Thủ tục rút vốn tại Công ty TNHH – Cổ phần – Hợp danh
Công ty Luật LVN – Luật sư Tư vấn trực tuyến – Gọi ngay 1900.0191
Rút vốn là việc cá nhân, tổ chức muốn rút phần vốn đầu tư của mình tại một tổ chức, doanh nghiệp. Việc rút vốn không chỉ có ý nghĩa giúp nhà đầu tư lấy lại phần vốn đầu tư của mình mà trong nhiều trường hợp còn giúp bảo toàn phần vốn góp và phòng tránh rủi ro cho nhà đầu tư.
Cách thức rút vốn phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà chủ đầu tư góp vốn.
Trường hợp 1: Rút vốn tại Công ty hợp danh
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 180 luật Doanh nghiệp 2014, thành viên hợp danh của công ty hợp danh “có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 6 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua” . Bên cạnh đó, tại Điều 182 luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, trong đó thành viên góp vốn có quyền:
“d) Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;”
Do đó, nếu bạn là thành viên góp vốn thì rút vốn bằng cách chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
Trường hợp 2: Rút vốn tại Công ty TNHH 2 thành viên
Đối với loại hình công ty TNHH 2 thành viên, tại khoản 2 Điều 51 luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “thành viên không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này”.
Như vậy, nhà đầu tư có thể rút vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình hoặc chuyển nhượng phần vốn góp đó cho người khác theo quy định tại điều 52, 53 Luật Doanh nghiệp 2014
Trường hợp 3: Rút vốn tại Công ty cổ phần
Tại khoản 1 Điều 115 luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định nghĩa vụ của cổ đông phổ thông: “Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra”.
Như vậy, nhà đầu tư chỉ có thể rút vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại hoặc chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
Với cả ba loại hình doanh nghiệp kể trên, nhà đầu tư có hai lựa chọn để tiến hành rút vốn, đó là hoặc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, hoặc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác.
Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhà đầu tư có thể lựa chọn cách thức phù hợp để việc rút vốn diễn ra hiệu quả, nhanh chóng.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN