Di chúc để lại di sản cho con gái và cháu ngoại

Di chúc để lại di sản cho con gái và cháu ngoại

Năm 1990, ông A được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất diện tích 666 m2 mang tên ông A. Năm 1998, ông A có đơn đề nghị chia tách mốc giới đất đai, chia cho 4 người, trong đó ông A được 1 phần. Sau này, ông A mất đi có để lại di chúc về phần đất này cho con gái và cháu ngoại (di chúc có chữ ký của ông A và 02 người làm chứng được lập năm 2006). Vậy tôi xin hỏi, con gái và cháu ngoại ông A có phải là người thừa kế phần tài sản theo di chúc không vì người con trai ông A có khiếu kiện vì không đồng ý với bản di chúc đó (vợ của ông A đã mất trước ông A).

Gửi bởi: Cao Thi Thanh Hai

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 631 Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Với trường hợp của bạn, ông A có quyền để lại di chúc để định đoạt tài sản của mình và có quyền: chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản (Điều 648 Bộ luật Dân sự). Và con gái cũng như cháu ngoại của ông A sẽ được quyền hưởng di sản của ông A vì ông A đã chỉ định trong di chúc.

Vấn đề đặt ra ở đây là di chúc mà ông A lập có hợp pháp hay không? Điều 652 Bộ luật Dân sự quy định về điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp gồm:

Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Từ quy định nêu trên có thể đối chiếu với di chúc do ông A lập như sau:

Thứ nhất, về điều kiện người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép. Điều kiện này thì bạn phải căn cứ vào tình hình thực tế để xác định. Nếu có người chứng minh được khi lập di chúc, ông A không minh mẫn, không sáng suốt, hoặc bị người khác đe dọa, lừa dối thì di chúc đương nhiên không có hiệu lực theo quy định pháp luật.

Thứ hai, về nội dung di chúc: Ông A lập di chúc để lại di sản cho con gái và cháu ngoại nên có thể coi là không trái pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội.

Thứ ba, về hình thức di chúc:

Điều 649 Bộ luật Dân sự quy định: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Theo thông tin bạn cung cấp thì di chúc của ông A có hai người làm chứng nên có thể coi đây là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Điều 656 Bộ luật Dân sự quy định, việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định sau:

– Nội dung di chúc phải ghi rõ:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản;

+ Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Người làm chứng cho việc lập di chúc: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

+ Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

+ Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Bạn có thể căn cứ vào những quy định trên để xác định tính hợp pháp của di chúc mà ông A đã lập. Nếu di chúc của ông A là hợp pháp theo quy định của pháp luật thì con gái, cháu ngoại của ông A đương nhiên là người được hưởng di sản theo di chúc.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191