Hiện nay có rất nhiều trường hợp, sau khi Cơ quan thi hành án dân sự đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên, thực hiện việc cưỡng chế kê biên, tổ chức thẩm định giá và bán đấu giá tài sản. Qua nhiều lần bán đấu giá không thành, Cơ quan thi hành án đã ra Quyết định giảm giá tài sản bán đấu giá đến lần thứ 6 thì người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án và chấp nhận nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự: “5. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận”
Đối với trường hợp này, hồ sơ thể hiện người được thi hành án không nhận tài sản hoặc tiền của người phải thi hành án, mà có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án. Do đó, Cơ quan thi hành án không có cơ sở để thu phí thi hành án đối với người được thi hành án. Người phải thi hành án và người được thi hành án đã có những thỏa thuận để trốn tránh nghĩa vụ nộp phí thi hành án.
Do đó với quy định tại Thông tư 216/2016/TT-BTC như trên đã tạo ra lỗ hổng để đương sự lách luật, gây thiệt hại cho Nhà nước, không thu được phí THADS. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 99: Khoản 5, Điều 61 Luật THADS năm 2014 quy định: “…Quyết định THA lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ THA”.
Vậy Quyết định THA lần đầu trong trường hợp ủy thác là quyết định của cơ quan ủy thác, hay của cơ quan nhận ủy thác?
Câu 100: Việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng mà tài sản thế chấp là tài sản hộ gia đình. Nhiều trường hợp thế chấp tài sản để vay vốn tại Ngân hàng không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết. Tại giai đoạn Tòa án giải quyết, Tòa quyết định người phải trả nợ không trả được nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự THADS xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Giai đoạn, Cơ quan THADS cưỡng chế kê biên tài sản thì phát hiện tài sản thế chấp là tài sản hộ gia đình, nhưng khi thế chấp chỉ có bố, mẹ đứng ra ký hợp đồng thế chấp mà không có sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình.
Cơ quan THADS đã có công văn yêu cầu Tòa án giải thích, đính chính nhưng Tòa án trả lời không thể giải thích, đính chính được. Cơ quan THADS đã có kiến nghị gửi Tòa án nhân dân cấp cao nhưng việc giải quyết kiến nghị của Tòa án cấp cao kéo dài. Dẫn đến quá trình thi hành án cũng ảnh hưởng theo, không kết thúc được mà cũng không có căn cứ để hoãn thi hành án, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết thi hành án của Cơ quan THADS. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 101: Cơ quan THADS vướng mắc khi lập hồ sơ yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp trong quá trình xử lý vụ việc phải dịch các văn bản có liên quan đến tài liệu uỷ thác tư pháp từ ngôn ngữ Việt nam ra ngôn ngữ nước ngoài. Hiện nay Luật thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Thông tư và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể tài liệu uỷ thác tư pháp được thuê cơ quan tổ chức, hay cá nhân dịch thuật và tính pháp lý của văn bản dịch.
Trên thực tế hiện nay, người phải thi hành án là người nước ngoài, địa chỉ cư trú đã được ghi cụ thể trong bản án, họ đã chấp hành xong hình phạt tù và đã hồi hương về nước. Tuy nhiên việc xác minh về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án ở nước ngoài hiện nay cơ quan thi hành án dân sự không thể thực hiện được, do đó không có cơ sở để hoãn thi hành án theo Điều 48 và cũng không có đủ căn cứ để đình chỉ thi hành án theo Điều 50 của Luật thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự đã có công văn gửi vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp về tương trợ tư pháp nhưng không có kết quả trả lời, dẫn đến việc thi hành án không được giải quyết, tồn đọng kéo dài nhiều năm. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 102: Người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù không có tài sản là động sản hoặc thu nhập thấp mà tài sản duy nhất có giá trị để thi hành án là khối tài sản chung vợ chồng, tài sản chung trong hộ gia đình chưa được phân chia… nhưng giá trị tài sản rất lớn, không tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành là các khoản án phí HSST, DSST, tiền phạt, tịch thu, truy thu sung CQNN… (từ 3.000.000đ đến dưới 20.000.000đ). Số việc này cơ bản là các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, không có nghề nghiệp, nhiều trường hợp người phải thi hành án đã chết, tài sản đang do vợ, chồng hoặc thân nhân quản lý, sử dụng. Mặc dù đã tuyên truyền, vận động, đôn đốc nhiều năm nhưng đối tượng không có điều kiện thi hành các nghĩa vụ thi hành án, một số trường hợp đã ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung trong hộ gia đình là nhà, đất nhưng không thực hiện được vì không được sự đồng ý của người đang quản lý, sử dụng tài sản. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 103: Vướng mắc về khoản 1, Điều 11 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT trong việc yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới trong bản án đã xác định rõ phần nghĩa vụ của họ khó thực thi trong thực tiễn. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 104: Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 20/7/2013 của Chính phủ quy định về việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng (sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành khèm theo Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 18/12/2002 của Chính phủ) quy định đối với vật chứng đặc thù như tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá qúy, chất cháy, chất nổ, vũ khí, chất phóng xạ, thuốc bảo vệ thực vật, mẫu máu … cần có điều kiện bảo quản đặc biệt. Điều này là khó thực hiện được vì các cơ quan chuyên môn như quân sự, kho bạc, cơ sở y tế, nông nghiệp… ở một số địa phương từ chối tiếp nhận. Nhất là các vật chứng như mẫu máu, vũ khí, chất nổ, chất độc… Nếu bảo quản ở kho vật chứng của cơ quan THADS sẽ không đảm bảo, có thể gây mất an toàn vì không có chuyên môn và không có nơi bảo quản riêng biệt. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 105: Số tiền và tài sản (tiền tạm ứng án phí, lệ phí, tiền tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, vật chứng …) thu trong quá trình điều tra, trước khi giải quyết giải quyết vụ việc…của nhiều Chi cục THADS cấp huyện và Cục THADS cấp tỉnh còn tồn từ năm 1993 đến nay với số vụ việc, số tiền và tài sản rất lớn (tài khoản 336). Qua kiểm tra đối chiếu giữa cơ quan THADS và Tòa án thấy có nhiều vụ việc Tòa án đã chuyển vụ việc đến cơ quan khác để giải quyết theo thẩm quyền, nhiều vụ, việc Tòa thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, sau khi đương sự nộp tiền tại cơ quan THADS không đến Tòa làm thủ tục để thụ lý giải quyết (những vụ ly hôn, tranh chấp nhỏ…), vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc do cơ quan Điều tra, VKS đình chỉ… Có vụ việc đương sự đề nghị cơ quan THADS, VKS giải quyết nhưng chưa được giải quyết … Dẫn đến tồn đọng nhiều tiền và tài sản, một số trường hợp đương sự đề nghị nhiều nhưng không được giải quyết ảnh hưởng đến quyền lợi ích của công dân. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 106:Khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: “1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật…..thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án…” Pháp luật quy định, cho phép Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản để THA trong trường hợp đương sự tẩu tán nhưng thực tiễn cơ quan THADS rất khó thực hiện với các lý do: án có hiệu lực nhưng người được THA chưa làm đơn yêu cầu ngay nên chưa phát sinh trách nhiệm của cơ quan THADS, việc chuyển đổi tặng cho diễn ra không bị phát hiện, không kịp thời ngăn chặn để sau này khó thi hành và có khiếu kiện. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 107: Khó khăn trường hợp kê biên tài sản của người phải thi hành án được miễn thuế: Thuế sử dụng đất dưới 70 năm và thuế được giảm do đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn để bán đấu giá, sau đó tài sản bán đấu giá thành. Tuy nhiên, cơ quan thuế lại yêu cầu truy thu số tiền thuế mà người phải thi hành án được miễn, mà số tiền thuế truy thu lớn hơn số tiền bán đấu giá nên số tiền thu được từ việc bán đấu giá thành không đủ để nộp tiền thuế, và do đó cũng không còn để thanh toán cho người được thi hành án. Cụ thể là vụ Công ty TNHH đầu tư An Phú Hưng (địa chỉ: Khu dân cư Hạnh Thông Tây, phường 11, Gò Vấp, TP HCM): số tiền thu được sau khi bán đấu giá tài sản thành là 1.314.938.000 đồng, Cục thuế Đắk Nông yêu cầu truy thu số tiền sử dụng đất được miễn giảm là 1.569.601.000 đồng. Vì vậy Chi cục thi hành dân sự huyện Đắk R’Lấp chưa có cơ sở chi trả số tiền trên theo Điều 47 luật THADS mà phải chờ sau khi nhận được phản hồi của Bộ Tài chính, Cục thuế. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 108: Lượng án tồn nhiều do Bản án xác định hộ khẩu thường trú của người phải thi hành khoản án phí hình sự, nghĩa vụ dân sự trong hình sự không chính xác:
Lượng án chưa có điều kiện tồn rất nhiều vì lý do không xác định được địa chỉ của người phải thi hành án. Cụ thể, tại bản án của Tòa án nhân dân tỉnh A xác định người phải thi hành khoản án phí hình sự và nghĩa vụ dân sự trong hình sự có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai. Nên khi Cơ quan thi hành án tỉnh A tổ chức thi hành đã căn cứ Bản án và ủy thác thi hành án đến Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai. Khi nhận ủy thác, Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai đã tổ chức xác minh xác định người đó không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại địa chỉ được ủy thác đến. Do đó, Cơ quan THADS tỉnh Gia Lai đã đưa việc thi hành án trên vào việc chưa có điều kiện thi hành án. Việc xác định việc chưa có điều kiện thi hành án trong khi người phải thi hành án không có hộ khẩu thường trú, không tạm trú và không có tài sản trên địa bàn tỉnh đã tạo ra một lượng án chưa có điều kiện thi hành án ảo kéo dài, không thi hành được.
Bản án trên lại do Tòa án tỉnh khác tuyên xử nên trong phạm vi, chức năng của VKS nơi nhận ủy thác không thể thực hiện việc kiến nghị được.
Do đó, đề nghị Vụ 11-VKSNDTC xem xét có hướng dẫn cụ thể đối với những việc THADS như trên?
Câu 109: Khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong đó có việc xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong Quy chế số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20 tháng 12 năm 2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về công tác kiểm sát THADS, HC lại không quy định cụ thể về vấn đề này trong phần phương thức kiểm sát (trong Quy chế 255/2013 có quy định nhưng không cụ thể).
Ngoài ra, hàng năm số lượng vụ việc thụ lý về thi hành án dân sự ngày càng tăng, tính chất vụ viêc có chiều hướng phức tạp hơn, trong khi cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác, đôi khi không theo sát được một số hoạt động của Chi cục thi hành án.
– Theo Chương trình công tác và Hướng dẫn hàng năm thì đều đưa ra chỉ tiêu kiểm sát 100% quyết định về thi hành án. Nhưng các quy định hướng dẫn về việc kiểm sát các quyết định về thi hành án dân sự lại chưa cụ thể dẫn đến việc khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hình thức kiểm sát các quyết định về thi hành án là gì? Có cần phải lập phiếu kiểm sát hay không? Hiện nay, nhiều Viện KSND các cấp mới chỉ hướng dẫn lập phiếu kiểm sát đối với một số quyết định, có những quyết định không có mẫu nên việc lập phiếu kiểm sát đối với tất cả các quyết định về thi hành án gặp rất nhiều khó khăn. Viện KSND tối cao cũng không có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, mẫu phiếu kiểm sát được ban hành kèm theo Quyết định số 1049 ngày 11 tháng 11 năm 2015 cũng chỉ yêu cầu áp dụng đối với từng hồ sơ thi hành án cụ thể. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể về những loại quyết định về thi hành án nào cần lập phiếu kiểm sát để Viện kiểm sát cấp dưới thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
– Việc thi hành án tín dụng ngân hàng hiện nay rất nhiều tài sản bảo đảm tính thanh khoản rất thấp, giao dịch không có người mua. Nhiều bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành. Đề nghị hướng dẫn?
Câu 110: Trong công tác báo cáo tháng, quý: Thời điểm tiến hành lấy số liệu tháng, 06 tháng giữa hai ngành lệch nhau về thời gian kết thúc nên gây khó khăn trong việc thống nhất về số liệu. Mỗi khi cần số liệu về thi hành án dân sự để tham khảo xây dựng báo cáo, Viện kiểm sát phải liên hệ với Chi cục Thi hành án dân sự để nắm số liệu rất bất tiện. Nếu quan hệ tốt thì cơ quan Thi hành án dân sự cung cấp còn không thì họ từ chối hoặc gây khó khăn.
Câu 111: Thực hiện chủ trương tinh giảm những thủ tục, công việc hành chính không thật sự cần thiết: Đề nghị với Vụ 11 khi yêu cầu Viện kiểm sát địa phương báo cáo theo chuyên đề mà có yêu cầu cung cấp tài liệu có liên quan như văn bản kháng nghị, kiến nghị…thì không yêu cầu Viện kiểm sát địa phương phải gửi lại các văn bản mà Viện kiểm sát địa phương đã gửi cho cấp trên để thay báo cáo tại thời điểm ban hành báo cáo theo quy định?
Câu 112: Việc thực hiện chỉ tiêu kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính do VKSTC quy định: theo đó có chỉ tiêu kháng nghị, kiến nghị. Tuy nhiên, theo quy định của Luật TCVKSND, Luật THADS khi kiểm sát thi hành án dân sự VKSND ngoài nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị, kháng nghị còn có quyền “Yêu cầu”, như: Yêu cầu Tòa án chuyển giao bản án, quyết định, yêu cầu ra quyết định về thi hành án, yêu cầu gửi quyết định về thi hành án, yêu cầu thi hành đúng bản án quyết định… Để ban hành được “Yêu cầu” đối với Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, Kiểm sát viên phải theo dõi, nghiên cứu, kiểm sát chặt chẽ quy trình, hoạt động thi hành án, nhưng không được tính trong chỉ tiêu kết quả kiểm sát thi hành án dân sự.
TRA CỨU TOÀN VĂN TÀI LIỆU TẠI ĐÂY
SOURCE: TÀI LIỆU TẬP HUẤN CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Trích dẫn từ: Cổng Thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – VKSNDTC.GOV.VN
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.