Câu hỏi của khách hàng: Ông bà không có di chúc, cha đã mất thì cháu có quyền lợi gì
Mọi người cho mình hỏi thăm ? Trước năm 1950 nội em di cư vào miền Nam và tự cất nhà , sau này theo em được biết là được cấp giấy gì đó ( nhà tự cất ) , đến năm 1990 nội em có nói để lại nhà cho cô em ở vì những người còn lại không có khó khăn bằng cô em , sau đó ông bà em qua đời và không để lại di chúc . Đến năm 2013 cô em được chính quyền cho phép làm giấy chủ quyền hay sổ đỏ nhà gì đó mà em không rõ, do ông bà nội đã mất nên cần chữ ký của những người còn lại .
Riêng ba em đã mất , nên cô em mượn giấy chứng tử của ba em để thay thế chữ ký.
Vậy trong trường hợp này thì em có quyền lợi gì trong căn nhà đó không anh? Em chỉ muốn biết được quyền lợi của mình . Cảm ơn mọi người rất nhiều ạ
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 08/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chia di sản của ông bà khi cha mất
Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Ông bà không có di chúc, cha đã mất thì cháu có quyền lợi gì
Trong trường hợp của bạn, do ông bà của bạn mất mà không để lại di chúc nên số di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật, những người ở hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng những phần như nhau. Và việc chia di sản (nếu những người thừa kế không có thỏa thuận) được chia như sau:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự:
“ Điều 751. Người thừa kế theo pháp luật
1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a)Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; …”
Theo đó, ba của bạn là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được hưởng thừa kế theo quy định.
Trong trường hợp ba bạn mất trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà của bạn thì căn cứ vào Điều 652 Bộ luật Dân sự:
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Bạn là đối tượng được hưởng thừa kế phần di sản mà lẽ ra ba bạn được hưởng nếu ba của bạn còn sống.
Trong trường hợp ba bạn mất sau khi ông, bà của bạn mất thì việc bạn được thừa kế số di sản đó là thừa kế di sản từ ba của bạn mà không phải trường hợp thừa kế thế vị như trên. Do trong trường hợp này, bạn được hưởng thừa kế là với tư cách con của người để lại di sản, là người được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất với di sản mà ba của bạn để lại.
Nói cách khác, nếu ngôi nhà mà ông bà bạn để lại cho cô bạn (do trước khi mất ông, bà bạn chỉ nói miệng, không để lại di chúc) có một phần quyền sở hữu của ba bạn. Khi ba bạn mất thì bạn sẽ là người được thừa kế.
Tóm lại, trong trường hợp bạn đưa ra, bạn cũng là một trong những chủ sở hữu của ngôi nhà đó theo con đường thừa kế từ người ba của mình. Do đó, bạn có quyền sở hữu đối với một phần tương ứng với phần được nhận thừa kế. Việc mọi người đồng ý ngôi nhà này sẽ thuộc sở hữu của một mình người cô được xem là một thỏa thuận của những người chia di sản.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.