Phân tích Tội đe doạ giết người

TỘI ĐE DOẠ GIẾT NGƯỜI ( ĐIỀU 103)

Đe doạ giết người là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

  1. Về phía người phạm tội

Người phạm tội phải có hành vi làm cho người bị đe doạ lo sợ. Hành vi này chỉ có thể là hành động như bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn, nhưng không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng thật là mình có thể bị giết như: mài da, lấy súng lên đạn, viết thư, nhắn tin v.v…

Hành vi đe doạ của người phạm tội phải làm cho người bị đe doạ thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện; căn cứ này phát sinh từ phía người bị đe doạ không phải là căn cứ khách quan, đây là dấu hiệu đặc trưng của tội này, song lại là dấu hiệu khó xác định.

Nếu người phạm tội sau lời đe doạ lại thực hiện một số hành vi như tìm kiếm phương tiện giết người hoặc chuẩn bị phương tiện giết người thì phải xác định những hành động đó chỉ nhằm làm cho người bị đe doạ tưởng bị giết thật chứ không nhằm tước đoạt tính mạng người bị đe doạ. Chính vì mục đích đó, nên hành vi có vẻ chuẩn bị này, người phạm tội cố ý để cho người bị đe doạ nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy mà người phạm tội biết rằng người này sẽ nói lại cho người bị đe doạ biết, còn hành vi chuẩn bị nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, người phạm tội phải thực hiện một cách lén lút không cho ai biết, vì nếu để lộ sẽ không thực hiện được ý định giết người. Đây cũng là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị.

Nếu người phạm tội có hành vi đe doạ, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe doạ giết người như: hành vi đe doạ dùng bạo lực trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm nhân phẩm của con người v.v…

Chủ thể của tội đe dọa giết người nhất thiét phải đủ 16 tuổi trở lên, nếu dưới 16 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì khoản 1 Điều 103 là tội ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 103 là tội nghiêm trọng mà người từ đủ 14 tuổi đén dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự ).

  1. Về phía người bị hại

Người bị hại phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe doạ của người phạm tội sẽ được thực hiện. Thật khó có thể hình dung được một hành vi không bao giờ được thực hiện lại làm cho người khác tin rằng nó sẽ xảy ra. Rõ ràng phải có sự lầm tưởng của người bị hại và những người khác về sự thật của hành vi. Điều này phụ thuộc vào hoạt động tư duy của mỗi người. Chính thái độ tâm lý của người bị đe doạ là dấu hiệu buộc tội bị cáo. Việc xác định sự sợ hãi của người bị đe doạ phải căn cứ thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe doạ, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại. Nếu trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe doạ đó sẽ được thực hiện thì sự lo sợ của người bị hại là có căn cứ.

Nếu người bị đe doạ không lo sợ bị giết mà lại lo sợ về những hậu quả khác do bị cáo có thể gây nên cho mình, thì dù bị cáo có hành vi đe doạ giết người cũng không phạm tội này. Ví dụ: B nợ tiền của C, hết hạn B chưa trả được. C đe doạ: “Nếu một tuần nữa không trả tao giết mày!”. B biết C không giám giết mình, nhưng lại sợ C đến bắt nợ hoặc đón đường đánh mình.

Người bị hại có thể sợ người có hành vi đe doạ giết, nhưng cũng có trường hợp không sợ bị cáo giết mà lại sợ người khác giết mình, thì người có hành vi đe doạ vẫn phạm tội này. Ví dụ: M và H cùng yêu anh T. M đe doạ H: “Nếu mày không buông anh T ra, tao sẽ cho mày chết!”. H biết M có quan hệ với bọn lưu manh, sợ M thuê bọn đó giết mình nên phải trốn khỏi địa phương không dám về nhà nữa.

Người bị đe doạ có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của bị cáo sẽ được thực hiện. Ví dụ: V cho L mượn 2 lượng vàng để làm vốn đi buôn, nhưng vì thua lỗ nên L không trả nợ cho V như đã hứa. V đe doạ: “Nếu không trả V sẽ bắt đứa con 3 tuổi của L nhốt một chỗ cho chết đói”. L lo sợ phải đưa con đi trốn.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Đe dọa giết một người và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 ( khoản 1 Điều 103)

Đe dọa giết một người là trường hợp chỉ có một người bị đe dọa và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng. So với Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt nặng hơn, vì mức cao nhất của loaị hình phạt cải tạo không giam giữ là hoaij (Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có một năm), do đó chỉ người nào thực hiện hành vi đe dọa giết người kể từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị áp dụng khoản 1 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999. Khi xử lý trường hợp phạm tội này, chủ yếu lấy giáo dục là chính, việc truy tố xét xử chỉ nên đối với trường hợp người bị đe doạ sợ tới mức ảnh hưởng đến sức khoẻ, công tác, lao động và học tập gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, người có hành vi đe doạ có nhân thân xấu.

  1. Đe dọa giết nhiều người ( điểm a khoản 2 Điều 103)

Đe dọa giết nhiều người là trường hợp có từ hai người bị dọa giết và cả hai người đều tin là mình bị giết. Đây là cấu thành tăng nặng của tội đe dọa giết người mới được quy định mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa có. Việc nhà làm luật quy định các trường hợp phạm tội đe dọa giết người tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn xét xử, vì trên thực tế đã có trường hợp người phạm tội đe dọa giết cả nhà người khác và cả gia đình người bị đe dọa phải bỏ nhà đến sống ở nơi mà họ cho rằng người đe dọa không biết.

  1. Đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân( điểm b khoản 2 Điều 103)

Người bị đe dọa trong trường hợp này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về tội giết người.8 Tuy nhiên, trong trường hợp này người thi hành công vụ chỉ bị đe dọa sẽ bị giết và họ cũng tin rằng mình bị giết. Đây cũng là cấu thành tăng nặng mới được quy định trong Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình tội phạm trong thời gian vừa qua, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đôí với người phạm tội theo khoản 1 Điều 103 như những trường hợp đe dọa giết người khác thì không thể hiện được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi đe dọa giết người của bị cáo. Mặt khác, không động viên được những người làm nhiệm vụ chính đáng lại bị đe dọa.

  1. Đe dọa giết trẻ em ( điểm c khoản 2 Điều 103)

Đe dọa giết trẻ em là trường hợp người bị đe dọa chưa đủ 16 tuổi. Cũng như trường hợp phạm tội đối với trẻ em khác, đe dọa giết trẻ em là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn đối với việc đe dọa giết người mà nạn nhân không phải là trẻ em. Trẻ em bị dọa giết bao giờ cũng sợ hơn, ảnh hưởng lớn hơn đến tinh thần, sức khỏe, nhiều trường hợp vì quá sợ hãi, trẻ em phải bỏ nhà đi lang thang dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác. Vì vậy nhà làm luật quy định trường hợp đe dọa giết trẻ em là cấu thành tăng nặng không chỉ phù hợp với tình hình phạm tội xảy ra mà còn có tác dụng phòng và chống hành vi xâm phạm đến những quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ những hành vi đe dọa giết trẻ em được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999.

  1. Đe dọa giết người để che giấu việc bị xử lý về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 103)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội giết người để che giấu một tội phạm khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, người phạm tội trong trường hợp này chỉ có hành vi đe dọa giết người chứ không phải giết người, còn mục đích của hành vi đe dọa cũng là để che giấu một tội phạm khác. Về mặt thời gian hành vi đe dọa giết người bao giờ cũng được thực hiện sau hành vi phạm tội khác, tội phạm khác mà người phạm tội thực hiện là tội phạm bất kỳ và chưa bị phát hiện, nếu tội phạm khác đã bị phát hiện rồi mới có hành vi đe dọa thì không phải là trường hợp đe dọa giết người để che giấu tội phạm khác. Đây cũng là cấu thành tăng nặng mới được quy định đối với tội đe dọa giết người, nên chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo điểm d khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999 về những hành vi được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000.

  1. Đe dọa giết người để trốn tránh việc xử lý về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 103)

Tội phạm khác trong trường hợp này là tội phạm bất kỳ, người phạm tội đã thực hiện trước khi có hành vi đe dọa giết người, khác với trường hợp đẻ che giấu là tội phạm khác đã bị phát hiện, nhưng vì để trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật nên người phạm tội đã có hành vi đe dọa giết người. Người bị đe dọa trong trường hợp này có thể là người dân thường. Ví dụ: Một tên cướp có vũ khí đang bị đuổi bắt đã chạy vào nhà dân ven đường dùng súng khống chế bắt chủ nhà cho y ẩn nấp nếu không y sẽ giết. Vì sợ bị giết thật nên chủ nhà đã mở cửa buồng cho vào ẩn nấp, nhưng lực lượng truy bắt vẫn phát hiện và bắt được tên cướp. Khi có nguy cơ bị bắt, mặc dù có súng trong tay nhưng tên cướp vẫn không thực hiện lời đe dọa là giết chủ nhà. Nếu để trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác mà đe dọa người thi hành công vụ thì áp dụng điểm b khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự mà không áp dụng điểm d khoản 2 Điều 103.

Các trường hợp đe dọa giết nhiều người; đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đe dọa giết trẻ em; đe dọa giết người để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về mọt tội phạm khác, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 103 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191