Ông bà tôi chết có để lại di sản là một căn nhà. Trong số những người thừa kế có hai người cậu của tôi hiện đang định cư ở nước ngoài. Xin hỏi: cậu tôi có thể đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để làm ủy quyền cho mẹ tôi (hiện đang ở Việt Nam) ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản không? Trên Giấy ủy quyền có nội dung được đại diện tặng cho lại phần di sản mà cậu tôi được hưởng cho người thừa kế khác không?
Gửi bởi: Nguyễn Kiên Nhẫn
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 65 Luật Công chứng quy định: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật Công chứng và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản.
Như vậy, hợp đồng ủy quyền của cậu bạn có thể được chứng nhận bởi Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Hợp đồng ủy quyền được thực hiện bởi Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao theo trình tự, thủ tục của Luật Công chứng.
Người nhận ủy quyền có thể là mẹ bạn hoặc bất kỳ người nào đủ điều kiện theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Dân sự: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Nội dung ủy quyền: cậu bạn có thể ủy quyền cho người được ủy quyền được thay mặt và nhân danh cậu làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, trong đó có hai nội dung: nhận phần di sản được hưởng; và nhường phần di sản được hưởng cho người khác.
Như vậy, người được ủy quyền có thể đại diện cho cậu bạn tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật tại Việt Nam.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 82/2006/QH11 Công chứng
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.