Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Chỉ thực hiện hoạt động chỉnh sửa video, ảnh, game có cần xin giấy phép con
Công ty tôi muốn bổ sung thêm ngành nghề mã ngành 5911 nhưng chỉ thực hiện hoạt động chỉnh sửa video, ảnh và video cho game. Cho tôi hỏi là chỉ thực hiện hoạt động trên thì có cần phải xin giấy phép con không. công ty tôi thực hiện hoạt động trên tại Việt Nam nhưng sản phẩm chỉ đưa ra nước ngoài, không phát hành tại Việt Nam.
Luật sư Tư vấn Luật Đầu tư – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 18 tháng 08 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Điều kiện kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim
- Luật đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016)
- Quyết định số 337/QĐ-BKH năm 2007 về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
3./ Luật sư tư vấn
Khi đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh của mình trước hết bằng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Trong hệ thống ngành nghề kinh doanh được pháp luật quy định tồn tại những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những ngành nghề này khi có đủ các điều kiện nhất định. Để hợp pháp hóa ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép chứng nhận doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, các giấy chứng nhận này chính là Giấy phép con.
Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư quy định như sau: “1.Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và luật khác có liên quan”.
Theo đó, chỉ cần chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư của Việt Nam. Nói cách khác, mặc dù sản phẩm là kết quả của hoạt động chỉnh sửa video, ảnh và video cho game chỉ đưa ra nước ngoài, không phát hành tại Việt Nam nhưng chỉ cần hoạt động chỉnh sửa video, ảnh và video cho game được tiến hành tại Việt Nam thì vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 337/QĐ-BKH thì mã ngành 5911 là “hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình” gồm việc sản xuất các phim ảnh, phim video, các chương trình truyền hình hoặc chương trình quảng cáo trên truyền hình; và việc sản xuất các chương trình truyền hình và chương trình quảng cáo không sử dụng phương tiện truyền thanh truyền hình và hoạt động của các thư việc lưu giữ phim khác trừ một số trường hợp pháp luật quy định.
Căn cứ Mục 206 Phụ lục 4 Luật Đầu tư thì “kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim” là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên chỉ cần hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim, bất kể là một hay nhiều hoạt động thì đều cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề này. Việc yêu cầu giấy phép con không phải do thêm ngành mã 5911 mà là do hoạt động sản xuất phim nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên nếu vẫn là mã ngành 5911 nhưng không tiến hành “kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim” thì không phải xin giấy phép con, ngược lại thì chủ thể phải xin giấy phép con.
Như vậy, với những tình tiết bạn đưa ra thì khi công ty bạn thực hiện hoạt động chỉnh sửa video, ảnh và video cho game tại Việt Nam cần phải xin giấy phép con trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
Với những tư vấn về câu hỏi Chỉ thực hiện hoạt động chỉnh sửa video, ảnh, game có cần xin giấy phép con, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.