Ông nội tôi có 6 người con trai, ông cho 6 người mỗi người 1 phần đất ở nhưng toàn bộ vẫn đứng tên ông, chưa làm thủ tục sang tên cho ai. Người con thứ 3 của ông là T đã có vợ và 2 con (1 trai là Q và 1 gái là L). Nhưng vài năm trước, chú T đã ly hôn vợ; thím tôi không đòi chia tài sản chỉ yêu cầu: chú T nuôi Q và phải đảm bảo sau này khi ông nội chuyển nhượng cho chú thì chú phải để lại quyền thừa kế cho Q. Nay chú T đã kết hôn với người khác, chưa có con chung; chú đòi bán đất. Vậy tôi xin hỏi: (1) Chú T chưa được sang tên phần đất do ông nội cho thì chú có quyền bán đất hay không? (2) Ông nội tôi có quyền chuyển nhượng hay cho cháu nội là Q trong khi con trai ông là chú T vẫn còn sống và không đồng ý với ông không? (3) Người vợ hai của chú T là P (không được ông nội thừa nhận) có quyền lợi gì đối với mảnh đất trên không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Bùi Văn Long
Trả lời có tính chất tham khảo
Về quyền của chú bạn: Ðiều 692 Bộ luật dân sự quy định về hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất như sau:Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối chiếu với trường hợp bạn nêu, ông nội bạn mới chỉ hứa sẽ cho mỗi người con trai một phần đất ở mà chưa làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật nên chú bạn (cũng như tất cả 6 người con trai của ông) chưa phải là chủ sử dụng đối với thửa đất đó, và đương nhiên chú bạn không có quyền chuyển nhượng thửa đất.
Về quyền của ông bạn: ông bạn hiện vẫn là chủ sử dụng thửa đất nên ông có toàn quyền thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Các quyền của chủ sử dụng đất dược quy định tại Điều 179 Luật đất đai như sau:Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
– Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác;
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
– Cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thuê quyền sử dụng đất;
– Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này; tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này;
– Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
– Góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh;
– Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định trên thì ông nội bạn có quyền chuyển nhượng/ tặng cho bất kỳ ai, trong đó có thể chuyển cho cháu ruột là Q; không có ai (kể cả chú T) được ngăn cản quyền của ông nội bạn. Ông nội và cháu Q có thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng/ tặng cho quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mà không cần có sự đồng ý của chú T.
Về quyền lợi của cô P (vợ chú T): Cũng giống như chú T, cô P không có quyền gì đối với thửa đất của ông nội bạn, không được quyền tranh chấp, đòi hỏi quyền lợi đối với thửa đất mà ông nội bạn là chủ sử dụng.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 45/2013/QH13 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.