Tôi thuê một công ty vận chuyển để chuyển hàng hóa là tượng di lặc ngồi gốc đào (giá trị 10.000.000 đồng). Trong quá trình vận chuyển, tượng bị gãy rời và không còn giá trị. Khi lên văn phòng của công ty này giải quyết, nhân viên của công ty nói hàng đáng lẽ phải được đóng thùng gỗ để vận chuyển, và do tôi không mua bảo hiểm hàng hóa của công ty nên chỉ đền bù thiệt hại tối đá 3.000.000 đồng. Mặc dù, tôi đã căn dặn kĩ lưỡng là hàng dễ vỡ, bên công ty nói không sao, để họ dán mác hàng dễ vỡ và đóng gói lại dùm, họ cũng không hề nhắc tới việc phải mua bảo hiểm cũng như tư vấn cho tôi là có nên mua hay không. Xin hỏi tôi đòi bồi thường với mức giá 10.000.000 đồng, chưa kể bồi thường uy tín cho tôi và anh bạn hang của tôi,thì có hợp lý hay không?
Gửi bởi: Linh
Trả lời có tính chất tham khảo
Giữa bạn và công ty vận chuyển đã giao kết hợp đồng vận chuyển tài sản. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Theo đó, bên vận chuyển có nghĩa vụ sau đây (theo Điều 539 Bộ luật Dân sự):
– Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn;
– Trả tài sản cho người có quyền nhận;
– Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;
– Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, bạn cần xác định lỗi của bên vận chuyển đối với việc hư hỏng tài sản mà bạn đã thuê vận chuyển; từ đó, có căn cứ yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại cho bạn.
Việc bồi thường thiệt hại phải được thực hiện theo nguyên tắc:
– Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.