Nghỉ việc trước thời hạn nhưng không thông báo thì lấy sổ bảo hiểm thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Nghỉ việc trước thời hạn nhưng không thông báo thì lấy sổ bảo hiểm thế nào?

Nhờ mọi người trong hội giúp em với ạ. cho mình hỏi là. Giờ mình làm công ty kí hợp đồng 10 năm mà mình mới làm được 3 năm giờ mình muốn bỏ ngang không làm nữa không viết đơn hay gì đó thì giờ mình muốn lấy sổ bảo hiểm thì làm như thế nào và lấy ở đâu ạ. Em cảm ơn


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 07/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Lấy lại sổ bảo hiểm khi nghỉ việc trái pháp luật

  • Bộ luật Lao động 2012
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
  • Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động

3./ Luật sư trả lời Nghỉ việc trước thời hạn nhưng không thông báo thì lấy sổ bảo hiểm thế nào?

Theo những thông tin bạn cung cấp, phía công ty đã ký kết hợp đồng lao động với thời hạn 10 năm với bạn nhưng bạn lại chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo với công ty. Bạn muốn lấy lại sổ bảo hiểm của mình.

Đầu tiên, theo quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) thì có 3 loại hợp đồng, đó là:

“Điều 22.Loại hợp đồng lao động

1.Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a)Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b)Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c)Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. …”

Theo đó, bạn có thể nhận thấy hợp đồng mà công ty ký kết với bạn là hợp đồng lao động vi phạm về thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, với hợp đồng lao động có thời hạn 10 năm thì các quy định được áp dụng với mối quan hệ giữa bạn và người sử dụng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trái quy định của pháp luật. Bởi căn cứ Điều 37 BLLĐ:

Điều 37.Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

… 3.Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

Điều 41 Bộ luật lao động thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động được xem là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Tóm lại, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không tuân thủ nghĩa vụ báo trước bị xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo đó, bạn sẽ phải gánh chịu các nghĩa vụ được quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động, cụ thể, người lao động sẽ:

-Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

-Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

-Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo hợp đồng đào tạo nghề.

Theo đó, bạn sẽ không được hoàn trả trợ cấp thôi việc, phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng tiền lương của bạn trong những ngày bạn không báo trước. Ngoài ra, nếu trong quá trình làm việc NSDLĐ có chi trả chi phí đào tạo cho bạn thì khi nghỉ việc bạn phải hoàn lại số tiền này cho NSDLĐ.

Khi bạn nghỉ việc mà không có căn cứ và cũng không báo trước cho NSDLĐ bạn nên xem xét mình có thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Nếu thuộc vào trường hợp này, bạn nên bồi thường cho NSDLĐ số tiền tương ứng để có thể được tạo điều kiện trả lại số bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 3 Điều 47 BLLĐ 2012 quy định về trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ có ghi nhận việc: “… Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. …”

Trường hợp bạn có yêu cầu công ty trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bạn mà phía công ty không thực hiện thì bạn có thể lựa chọn một chọn trong hai cách sau đây:

-Khiếu nại lên Thanh tra lao động- Sở Lao động- Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP;

-Khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở chính theo quy định về thủ tục tố tụng dân sự.

Vậy, để lấy lại sổ bảo hiểm xã hội của mình, bạn cần thực hiện các nghĩa vụ khi mình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi khi yêu cầu phía công ty trả lại sổ bảo hiểm xã hội. Nếu công ty không thực hiện thì bạn có thể lựa chọn khiếu nại lên Thanh tra lao động – Sở Lao động, thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi công ty đặt trụ sở chính.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191