Năm 2007, Hội viên của Hội Nông dân nơi tôi công tác có tranh chấp dân sự và đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử án kết quả là người này thắng kiện (có Quyết định của tòa án ngày 20 tháng 8 năm 2008). Bên thua kiện đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường theo quy định của pháp luật (cuối cùng vào ngày 15 tháng 9 năm 2009). Nhưng đến nay bên thua kiện phát đơn khiếu nại Quyết định của Tòa án tỉnh lên Tòa án tối cao. Tòa án tối cao trả lại và yêu cầu Tòa án tỉnh xét xử lại. Nay tòa án tỉnh triệu tập để xét xử lại vụ án. Xin hỏi:
1. Thời hiệu khởi kiện từ khi có quyết định của tòa án là bao nhiêu ngày? Việc thực hiện nghĩa vụ của của bên thua kiện đã chấm dứt đến nay đã 3 năm, nay lại phát đơn yêu cầu xét xử lại vụ án như vậy đúng hay sai?
2. Hội viên của tôi có quyền từ chối yêu cầu của tòa án không và phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Gửi bởi: Đỗ Văn Cơ
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bác
Theo nội dung vụ việc đã nêu, Tòa án nhân dân tỉnh đã ra quyết định giải quyết tranh chấp dân sự đối với người hội viên. Bản án sơ thẩm tuyên ngày 20/8/2008. Từ 20/8/2008 đến ngày 15/9/2009 đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm để xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm theo Điều 245 và 252 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Chính vì vậy, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên đã có hiệu lực pháp luật.
Đến nay, tức tháng 8/2012 bên thua kiện có đơn khiếu nại quyết định của Tòa án tỉnh lên Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án tối cao yêu cầu Tòa án tỉnh xét xử lại. Yêu cầu Tòa án xem xét quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của bên thua kiện là hợp pháp theo Điều 264a BLTTDS. Do tình huống bạn nêu không rõ thông tin nên chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Nếu sau khi nhận đơn khiếu nại của bên thua kiện, những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quy định tại Điều 285, 307 BLTTDS đã kháng nghị trong thời hạn quy định tại Điều 288 BLTTDS (3 năm từ ngày bản án, quyết định của Tòa án tỉnh có hiệu lực pháp luật) và Điều 308 BLTTDS (1 năm từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm tại Điều 305 BLTTDS). Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm ra quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại thì Tòa án tỉnh phải xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm phải được gửi cho người hội viên trong thời hạn 5 ngày làm việc từ ngày ra quyết định.
– Nếu chưa nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án tối cao thì người hội viên có quyền từ chối tham gia tố tụng tại tòa án tỉnh và yêu cầu tòa án tỉnh phải gửi quyết định này cho mình.
– Nếu đã nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án tối cao thì người bạn của bạn cần xem xét những căn cứ để ra quyết định giám đốc thẩm có phù hợp với Điều 283 BLTTDS, đó là:
1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Hay căn cứ để ra quyết định tái thẩm có phù hợp với Điều 305 BLTTDS, đó là:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.
Khi cho rằng quyết định này là không phù hợp, người bạn này có thể làm đơn đề nghị Tòa án tối cao xem xét lại quyết định của mình nhưng vẫn phải tham gia tố tụng tại Tòa án tỉnh để xét xử lại vụ án.
Khi có bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án tỉnh sau khi xét xử lại, người bạn của bạn có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày từ khi Tòa tuyên án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Các văn bản liên quan:
Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.