Bà nội tôi muốn viết di chúc để lại 1 ngôi nhà cho tôi nhưng giấy chứng nhận quyền sở hữu của bà bị mất, đang trong giai đoạn làm lại. Vậy bà có viết di chúc được không?
Gửi bởi: đinh thùy linh
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch được quy định tại Điều 91 Luật nhà ở: Trong các giao dịch về mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý nhà ở thì nhà ở phải có các điều kiện sau đây:
– Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật;
– Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
– Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối chiếu với trường hợp bạn nêu, ngôi nhà của bà bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nên đủ điều kiện để lập di chúc theo quy định. Tuy nhiên, do bà bạn đã làm mất giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và hiện đang thực hiện thủ tục xin cấp lại nên việc lập di chúc cần chú ý như sau:
Ðiều 650 Bộ luật dân sự quy định về các hình thức di chúc bằng văn bản gồm:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có công chứng;
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Sẽ có hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất:
Nếu bà bạn lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì bà bạn có thể lập di chúc ngay trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới. Trong di chúc, bà bạn có thể mô tả về nhà ở với các nội dung như:
– Địa chỉ nhà ở;
– Diện tích xây dựng/diện tích sử dụng của nhà ở;
– Nhà ở được xây dựng trên thửa đất số ?, tờ bản đồ số ?, diện tích thửa đất…
– Nêu rõ nội dung: Hiện tại nhà ở đang được tiến hành cấp lại giấy chứng quyền sở hữu nhà ở. Có thể nêu rõ ngày lấy Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Giấy hẹn của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp thứ hai:
Nếu bà bạn lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc di chúc bằng văn bản có chứng thực thì phải đợi đến khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mới. Vì khi công chứng, chứng thực di chúc, bà bạn phải tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật công chứng và văn bản hướng dẫn, trong đó quy định về hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực như sau:
* Hồ sơ yêu cầu công chứng (Điều 40 Luật công chứng):
– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
* Hồ sơ yêu cầu chứng thực (Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch):
– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.
Bản sao giấy tờ quy định trên được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.
Theo quy định nêu trên, khi yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc tại cơ quan có thẩm quyền, bà bạn phải xuất trình bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Hiện nay, giấy chứng nhận đã mất thì bà bạn không thể tiến hàng công chứng, chứng thực di chúc được mà phải đợi đến khi được cấp giấy chứng nhận mới.
Các văn bản liên quan:
Luật 65/2014/QH13 Nhà ở
Nghị định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch
Luật 53/2014/QH13 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.