TỘI LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ (ĐIỀU 97)
Làm chết người trong khi thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp được pháp luật cho phép trong khi thi hành công vụ dẫn đến chết người
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
- Đối với người phạm tội
Người phạm tội (chủ thể) phải là người đang thi hành một công vụ (nhiệm vụ công). Công vụ này có thể là đương nhiên do nghề nghiệp hoặc do công tác quy định như: cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, hải quan, bảo vệ v.v…
Ngoài ra, cũng có thể được coi là chủ thể của tội phạm này nếu những người tuy không có nhiệm vụ, nhưng đã tham gia đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước hoặc lợi ích hợp pháp của công dân. Ví dụ: T là giáo viên, trên đường đến trường dạy học, thì gặp một tổ bảo vệ đang đuổi bắt một kẻ trộm. Người tổ trưởng đưa cho T khẩu súng CKC đã lắp đạn sẵn vì biết T đã có một thời gian phục vụ trong quân đội. Nhận được súng, T nhằm vào kẻ trộm bắn liền hai phát, trong khi chưa hô đứng lại, chưa bắn cảnh cáo làm tên trộm chết tại chỗ.
Khi xác định tư cách chủ thể của tội phạm này, phải gắn liền hành vi xâm phạm tính mạng của người phạm tội với nhiệm vụ mà họ được giao. Toàn bộ hành vi phạm tội và những yếu tố khác của tội phạm này đều liên quan đến tư cách chủ thể.
Hành vi dùng vũ lực xâm phạm tính mạng của người khác trước hết là hành vi sử dụng vũ khí ngoài các trường hợp pháp luật cho phép.
Vũ khí, theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ) bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn và vũ khí thô sơ.
Vũ khí quân dụng là các loại súng trường, súng ngắn, súng liên thanh; cá loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ, các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng – an ninh.
Vũ khí thể thao là các laoij súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.
Vũ khí thô sơ là dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ quy định.
Người sử dụng các loại vũ khí thuộc loại phải có giấy phép sử dụng hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao cho sử dụng mà xâm phạm tính mạng, sức khoẻ người khác trong khi thi hành công vụ mới thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự. Nếu việc sử dụng là trái phép thì không được coi là phạm tội do thi hành công vụ. Ví dụ: Một người nhặt được một quả lựu đạn, nhưng không nộp cho cơ quan nhà nước. Ban đêm nghe mọi người hô bắt trộm, người này đã lấy lựu đạn cùng mọi người đuổi kẻ trộm rồi rút chốt lựu đạn ném về phía kẻ trộm. Lựu đạn nổ làm kẻ trộm chết và một số người bị thương.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người không được giao vũ khí và cũng không có quyền sử dụng vũ khí, nhưng trong lúc làm nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể buộc họ phải sử dụng vũ khí thì thực tiễn xét xử cũng chấp nhận họ phạm tội trong khi thi hành công vụ. Ví dụ: N và C là anh em ruột, C là sĩ quan quân đội về nghỉ phép có mang khẩu súng K54. Vào đêm giao thừa, N đem 20 triệu đến xã bên trả nợ. N rủ C cùng đi vì sợ cướp mà C là người có súng. Khi ra khỏi nhà 100 m thì gặp bạn của C đến chơi. C bảo N đi một mình còn C quay về tiếp bạn. Thấy vậy N hỏi C cho mượn súng để phòng thân. C chàn chừ giây lát nhưng vẫn lấy súng cho N mượn vì C biết N đã từng chiến đấu ở chiến trường và cũng là sĩ quan quân đội nay phục viên. Sau khi trả nợ xong, trên đường về nhà , N gặp tổ bảo vệ bắt được kẻ trộm đang đưa về Uỷ ban nhân dân xã để giải quyết; lợi dụng việc N nói chuyện với tổ bảo vệ, kẻ gian bỏ chạy. Thấy tổ bảo vệ không ai có súng, N liền rút súng cùng tổ bảo vệ đuổi theo kẻ trộm; khi tới gần N chưa bắn cảnh cáo mà chĩa thẳng súng vào kẻ gian bắn liền hai phát làm cho tên này chết tại chỗ.
Ngoài hành vi sử dụng vũ khí, còn có nhưng người không được giao vũ khí và trong khi thi hành công vụ họ cũng không sử dụng vũ khí mà chỉ sử dụng những công cụ cầm tay như gậy gộc, thậm chí chỉ dùng chân tay. Nhưng họ được giao nhiệm vụ hoặc tự nguyện tham gia cùng với người làm nhiệm vụ mà gây chết người, gây thương tích cho người khác thì cũng được coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ.
Người thi hành công vụ sử dụng vũ khí hoặc vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép thì mới là hành vi phạm tội. Nếu họ đã thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật vê việc sử dụng vũ khí trong khi làm nhiệm vụ mà vẫn gây chết người thì không phải là phạm tội.
Việc xác định thế nào là sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép căn cứ vào điểm 1 phần III nghị định số 94 HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Nội dung của nghị định này là:
Trong khi thi hành công vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, người dược giao sử dụng vụ khí chỉ được nổ súng vào các đối tượng sau:
Những kẻ đang dùng vũ lực gây bạo loạn, đang phá hoại, đang hành hung cán bộ, chiến sĩ bảo vệ, đang tấn công đối tượng hoặc mục tiêu bảo vệ. Những kẻ đang phá trại giam, cướp phạm nhân, những phạm nhân đang nổi loạn, cướp vũ khí, phá trại giam hoặc dùng vũ lực uy hiếp tính mạng các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, canh gác, dẫn giải tội phạm; những người phạm tội nguy hiểm đang bị giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang có lệnh bắt mà chạy trốn. Những kẻ không tuân lệnh của cán bộ, chiến sĩ đang tiến hành nhiệm vụ tuần tra, canh gác, khám, lại lợi dụng vũ lực chống lại, uy hiếp nghiêm trong tính mạng cán bộ thừa hành nhiệm vụ hoặc tính mạng của nhân dân. Bọn lưu manh, côn đồ đang giết người, hiếp dâm, gay rối trật tự rất nghiêm trọng đang dùng vũ lực cướp phá tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản của công dân. Người điều khiển phương tiện không tuân lệnh, cố tình chạy trốn khi người kiểm soát phương tiện giao thông vận tải ra lệnh và đã biết rõ trên phương tiện có vũ khí hoặc tài liệu phản động, tài liệu bí mật quốc gia, có tài sản đặc biệt quý giá của Nhà nước; hoặc có bọn phạm tội, bọn lưu manh, côn đồ đang sử dụng phương tiện để bắt đối tượng.
Trước khi nổ súng bắn chết các đối tượng trên, người thi hành công vụ phải ra lệnh hoặc bắn cảnh cáo mà đối tượng không chấp hành, thì được coi là không có tội (trừ trường hợp bắn người điều khiển phương tiện). Ví dụ:
Khoảng 14 giờ ngày 16-10-1999 tổ tuần tra kiểm soát lâm sản Trộ Mợng thuộc Hạt kiểm lâm Phong Nha, do anh Hoàng Minh Huệ làm Trạm trưởng cùng các anh Lê Ngọc Thương, Vương Công Đến, Phạm Văn Sáu, Trần Xuân Viết, Trần Văn Trị đều là nhân viên hợp đồng, bảo vệ rừng đi tuần tra kiểm soát dọc sông Troóc. Khi đến bến đò ông Hành thuộc thôn Bàu Sen xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tổ tuần tra phát hiện 10 phiến gỗ Huê, đang nằm dưới nước; anh Hoàng Minh Huệ thông báo: “Ai là chủ gỗ thì đến nhận”. Nhưng không có ai đến nhận, nên anh Huệ cho số nhân viên cùng đi bốc 10 phiến gỗ lên thuyền chở về kho của trạm kiểm lâm Trộ Mợng.
Khoảng 16 giờ cùng ngày, trong lúc đang lập biên bản tạm giữ, thì Trần Văn Thắng ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, đi trên chiếc thuyền máy do Nguyễn Văn Thắng ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch điều khiển chạy đến Trạm kiểm lâm Trộ Mợng. Khi đến nơi, Trần Văn Thắng một tay cầm dao, một tay cầm que sắt, thấy anh Huệ đang đứng ở sân, Thắng chửi: “Đ. mẹ ! răng mi bắt gỗ tao”. Vừa chửi, Thắng vừa dùng dao chém vào đầu anh Huệ, anh Huệ đưa tay lên đỡ chúng vào phía ngoài cẳng tay phải, Thắng lại dùng que sắt đánh vào đầu, bả vai trái của anh Huệ. Vừa đánh, Thắng vừa đe doạ buộc số nhân viên kiểm lâm hợp đồng bảo vệ của trạm, bốc gỗ từ trong kho xuống thuyền, nếu không Thắng sẽ chém. Số nhân viên hợp đồng do sợ, đã cùng Nguyễn Văn Thắng bốc 10 phién gỗ Huê từ trong kho xuống bến đò cho Trần Văn Thắng. Lúc này anh Hoàng Minh Huệ đi đến cửa phòng ngủ, băng lại vết thương ở tay. Trần Văn Thắng chạy đến, dí mũi dao vào phía trên ngực trái của anh Huệ; anh Huệ vùng ra, đi xuống thuyền của trạm đậu ở dưới sông lấy khẩu súng AK số 0255 giấy phép sử dụng số 00090 cấp ngày 19/4/1999. Súng đã lắp sẵn hộp tiếp đạn; anh Huệ xách súng đi lên trạm, sát phía ngoài sân, kẹp súng vào giữa hai chân, dùng tay phải mở khoá an toàn lên đạn, kẹp súng vào nách phải, giơ súng lên trời bóp cò súng nổ 3 phát cảnh cáo, nhưng Trần Văn Thắng vẫn dùng que sắt đập phá tài sản trong Trạm. Thấy vậy, anh Huệ cầm súng đi đến cách Thắng khoảng 3m, yêu cầu Thắng bỏ dao, que sắt xuống, không được đập phá, chấm dứt việc cướp gỗ, nhưng Thắng không những không chấp hành, mà tiếp tục cầm dao đòi giết anh Huệ. Lúc này tay trái của anh Huệ đang bị thương, nên anh Huệ dùng tay phải kẹp súng vào nách hạ nòng súng hướng vào chân Thắng bóp cò, đạn nổ 3 phát, một viên trúng vào đầu gối chân phải của Thắng đạn hướng từ trước ra sau, còn 2 viên trúng vào vùng ngang lưng, đạn hướng từ sau ra trước . Sau 3 tiếng nổ thấy Thắng bị ngã xuống đất, anh Huệ gọi người đưa Thắng xuống bến thuyền đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, đến ngày 18/10/1999 Trần Văn Thắng chết.
Anh Hoàng Minh Huệ sau khi bị chém, bị đánh vào đầu vào cánh tay phải điều trị tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị, kết quả giám định anh Hoàng Minh Huệ có tỷ lệ thương tật là 4% tạm thời.
Việc anh Hoàng Minh Huệ nổ súng bắn chết Trần Văn Thắng được coi là không phạm tội, vì Thắng đang có hành vi dùng vũ lực uy hiếp cán bộ kiểm lâm trong đó có anh Huệ, buộc anh Huệ và các cán bộ kiểm lâm phải đẻ cho Thắng cướp đi những tấm gỗ Huê; anh Huệ đã bắn cảnh cáo và ra lệnh cho Thắng chấm dứt hành vi cướp phá tài sản và uy hiếp tính mạng sức khoẻ của chính bản thân anh Huệ và các cán bộ kiểm lâm, nhưng Thắng không tuân theo mà cong hung hăng hơn, buộc anh Huệ phải nổ súng bắn vào người Thắng để ngăn chặn.
Nếu chưa làm thủ tục mà bắn chết ngay đối tượng thì coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào, người thi hành công vụ cũng phải ra lệnh hoặc bắn cảnh cáo trước rồi mới được bắn vào đối tượng. Có những trường hợp đặc biệt, cấp bách không có biện pháp nào khác để ngăn chặn ngay đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc để thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mính, thì được nổ súng ngay vào đối tượng, nếu đối tượng bị chết cũng được coi là không phạm tội. Ví dụ: một nhân viên bảo vệ kho vật tư Nhà nước bị một số tên đang dùng súng uy hiếp thủ kho để cướp tài sản, người bảo vệ này đã bắn chết ngay tên có súng mà không cần phải ra lệnh hoặc bắn cảnh cáo trước.
Nghị định số 94/HĐBT ngày 2-7-1984 của Hội đồng Bộ trưởng chỉ hướng dẫn các trường hợp nổ súng của người đang thi hành công vụ, còn đối với các trường hợp sử dụng vũ khí khác hoặc dùng vũ lực lại phải căn cứ vào các Thông tư, Chỉ thị của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương như: Chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 của Toà án nhân dân tối cao; nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986, Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 và Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cùng với các báo cáo tổng kết hoặc sơ kết hàng năm về công tác xét xử đối với loại tội phạm này. Từ đó mà xác định tính trái pháp luật của việc sử dụng vũ khí hoặc vũ lực được chính xác hơn.
Người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác trong khi thi hành công vụ là do cố ý hoặc vô ý. Chính vì vậy, tội danh của tội này chỉ ghi “làm chết người”, mà không ghi giết người trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên trường hợp vô ý làm chết người trong khi thi hành công vụ chỉ xẩy ra trong trường hợp người bị chết không có hành vi xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ à họ chỉ là người đi cùng với người có hành vi xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ, người phạm tội không nhằm vào họ nhưng do dùng vũ lực với người có hành vi xâm phạm nên có thể gây ra cái chết cho người khác. Cũng chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng, nếu coi hành vi vô ý làm chết người trong khi thi hành công vụ cũng giống như hành vi cố ý gây chết người trong khi thi hành công vụ và cùng quy định trong một điều luật là không hợp lý, mà lẽ ra phải quy định thành hai tội: Tội “xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ” và tội “vô ý làm chết người trong khi thi hành công vụ” và hình phạt đối với tội vô ý làm chết người trong khi thi hành công vụ phải nhẹ hơn tội xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ.
- Về phía nạn nhân
Nạn nhân ( người bị hại ) là những người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích mà người phạm tội có nhiệm vụ bảo vệ. Hành vi xâm phạm đến các lợi ích đó phải là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: Một người vừa trộm cắp xe đạp đang chạy trốn; một lái xe chở hàng lậu không chịu dừng xe để kiểm tra; một người không chấp hành lệnh khám nhà, khám người, khám đồ vật của cơ quan điều tra v.v… Tuy nhiên, cũng có trường hợp nạn nhân không có hành vi trái pháp luật, nhưng họ bị chết hoặc bị thương là vì hành vi của người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích cần được bảo vệ. Ví dụ: một người đi nhờ xe chở hàng lậu, người lái xe đã cố tình không chấp hành lệnh kiểm tra mà lái xe chạy trốn, buộc người làm nhiệm vụ phải nổ súng buộc xe dừng lại, nhưng đạn trúng người đi nhờ xe làm người này bị chết.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Làm chết một người trong khi thi hành công vụ ( khoản 1 Điều 97)
Nếu người thi hành công vụ do sử dụng vũ khí hoặc vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép mà chỉ làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù là tội phạm nghiêm trọng . So với khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, do đó Toà án chỉ được áp dụng khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 , nếu hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 thì Toà án phải áp dụng khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 để xét xử đối với người phạm tội.
Nếu làm chết một người và còn làm bị thương một người hoặc làm bị thương nhiều người có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 107 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Trần văn T là đội viên đội tuần tra bảo vệ Cảng. Trong khi đi tuần tra, T phát hiện có hai thanh niên đang nấp sau một công-tơ-nơ hàng. T thấy vậy hô: “ai ! làm gì trong đó “. Hai thanh niên nghe tiếng hô liền bỏ chạy; T dùng súng được trang bị bắn về phía hai thanh niên khi chưa hô đứng lại, bắn cảnh cáo làm một người chết và một người bị thương với tỷ lệ thương tật 40%. Hành vi phạm tội của Trần Văn T bị tuy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội : tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự và tội gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự.
- Làm chết nhiều người trong khi thi hành công vụ ( khoản 2 Điều 97)
Làm chết nhiều người trong khi thi hành công vụ là trường hợp người thi hành công vụ do sử dụng vũ khí hoặc vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép mà làm chết hai người trở lên.
Nếu có nhiều người chết, nhưng chỉ có một người chết do hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ, còn những người khác không thuộc trường hợp trong khi thi hành công vụ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 97, còn đối với người khác bị chết tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà nnpt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng với hành vi gây chết người. Ví dụ: Trần Tuấn A là dân quân xã K được giao nhiệm vụ dẫn giải hai đối tượng là Hoàng N và Bùi Văn T bị bắt quả tang về tội trộm cắp tài sản về Công an huyện. Trên đường dẫn giải, N và T tìm cách bỏ trốn, nên A đã bắn chết N khi chưa làm đầy đủ thủ tục như hô đứng lại, bắn cảnh cáo. T thấy N bị bắn chết tại chỗ, nên sợ hãi quỳ xuống xin A tha cho, nhưng vì đang bực tức nên A đã dùng báng súng thúc nhiều cái vào bụng T làm cho T ngất xỉu, khi đưa vào bệnh viện cấp cứu thì T bị chết do vỡ lá lách. Hành vi phạm tội của Trần Tuấn A phạm hai tội : tội làm chết người ( chết N ) trong khi thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 97 và tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự.
Những người bị chết đều phải là những người do hành vi của một người trong khi thi hành công vụ gây ra. Nếu do hành vi của nhiều người trong khi thi hành công vụ và hành vi của mỗi người chỉ gây ra cái chết cho một người thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự .Ví dụ: Lê Tiến N và Phạm Bá H đều là đội viên đội chống buôn lậu, được giao nhiệm vụ tuần tra chặn bắt thuốc lá ngoại. Khi phát hiện có một ghe chở thuốc 555 ngoại qua trạm kiểm soát, N cầm một khẩu súng AR15, còn H cầm theo khẩu súng CKC và dùng xuồng máy đuổi theo ghe chở hàng lậu, khi gần tới nơi, N và H nổ súng về phía xuồng làm hai người chết. Sau khi sự việc xảy ra, xác định một người chết vì trúng đạn AR15 và một người chết vì trúng đạn CKC. Trong trường hợp này, cả N và H đều phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, nhưng mỗi người làm chết một người nên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự.
- Làm chết người trong khi thi hành công vụ trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác ( khoản 2 Điều 97)
Trong khi thi hành công vụ mà làm chết hai người tở lên là một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra có thể người phạm tội chỉ làm chết một người, nhưng lại gây ra hậu quả rất nghiêm trọng khác mà hậu quả đó không phải là dấu hiệu cấu thành các tội phạm khác hoặc tuy đã cấu thành tội phạm khác nhưng xem xét một cách toàn diện thì trường hợp phạm tội này phải coi là đặc biệt nghiêm trọng.
Việc đánh giá hành vi phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ như thế nào là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là một việc không dễ dàng, vì điều đó còn phụ thuộc vào vụ án cụ thể xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể, ở một địa phương cụ thể, không thể có một công thức chung cho tất cả các trường hợp phạm tội.
Tình tiết phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác được Quốc hội bổ sung Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 vào ngày 12-8-1991, từ đó đến nay chưa có cơ quan có thẩm quyền nào giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác và trong thực tiễn xét xử cũng chưa có Toà án nào áp dụng tình tiết này khi xét xử hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ. Nhưng không vì thế mà cho rằng, nhà làm luật quy định tình tiết này là không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn xét xử, vì về lý thuyết vẫn có thể có trường hợp trong khi thi hành công vụ người phạm tội chỉ làm chết một người nhưng còn gây những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác như: Do hành vi bắn chết người của một chiễn sỹ cảnh sát ngoài trường hợp pháp luật cho phép nên làm cho quần chúng nhân dân bất bình, lại bị kẻ xấu kích động nên đã tụ tập hàng nghìn người đưa xác nạn nhân đến trụ sở các cơ quan Đảng và Nhà nước biểu tình đòi máu phải trả máu gây mất trật tự công cộng nhiều giờ thậm chí nhiều ngày, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt chính trị xã hội…
ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ
Người phạm tội làm chết một người trong khi thi hành công vụ bị tuy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng. So với khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 thì trường hợp phạm tội này nặng hơn, do đó chỉ những người thực hiện hành vi từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị áp dụng khoản 1 Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử, còn hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 thì Toà án áp dụng khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội. Trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới hai năm tù, nhưng không được dưới 3 tháng tù hoặc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Người phạm tội làm chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác trong khi thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới bảy năm tù, nhưng không được dưới hai năm tù.
Người phạm tội làm chết người trong khi thi hành công vụ còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Việc xử lý hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ, phải xuất phát từ yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế thái độ hách dịch, bừa ẩu coi thường tính mạng nhân dân của một số cán bộ nhân viên nhà nước được giao vũ khí khi làm nhiệm vụ. Qua thực tiễn xét xử Toà án nhân dân tối cao đã đề ra đường lối xét xử đối với loại tội phạm này như sau:
Việc xét xử các hành vi này, ngoài việc trừng trị người phạm tội còn có một mục đích là nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của mọi công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước đồng thời chống mọi biểu hiện coi thường mệnh lệnh đúng đắn của người có chức vụ quyền hạn đang thi hành công vụ, phản ứng tiêu cực đối với những người đấu tranh ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm sự hoạt động đúng đán của người có chức vụ quyền hạn, nhưng chống thái độ hách dịch, coi thường quần chúng, tệ quan liêu mệnh lệnh, thậm chí coi thường tính mạng của người khác (Chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 của Toà án nhân dân tối cao).
PHÂN BIỆT VỚI MỘT SỐ TỘI PHẠM KHÁC
- Với tội giết người ở Điều 93 Bộ luật hình sự
Giữa hai tội này, dấu hiệu cơ bản để phân biệt là tư cách pháp lý của chủ thể tội phạm . Chỉ những người trong khi thi hành công vụ và vì nhiệm vụ được giao mà làm chết người thì mới thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 97 Bộ luật hình sự. Nếu lợi dụng nhiệm vụ được giao mà giết người thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 93 Bộ luật hình sự.
Trường hợp trong khi thi hành công vụ, nhưng không vì nhiệm vụ và việc làm chết người không liên quan gì đến nhiệm vụ đang thi hành thì cũng không coi là làm chết người trong khi thi hành công vụ . Ví dụ: Mọt tổng giám đốc liên hiệp các xí nghiệp chè được giao một khẩu súng K54 để phòng thân, vì sau ngày giải phóng miền Nam tình hình an ninh ở một số nơi còn phức tạp. Khi đi kiểm tra kỹ thuật trồng chè thấy trong khu vực trồng chè của nông trường có nhà dân ở, nên vị Tổng giám đốc này cho rằng, dân chiếm đất của nông trường, hai bên dẫn đến cãi nhau, vị Tỏng giám đốc bực tức đã nổ súng vào một người trong nhà.
Cũng không coi là làm chết người trong khi thi hành công vụ nếu như người đang có hành vi vi phạm pháp luật đã được ngăn chặn, nhưng vì lý do nào đó mà người thi hành công vụ lại làm họ chết. Ví dụ: Mọt nhân viên bảo vệ bắt được một người vào kho vật tư; người bảo vệ đã trói người bị tình nghi là trộm rồi dùng báng súng thúc và người buộc họ phải khai vào kho lấy gì; người này cố tình không khai, nên người bảo vệ bực tức đánh người này chết.
- Với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Nếu theo quy dịnh tại Điều 15 Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tội làm chết người trong khi thi hành công vụ chỉ là một dạng của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì, người phạm tội trong khi thi hành công vụ cũng do bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bỏa vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà gây thiệt hại đến tính mạng của người có hành vi xâm phạm. Luật hình sự của một số nước trên thế giới coi hành vi xâm phạm tính mạng của người khác trong khi thi hành công vụ là trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ví dụ: Điều 109 Bộ luật hình sự Liên bang Nga7. ở nước ta do yêu cầu của đấu tranh với những hành vi sử dụng vũ lực bừa ẩu của người thi hành công vụ nên quy định thành một tội riêng.
Tuy nhiên, theo Bộ luật hình sự nước ta, dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có những điểm khác nhau:
Người phạm tội trong khi thi hành công vụ trong một số trường hợp không có hành vi chống trả người có hành vi xâm phạm vì người bị hại không có hành vi tấn công mà chỉ bỏ chạy hoặc không có hành vi nào vi phạm pháp luật như trường hợp hành khách đi trên xe khách, đi trên tầu thuyền…, còn người phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhất thiết phải có hành vi chống trả lại hành vi xâm phạm của người bị hại. Như vậy, dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt giữa hai tội này là có hay không có sự chống trả và người bị hại có hay không có hành vi tấn công.
Trong trường hợp khi thi hành công vụ mà nạn hân dùng vũ lực tấn công người thi hành công vụ và người thi hành công vụ làm cho người bị hại chết ngoài những trường hợp pháp luật cho phép thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn các trường hợp khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Cũng có ý kiến cho rằng vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ nhưng cho người phạm tội được hưởng tình tiết phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự vì, nếu truy cứu người phạm tội về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại, điều này sẽ trái với quy định tại 623 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước gây ra. Tuy nhiên, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội và thực tiễn xét xử nhiều năm qua các Toà án đã coi hành vi xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ nếu như người bị hại có hành vi tấn công người phạm tội thì truy cứu người phạm tội về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và vẫn buộc cơ quan chủ quản của người phạm tội phải bồi thường cho người bị hại.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.