Mất giấy khai sinh bản chính và bản sao thì có xin lại được không?

Câu hỏi của khách hàng: Mất giấy khai sinh bản chính và bản sao thì có xin lại được không?

Mọi người cho mình hỏi giấy khai sinh chồng mình bị mất từ lâu giờ không có cả bản chính và bản sao giờ có thể đi xin lại được không ạ và có cần mang theo giấy tờ tùy thân gì không ạ


Luật sư Tư vấn Luật Hộ tịch  – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 22/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xin cấp trích lục giấy khai sinh

  • Luật Hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định số 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

3./ Luật sư trả lời Mất giấy khai sinh bản chính và bản sao thì có xin lại được không?

Giấy khai sinh là văn bản bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Có rất nhiều trường hợp, vì những lý do khác nhau mà giấy khai sinh bị mất, hư hỏng, thất lạc. Vậy, khi mất giấy khai sinh cần thực hiện những thủ tục gì?

Trong trường hợp chồng của bạn làm mất giấy khai sinh bản gốc và cũng không có bản sao, bạn có thể thực hiện thủ tục sau:

-Xin cấp bản sao trích lục hộ tịch, cụ thể là phần về đăng ký khai sinh của chồng của bạn. Căn cứ Điều 9 Luật hộ tịch quy định thì, chồng của bạn- người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch cần:

+Nộp tờ khai theo mẫu trực tiếp cho cơ quan Quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

+Xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân khi có yêu cầu. Nếu gửi qua bưu chính thì nộp kèm bản sao y một trong các giấy tờ này.

Sau khi nhận được yêu cầu nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu. theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật hộ tịch.

-Đăng ký lại khai sinh. Việc này xảy ra khi Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch không còn lưu giữ thông tin về Giấy khai sinh của chồng của bạn. Căn cứ Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, chồng của bạn cần:

+Nộp hồ sơ đăng ký lại khai sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Hồ sơ gồm:

Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh;

Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó.

Bản cam đoan nộp đầy đủ các giấy tờ làm cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh hiện có.

+Tới UBND cấp xã, nơi chồng bạn đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc UBND cấp xã nơi chồng của bạn thường trú.

+Thời hạn giải quyết: 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh không có bản sao Giấy khai sinh được công chứng, chứng thực hợp lệ, bản sao được cấp từ Sổ đăng ký khai sinh, thì những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ sau đây là cơ sở để xác định nội dung đăng ký lại khai sinh sẽ là:

-Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.

-Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ chứng minh về nơi cư trú.

-Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận, Chứng chỉ, Học bạ, Hồ sơ học tập do cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận.

-Giấy tờ khác có thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân.

-Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con.

Ngoài ra, trong trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh cam đoan không đúng sự thật, cố ý chỉ nộp bản sao giấy tờ có lợi để đăng ký lại khai sinh thì việc đăng ký lại khai sinh không có giá trị pháp lý.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định nêu trên, phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha – con, mẹ – con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên; riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Như vậy, đối với trường hợp mất Giấy khai sinh mà bạn đưa ra, chồng của bạn có thể thực hiện thủ tục xin cấp bản sao trích lục hộ tịch (phần đăng ký khai sinh). Trường hợp không còn dữ liệu tại cơ quan quản lý dữ liệu thì chồng của bạn thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191