Trước khi lấy mẹ tôi thì cha tôi đã có một đời vợ (hợp pháp) và có một đứa con trai riêng (người con này trên 25 tuổi và đã có vợ). Vợ trước của cha tôi cũng đã có gia đình mới. Cha lấy mẹ, sống và làm ăn ở quê mẹ tôi. Còn con riêng của cha tôi thì để cô Tư (là em ruột của cha tôi) nuôi nấng ở quê cha tôi. Cha mẹ tôi vẫn thường xuyên cho tiền anh ấy. Nay cha tôi đã mất đột ngột, không để lại di chúc. Anh ấy nhiều lần xin tiền nhưng mẹ tôi không cho (anh ấy xin 75 triệu, nói là khi cha còn sống có hứa cho anh và chị xây nhà). Tất cả giấy tờ đất đai, nhà cửa đều chỉ một mình mẹ tôi đứng tên (riêng giấy phép kinh doanh thì cha đứng tên). Nay hai người đó dọa nếu không đưa tiền sẽ kiện mẹ tôi ra tòa. Vậy cho hỏi như vậy có hợp lý không và chúng tôi nên làm như thế nào?
Gửi bởi: Lệ Sương
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Về việc thừa kế tài sản
Theo quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế theo pháp luật. Tại điểm a khoản 1 Điều 675 về những trường hợp thừa kế theo pháp luật thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc. Theo đó thì: những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự: hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Theo quy định tại Điều 2 về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình của Luật Hôn nhân và gia đình thì: “nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”.
Do đó người con trước của cha bạn sẽ ngang hàng với bạn trong việc hưởng di sản thừa kế của bố bạn bởi về mặt pháp luật họ là con của bố bạn.
Di sản thừa kế của bố bạn được xác định như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng thì:
“Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.”
Tài sản chung của bố mẹ bạn gồm tài sản do bố mẹ bạn có được trong thời kì hôn nhân, được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà bố mẹ bạn thỏa thuận là tài sản chung không kể đứng tên ai trừ những tài sản mà mẹ bạn hoặc bố bạn chứng minh được là tài sản riêng và không đồng ý sát nhập vào tài sản chung vợ chồng.
2. Về việc tặng cho tài sản
Việc trước đây bố bạn nói là cho anh bạn tiền nhưng vẫn chưa cho thì bây giờ anh bạn cũng không có quyền đòi mẹ bạn số tiền đó bởi Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự.
Còn đối với phần di sản mà bố bạn để lại nếu không có thỏa thuận gì khác thì sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế như đã nêu trên và anh bạn có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu chia thừa kế nếu không được hưởng thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội
Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: z
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.