Câu hỏi của khách hàng: Ly hôn thuận tình có 1 bé 7 tuổi 1 bé 5 tuổi nhưng không chứng minh được thu nhập thì có được nuôi con không
Xin chào các luật sư.
Em nhờ tư vấn giúp em với ạ!
Em và chồng có 2 đứa con 1 bé 7 tuổi 1 bé 5 tuổi, chồng em có bồ từ khi em sinh đứa con đầu rồi bỏ nhà đi TP.Hồ Chí Minh từ khi bé nhỏ 3 tháng tuổi. Có về thăm được 3 lần, lần cuối cách đây 3 năm, không hề có liên lạc về. Em vẫn thường xuyên cho con về thăm nhà nội, 1 năm nay em có quen 1 người bạn trai, em sống cùng ở nhà em. Đến nay chồng em về đòi em ly hôn thuận tình nhưng em nói chỉ đồng ý khi em được quyền nuôi con. Thì chồng em đồng ý,nhưng em không chứng minh được thu nhập liệu tòa có cho em quyền nuôi con không?
Vì tụi em không có gì chung ngoài con.
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 19/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề quyền nuôi con sau khi ly
Luật hôn nhân và gia đình 2014
3./ Luật sư trả lời Ly hôn thuận tình có 1 bé 7 tuổi 1 bé 5 tuổi nhưng không chứng minh được thu nhập thì có được nuôi con không
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Thuận tình ly hôn là việc vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Trong trường hợp này, vợ chồng bạn thuận tình ly hôn, người chồng cũng đồng ý cho bạn được quyền nuôi con. Do đó, tòa sẽ dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng để quyết định ai có quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con mà không yêu cầu người đó phải chứng minh đủ điều kiện về tài chính. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi dưỡng con có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, trợ cấp cho con. Trường hợp vợ chồng không thống nhất được quyền nuôi con Tòa án sẽ xem xét tới điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần của cha, mẹ và ý kiến của con (từ đủ 7 tuổi trở lên) để quyết định ai có quyền trực tiếp nuôi con.
Bạn nên lập biên bản thỏa thuận quyền nuôi con có chữ ký của vợ chồng, gửi kèm đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa sẽ dựa trên đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo của bạn để ra quyết định.
Như vậy, việc vợ chồng đã thỏa thuận được người có quyền trực tiếp nuôi con thì tòa sẽ dựa trên sự thỏa thuận đó để ra quyết định, bạn không phải chứng minh thu nhập của bản thân.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.