Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Quy trình phát mại tài sản thế chấp
Luật sư cho em hỏi, giờ em vay tiền người ta thời hạn 3 năm nhưng không thể trả được vì làm ăn thua lỗ, hồi đó có thỏa thuận miệng với nhau là nếu không trả được thì em đồng ý cho người đó lấy hết toàn bộ tài sản trong xưởng để trừ nợ, giờ liệu người ta có thể phát mại tài sản đó của em không và thủ tục, quy trình nó như thế nào, em rất mong nhận được sự hướng dẫn sớm, em cảm ơn nhiều ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 08 tháng 08 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề xử lý tài sản bảo đảm
Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13
3./ Luật sư tư vấn
Trong một hợp đồng vay tiền mà có thỏa thuận nếu không trả được tiền khi đến hạn, bên vay sẽ dùng một số tài sản để trả nợ thì bên cho vay có quyền xử lý số tài sản đó, cụ thể:
Trong trường hợp bên vay tiền có thỏa thuận sử dụng một số tài sản khác để gán nợ khi đến hạn trả mà không trả được cho bên cho vay thì việc này được xác định là một biện pháp bảo đảm- thế chấp cho hợp đồng vay tiền, đảm bảo bên vay sẽ trả nợ.
Căn cứ Khoản 1 Điều 299 Bộ luật dân sự về các trường hợp được xử lý tài sản bảo đảm:
“1.Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Theo đó, bên cho vay có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi đến thời hạn trả nợ mà bên vay không trả được theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bên giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý.
Tuy nhiên, trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm mà ở đây là bên cho vay phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm (ở đây là bên vay). Trong trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm.
Trong trường hợp thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hai bên có thể tự thỏa thuận phương thức xử lý như bán đấu giá, bên nhận bảo đảm tự bán tài sản, bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm,…Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức thì tài sản được bán đấu giá.
Nếu lựa chọn xử lý tài sản qua bán đấu giá, quy trình thực hiện được tiến hành theo pháp luật về bán đấu giá. Sau khi tài sản được bán, số tiền bán sau khi trừ các chi phí như chi phí thuê tổ chức bán đấu giá, chi phí bảo quản,… được dùng để thanh toán nghĩa vụ mà tài sản bảo đảm giống như những phương thức xử lý tài sản khác.
Nếu tự bán tài sản trên thì việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán cho các bên cùng nhận tài sản theo thứ tự ưu tiên. Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
Nếu nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế thì hoặc là có thỏa thuận lúc xác lập giao dịch bảo đảm, hoặc là có sự đồng ý bằng văn bản của bên bảo đảm sau khi xác lập giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm, ngược lại, bên bảo đảm phải thanh toán số tiền còn thiếu cho bên nhận bảo đảm. Và bên bảo đảm phải thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm.
Như vậy, dựa trên tình huống bạn nêu ra thì bên cho vay có quyền xử lý số tài sản trong xưởng khi bạn không thể trả được nợ khi đến thời hạn, và tùy vào thỏa thuận của hai bên mà số tài sản trên được xử lý với những phương thức khác nhau nhưng trước khi xử lý tài sản trên một khoảng thời gian hợp lý thì người cho vay sẽ phải thông báo cho bạn biết và sau đó bạn phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu cho người đã mua, sở hữu tài sản hợp pháp.
Với những tư vấn về câu hỏi Quy trình phát mại tài sản thế chấp, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN