Câu hỏi của khách hàng: Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải làm giấy tờ pháp lý gì?
Xin chào các anh chị
Em xin có một thắc mắc là nếu 1 công ty doanh nghiệp nước ngoài mà muốn set up tại Việt Nam thì những quy trình, giấy tờ, pháp lý, bộ phận chịu trách nhiệm là gì? Nếu muốn tìm hiểu thì nên đọc hay tham khảo từ đâu ạ? Em xin cảm ơn các anh chị nhiều. Chúc anh chị nhiều sức khỏe ạ!
Luật sư Tư vấn Luật đầu tư – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 24/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam
- Luật đầu tư 2014 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2016)
- Luật doanh nghiệp 2014
3./ Luật sư trả lời Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải làm giấy tờ pháp lý gì?
Hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cần đáp ứng điều kiện nhất định. Những điều kiện này đặt ra tùy thuộc vào lĩnh vực cũng như cách thức đầu tư của chủ thể nước ngoài tại Việt Nam.
Thông thường, với một dự án, chủ thể đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để được kinh đầu tư vào Việt Nam.
Căn cứ Điều 37 Luật đầu tư thì thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
-Đối với dự án đầu tư thuộc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
-Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định sau:
+Nhà đầu tư nộp hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ gồm:
a)Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
b)Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
c)Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
d)Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
đ)Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e)Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
g)Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
+Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Căn cứ Mục 1 Chương IV Luật đầu tư, các hình thức đầu tư tại Việt Nam gồm:
-Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
-Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
-Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP;
-Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
Theo đó, dựa vào hình thức khác nhau mà doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện có thể khác nhau.
Như khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
-Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: không bị hạn chế, trừ các trường hợp sau:
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
-Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
-Không đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.
Như khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì điều kiện mà doanh nghiệp cần đáp ứng là:
-Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: không bị hạn chế, trừ các trường hợp sau:
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
+Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
-Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (tức là hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư). Doanh nghiệp dự án phải ký kết hợp đồng PPP với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư theo hợp đồng BCC (tức là hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế). Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các bên tham gia hợp đồng cần thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng.
Như vậy, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam đầu tiên thông thường cần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, tùy thuộc vào hình thức đầu tư mà doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cần thực hiện, đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định. Doanh nghiệp có thể nghiên cứu vấn đề trên dựa trên các văn bản pháp luật Việt Nam như Luật đầu tư 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016), Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản liên quan như Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục,… để biết cụ thể về từng loại thủ tục.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.