Câu hỏi của khách hàng: Làm chung sổ đỏ đứng tên chung thì đòi lại nhà đất thế nào?
Dạ em chào anh/chị.
Xin mọi người tư vấn giúp em ạ.
Nhà em và nhà nội xây nhà trên cùng một mảnh đất. Năm 2000 nhà em có đề nghị tách riêng sổ đỏ. Tuy nhiên, nhà nội nói trước sau gì cũng thuộc về bố em, tách làm gì cho mất tiền (bố em là con trai 1, ngoài ra có 4 người con gái nữa). Sau đó thì NHÀ NỘI ĐỨNG TÊN SỔ ĐỎ. Suốt trong thời gian đó tới nay nhà em đã mua thêm đất và làm nhà riêng khác nhưng bố em vẫn ở ngôi nhà trên đất cũ đó để quản ruộng vườn. Trong 3 năm gần đây Bố em bị ung thư nên chuyển về sống cùng mấy mẹ con em luôn và hiện tại Bố em vừa mất. Chỉ đợi có thế và mấy người em gái của Bố em đã đứng ra bán phần đất của nhà em (bao gồm cả căn nhà). Vậy cho em hỏi liệu có cách nào mấy mẹ con em đòi lại mảnh đất này không ạ?
Trước khi bố em mất, ông có chuyển về đó sống 1 thời gian để làm thủ tục tách sổ đất, bởi ông cũng đã biết bệnh tình của mình. Lúc đầu bên nội đối xử rất nhẹ nhàng với bố em nhưng sau biết mục đích của bố em nên trở mặt. 1 người em gái của ông đã đứng lên đuổi đi và nói nhà này không phải là của tụi mày (em trai em có mặt lúc đó). Sau khi nghe câu nói đó thì Bố em đã bị hôn mê sâu và mất vào 3 ngày sau. Mẹ em cũng từng gọi điện nói bố em không cần đòi lại mảnh đất đó mà hãy về nhà nghỉ ngơi cho khỏe nhưng bố em chối lại là cả đời chưa cho các con cái gì nên bây giờ trước khi chết bố em phải lấy lại để cho con cho cháu. Mà cũng bởi trong mắt bố em thì chị em gái ông luôn là người quan trọng nhất, chỉ tiếc bố em nhìn nhầm.
Vậy em rất mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người ạ. Lấy lại mảnh đất đó thì nhà em cũng chẳng để làm gì nhưng coi như tâm nguyện của bố em hoàn thành còn nếu không được thì đành chịu ạ. Em xin cảm ơn
Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 05/03/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền khi làm chung sổ đỏ
Luật đất đai năm 2013;
3./ Luật sư trả lời Làm chung sổ đỏ đứng tên chung thì đòi lại nhà đất thế nào?
Theo quy định của pháp luật đất đai thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được coi là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Do vậy, để xác định quyền sử dụng đất của một cá nhân, chủ thể có thẩm quyền sẽ dựa vào thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định.
Trong trường hợp của bạn, bạn cần nêu rõ hơn việc “nhà nội đứngtên sổ đỏ” cụ thể là như thế nào, bởi, việc này có nhiều chiều hướng xảy ra và sẽ ảnh hưởng tới việc đòi lại phần tài sản của bố của bạn.
-Trường hợp 1. Tất cả những người sống trong nhà nội của bạn, trong đó có cả bố của bạn và những người em của bố của bạn đều đứng tên trên Giấy chứng nhận. Việc này sẽ khiến mảnh đất được xác định là thuộc quyền sở hữu của tất cả những người có tên. Tất nhiên, trong đó có cả bố của bạn, và khi đó, bố của bạn vẫn được xác định là một trong những chủ sở hữu quyền sử dụng mảnh đất trên.
-Trường hợp 2.Chỉ có ông/bà bạn đứng tên. Trong trường hợp này, khi ông/bà của bạn mất, quyền sử dụng mảnh đất được chia theo di chúc của ông/bà bạn, nếu không có di chúc thì chia theo pháp luật. Việc chia thừa kế theo pháp luật sẽ làm phát sinh quyền thừa kế của tất cả những người con của ông, bà của bạn. Tức là cả bố của bạn và những người cô của bạn đều được xác định là chủ sử dụng đất và có quyền ngang nhau.
-Trường hợp 3. Chỉ có những người cô của bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận. Trong trường hợp này, quyền sử dụng đất được xác định là của những người cô của bạn, bố của bạn không được xác định quyền sử dụng đối với mảnh đất trên. Ngay cả khi lúc còn sống ông bà của bạn đã nói rằng sẽ để lại mảnh đất này cho bố của bạn.
-Trường hợp 4. Việc nhà nội đứng tên là đại diện chủ sở hữu (trong đó có cả bố của bạn) mà không phải là chỉ có người này là chủ sử dụng đất. Trường hợp này, việc xác định chủ sở hữu được coi là của tất cả những người có tên trong Giấy chứng nhận, những người được “nhà nội” đại diện.
Tuy nhiên, sự việc trên lại không ảnh hưởng tới quyền sở hữu nhà ở và các tài sả khác mà bố của bạn tạo lập nên trên mảnh đất này khi bạn có căn cứ, chứng cứ chứng minh căn nhà và tài sản đó là do chính bố của bạn xây dựng, tạo lập, duy trì, phát triển,…
Bởi, việc đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải luôn gắn liền với việc được xác định là chủ sở hữu căn nhà và các tài sản khác gắn liền trên đất.
Việc bạn cần làm ở đây là tìm hiểu kỹ xem chính xác thì quyền sử dụng đất được xác định là của những chủ sở hữu nào, tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ, văn bản xác nhận của người làm chứng, của ủy ban xã,… giúp xác minh nguồn gốc các tài sản trên đất, về nguồn gốc đất,… để xác định phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp của bố của bạn (về di sản của bố của bạn), từ đó, xác định quyền và lợi ích của bạn và gia đình.
Trong quá trình thu thập những tài liệu, chứng cứ trên bạn cũng cần chú ý, tránh việc những người cô của bạn thay đổi hiện trạng đất, làm lại Giấy chứng nhận,…
Sau khi đảm bảo đã có đủ chứng cứ cần thiết, bạn có thể yêu cầu các cô của bạn thực hiện việc trả lại phần tài sản thuộc sở hữu của bố của bạn trước đó, yêu cầu chính quyền địa phương tiến hành hòa giải để thỏa mãn điều kiện khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định lại rõ phạm vi quyền lợi của bố của bạn cũng như gia đình bạn đối với quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Bởi, việc bố của bạn không đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) không phải là căn cứ xóa bỏ toàn bộ công sức của bố của bạn khi xây dựng, xác lập, duy trì, bảo vệ tài sản trên đất cũng như quyền sử dụng đất của bố của bạn. Bạn nên thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn, yêu cầu UBND xã tiến hành hòa giải và thậm chí là khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết (nếu cần).
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN