Vay tiền hưởng chênh lệch

Vay tiền hưởng chênh lệch

Tháng 10/2012, tôi có vay chị A 1 tỷ đồng với lãi suất 2.000 đồng/1triệu/1ngày đưa cho chị B (phó phòng kinh doanh ngân hàng) vay lại với lãi suất 3.000 đồng/1triệu/1 ngày. Cả 2 hợp đồng vay đều là viết tay, không thông qua thủ tục gì khác. Hiện nay, chị B đã bỏ trốn cùng với tất cả số tiền của tôi cùng nhiều người khác. Tôi đã trình báo cơ quan chính quyền sở tại vụ việc trên và cũng báo cho chị A biết tình hình cụ thể. Nhưng nay chị A cứ đến ép và đòi tôi hoàn trả số tiền trên trong khi tôi cũng bị mất hết và không còn khả năng chi trả nữa. (Chị A đã được biết mục đích kinh doanh của tôi là hưởng lãi suất chênh lệch trước đó). Vậy nếu như chị A kiện tôi ra tòa, thì tôi có bị phạm vào tội danh nào không?

Gửi bởi: Bảo Nam

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”

Hậu quả pháp lý của việc cho vay lãi suất cao hơn quy định: Khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010.

Như vậy, lãi suất tối đa các bên có thể thỏa thuận là: 9% x 1.5

Và lãi suất thực tế tối đa mỗi năm các bên có thể thỏa thuận trong trường hợp của bạn là: 1 tỷ đồng x 9% x 1.5/năm = 135 triệu đồng/năm.

Trong khi lãi suất trong 2 hợp đồng vay của bạn là: tương ứng với lãi suất ngày 2.000 đồng/triệu, lãi suất năm sẽ là 720 triệu đồng/1tỷ; tương ứng với lãi suất ngày 3.000 đồng/triệu, lãi suất năm sẽ là 1.8 tỷ đồng/1tỷ.

Đối chiếu với mức lãi suất tối đa mà NHNN khống chế thì việc cho vay ở cả hai giao dịch nói trên đã vi phạm về mức lãi suất.

Bên cạnh đó, việc chị A cho bạn vay tiền và bạn cho chị B vay lại là hai hợp đồng vay tiền hoàn toàn độc lập với nhau và chỉ vi phạm về mức lãi suất cho vay như đã phân tích ở trên. Khi đến thời hạn vay mà hai bên đã thỏa thuận về trả cả gốc và lãi mà bạn không trả được chị A thì chị A hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để đòi khoản tiền mà bạn đã vay, trong trường hợp này bạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự là phải hoàn trả lại số tiền gốc và số tiền lãi được tính lại theo quy định của pháp luật (do cả hai bên vi phạm mức lãi suất, nên lãi suất của khoản tiền vay này được Tòa án xác định lại theo quy định của pháp luật hiện hành) và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Còn về mặt hình sự bạn không phạm vào tội danh nào cả, tuy nhiên trong trường hợp do không có khả năng hoàn trả lại số tiền nói trên mà bạn có hành vi bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền nói trên thì hành vi của bạn có thể cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009)./.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191