Câu hỏi của khách hàng: Có tranh chấp đất đai khi gia đình muốn chuyển đất trồng cây lâm sản sang nuôi tôm thì giải quyết thế nào?
Dạ. Hiện tại nhà em đang tranh chấp đất
Từ trước đến nay nhà em có 3 phần đất. Nhưng chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
2 mảnh để nuôi trồng thủy sản thâm canh.
1 phần trồng cây lâm sản. Nay gia đình em phá đất để nuôi tôm thì bị ông hàng xóm kiện cáo. Đây là đất của ông ta. Không cho gia đình em quy hoạch phần đất trên. Em phải làm sao đây ạ. Nếu ra kiện cáo
Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 03/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ
- Luật đất đai 2013
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Có tranh chấp đất đai khi gia đình muốn chuyển đất trồng cây lâm sản sang nuôi tôm thì giải quyết thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn đang muốn chuyển đổi phần đất trồng lâm sản (đất chưa có sổ đỏ) sang đất nuôi tôm nhưng bị nhà hàng xóm kiện vì cho rằng phần đất này là của họ. Việc giải quyết tranh chấp cần tuân theo một số quy định sau.
Với những thông tin trên của bạn thì trước hết bạn cần phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh được mảnh đất đó là của gia đình bạn khi tranh chấp được giải quyết trước Tòa án. Bởi, Tòa án sẽ căn cứ trên những tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp (hoặc chủ thể có thẩm quyền cung cấp) để quyết định chủ sở hữu quyền sử dụng phần đất trên.
Do bạn chỉ đưa ra chi tiết về mảnh đất có tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của gia đình bạn mà không nói cụ thể về thời gian gia đình bạn đã sử dụng mảnh đất đó. Nên xét về mặt pháp lý không thể khẳng định mảnh đất này là của gia đình bạn. Tức là không thể đảm bảo Tòa án (hay Nhà nước) sẽ công nhận quyền sử dụng phần đất trên của gia đình bạn.
Theo đó, nếu nhà hàng xóm của bạn chứng minh được họ mới thực sự là người có quyền đối với mảnh đất đang có tranh chấp thì họ có quyền yêu cầu gia đình bạn ngừng việc quy hoạch trên mảnh đất.
Tuy nhiên, trước đó, việc nhận định quyền sử dụng mảnh đất sẽ do chính các bên thỏa thuận (nhưng không được trái với các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội).
Căn cứ Khoản 7 Điều 166 Luật đất đai:
“Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất
… 7.Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”
Theo đó, người sử dụng đất có quyền khởi kiện về hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Nói cách khác, khi bạn/nhà hàng xóm có căn cứ cho rằng việc ngăn cản/sử dụng phần đất đang có tranh chấp của phía còn lại là hành vi vi phạm, xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình. Bạn/nhà hàng xóm đều có quyền yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì tranh chấp đất đai về quyền sử dụng đất trước hết phải được đưa ra hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở sau khi không tự hòa giải được. Cụ thể là bên tranh chấp không tự hòa giải được phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Sau quá trình hòa giải ở cơ sở này, bên tranh chấp sẽ có Biên bản hòa giải theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai. Khi việc hòa giải không thành thì đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai:
-Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể, với tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
-Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Cụ thể, căn cứ Khoản 9 Điều 26, Điều 35 và điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của bạn thường sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp.
Trong trường hợp bạn có các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình (nhưng không phải Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hiện nay), bạn cần thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án khi không hòa giải được ở cơ sở mà không được lựa chọn giữa hai phương hướng giải quyết trên.
Để chứng minh quyền sử dụng đất của gia đình bạn trước Tòa án, bạn có thể dựa vào những loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013:
-Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
-Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
-Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
-Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
-Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
-Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
Hoặc những giấy tờ khác chứng minh được quyền sử dụng đất của gia đình bạn.
Theo đó, khi các bên không tự hòa giải được thì được lựa chọn một trong hai phương thức sau:
Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện (tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau), nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì bạn có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Thứ hai, nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần thỏa thuận với nhà hàng xóm về việc sử dụng phần đất trên của gia đình bạn. Trong trường hợp không thỏa thuận được, gia đình bạn cần thực hiện việc hòa giải ở cơ sở trước khi khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi đưa ra Tòa án, gia đình bạn cần chứng minh được trước Tòa án về việc gia đình bạn là chủ sử dụng hợp pháp phần đất trên. Việc sử dụng phần đất trên sau khi Tòa án giải quyết tùy thuộc vào nội dung quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật mà Tòa án đã ban hành.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.