Câu hỏi của khách hàng: Bị bắt giữ không nêu rõ lý do thì phải xử lý thế nào?
Các anh chị ơi giúp em với ạ !
Chị gái em ở Hồ Chí Minh ra Hà Nội đi công tác và không biết tại sao lại bị công an hình sự Hải Dương tạm giữ điều tra không lí do. Em có xuống cơ quan Công An Hình Sự tại TP. Hải Dương hỏi “Tại sao các anh bắt chị em như vậy, chị em bị tội gì mong các anh nói rõ” . Thì bên Công An nói bên họ không bắt, mà là đang tạm giữ để làm rõ xác minh vụ án họ đang điều tra.
Bắt giữ từ ngày 14/12 đến nay không cho gặp người nhà và không nghe thông tin gì cả. Bên họ bắt giữ như vậy có đúng không ạ. Giờ em phải làm gì được ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền gặp người thân của người bị tạm giữ
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015
3./ Luật sư trả lời Bị bắt giữ không nêu rõ lý do thì phải xử lý thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, chị gái bạn bị công an hình sự tạm giữ điều tra không rõ lý do, không cho gặp người nhà, đến nay chưa được trả về. Để xem xét việc tạm giữ người của công an là đúng hay sai, bạn có thể xem xét các quy định dưới đây:
Căn cứ Khoản 1 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị tạm giữ được hiểu là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Căn cứ Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
-Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
-Quyết định tạm giữ phải được chủ thể có thẩm quyền ra và phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung ghi rõ của văn bản tố tụng. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.
Căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì người tạm giữ có quyền được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định.
Theo đó, trong trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm giữ người để điều tra. Người được tạm giữ có quyền được biết lý do mình bị tạm giữ, được giao quyết định ghi rõ lý do tạm giữ.
Căn cứ Điều 118 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn tạm giữ được quy định như sau:
-Không quá 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
-Không quá 9 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bị tạm giữ có quyền được gặp người thân trong thời gian tạm giữ, người thân ở đây có thể là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ (theo Khoản 8 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015). Theo đó, chị bạn được quyền gặp người nhà trong thời gian tạm giữ, cụ thể nếu bạn là em gái ruột, bạn hoàn toàn có quyền được gặp chị mình.
Theo đó, với những thông tin bạn đưa ra thì việc cơ quan công an không cho bạn gặp chị của bạn (người đang bị tạm giữ) là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Bạn có thể làm đơn yêu cầu được gặp chị của bạn vào thời gian cụ thể nào đó và yêu cầu chủ thể nhận đơn trả lời bằng văn bản để chủ thể đó có căn cứ cụ thể từ chối việc cho bạn gặp chị của mình. Khi bạn thấy căn cứ mà chủ thể đó đưa ra là không phù hợp với quy định của pháp luật, bạn có quyền khiếu nại quyết định hành chính (về việc không đồng ý cho bạn gặp chị của bạn vào thời gian mà bạn đưa ra trong đơn) tới các chủ thể có thẩm quyền để được giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, cơ quan công an có quyền tạm giữ chị của bạn khi có căn cứ, quyết định tạm giữ của chủ thể có thẩm quyền. Đồng thời, cũng có quyền và nghĩa vụ giữ bí mật về các tình tiết của vụ án đang tiến hành điều tra. Tuy nhiên, việc phía công an không cho bạn gặp chị của bạn do đang trong thời hạn tạm giữ là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu được gặp chị của bạn, khiếu nại về hành vi/quyết định hành chính của phía công an nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.