Câu hỏi của khách hàng: Con có được can thiệp vào Tài sản chung của ba mẹ khi ly hôn không?
Em chào mọi người ạ, em có một số điều thắc mắc mong mọi người dành chút thời gian quý báu giải đáp hộ em. Em không rành thuật ngữ hay câu văn có khó hiểu lủng củng thì cũng mong mọi người thông cảm giúp em ạ! Em cảm ơn nhiều.
Ba mẹ em li dị đến nay đã là 4 năm nhưng chia tài sản vẫn chưa xong. Nguyên đơn là ba em, bị đơn là mẹ em. Em xin hỏi là :
1.Đối với tài sản của ba mẹ có chung trước lúc em đủ 18 tuổi thì em có quyền can thiệp hay không ạ?
2.Và đối với tài sản chung của ba mẹ, sau khi ba mẹ li dị, nếu một trong hai người có chuyển tên cho người khác trên giấy tờ thì cần phải có chữ ký của em đúng không ạ?
3.Tuần trước em có ghé tòa án để nộp đơn đề nghị được chia 1 phần trong căn nhà chung. Thư ký tòa có nói với em là Tòa đã thu thập đủ chứng cứ nên em không có quyền nộp đơn. Em có giải thích thì chị đó hỏi em là ai xúi em làm. Nói chung ý là muốn từ chối. Em thì không rành lắm về việc này nên có nói em nghĩ đó là quyền lợi của em thì em nộp đơn để tòa xem xét thôi thì có một cô chức cao hơn kêu là cứ nhận, tòa xem xét hay không thì tùy. Rồi họ bảo em về mà không có giấy xác nhận là đã nhận đơn của em rồi hay chưa. Em có hỏi thì họ bảo là không cần đâu em. Tòa duyệt em mới phải đóng phí. Đến giữa tuần thì người dưới tòa có điện thoại cho mẹ em kêu em rút đơn lại nhưng em vẫn chưa rút. Mọi người cho em hỏi là với trường hợp trên thì đơn của em có cơ hội được xét không ạ
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 26/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Có phải chia tài sản cho con khi ly hôn
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Con có được can thiệp vào Tài sản chung của ba mẹ khi ly hôn không?
Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì tài sản mà vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng. Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được xác định theo thỏa thuận của hai bên hoặc quyết định/bản án của Tòa án khi một trong hai bên hoặc cả hai bên có yêu cầu. Theo thông tin bạn cung cấp thì việc ly hôn của bố và mẹ bạn đã kết thúc nhưng tài sản thì chưa chia được.
Việc này được hiểu là khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, bố và mẹ của bạn không yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung khi ly hôn. Tranh chấp tài sản này phát sinh sau khi hai người đã ly hôn. Thông thường, trong trường hợp này, khi hai bên không thỏa thuận được mức chia cụ thể, Tòa án sẽ chia đôi tài sản chung để chia đều cho các bên.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn- con chung của hai người có tranh chấp lại có yêu cầu chia tài sản mà bố, mẹ đã tạo lập trong thời kỳ hôn nhân trước khi người con đủ 18 tuổi (tức là thời điểm chấm dứt nghĩa vũ nuôi dưỡng/cấp dưỡng cho con chung). Bạn cần xác định ở đây là tài sản mà hai bên bố, mẹ của bạn tranh chấp có công sức của bạn không, tức tài sản đó có phải tài sản thuộc sở hữu (đồng sở hữu với bố/ mẹ) không.
Bởi, nếu bạn không chứng minh được, tức là tài sản tranh chấp là tài sản thuộc sở hữu của bố và mẹ bạn và chỉ thuộc sở hữu của hai người này, bạn có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp nhưng việc này sẽ không dẫn đến việc bạn được chia một phần tài sản đó.
Tuy nhiên, nếu bạn có căn cứ về việc tài sản này có một phần thuộc sở hữu của bạn (như đây là tài sản được ông, bà của bạn cho cả gia đình hay đây là tài sản có được từ số tài sản của bạn,…) thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Về việc, sau khi ly hôn, bố/ mẹ bạn chuyển tên cho người khác, bạn cũng cần xác định chủ sở hữu của tài sản (tức bạn có phải một trong số những chủ sở hữu của tài sản chuyển tên đó hay không) để xác định quyền của bạn. Nếu bạn là một trong những chủ sở hữu của tài sản này, việc chuyển quyền sở hữu tài sản phải có sự đồng ý, chữ ký của bạn. Ngược lại, pháp luật không yêu cầu phải có chữ ký của bạn.
Về việc đơn của bạn có được xét hay không. Bạn phải nêu rõ những tài sản mà bạn yêu cầu chia (phạm vi tranh chấp), số tài sản có lớn hay không, có bất động sản hay không,… cũng như những chứng cứ mà bạn chứng minh được, và quan trọng nhất là quyền yêu cầu của bạn được thực hiện như thế nào, tại thời điểm nào (bạn có đủ t, đủ năng lực hành vi để tự thực hiện việc yêu cầu trên hay không,…).
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xem xét số tài sản đang tranh chấp kia có thuộc quyền sở hữu của bạn hay không để xem xét việc yêu cầu của bạn có khả năng có kết quả hay không trước khi đưa yêu cầu. Ngoài ra, việc yêu cầu của bạn có được giải quyết hay không còn tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của bạn là gì, thủ tục, trình tự mà bạn yêu cầu có đúng quy định của pháp luật hay không.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.