Ông bà nội tôi có 3 người con: cô hai, bác ba và cha tôi. Hiện ông bà, cô hai và cha tôi đã mất. Khi còn sống ông bà có nói sẽ cho tôi và em trai tôi căn nhà hiện tại mà tôi, mẹ và em trai đang sinh sống. Bác ba tôi đã có nhà riêng (do tiền của ông bà cho), nhưng bác vẫn muốn chia phần sở hữu và giữ giấy tờ căn nhà tôi đang ở. Tiền hóa giá nhà do mẹ tôi trả 70%. Xin hỏi: Theo quy định của pháp luật căn nhà tôi đang ở sẽ được phân chia như thế nào? Yêu cầu của bác ba có hợp pháp hay không?
Gửi bởi:
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng mặc dù khi còn sống ông bà bạn có nói là sẽ cho bạn và em trai bạn căn nhà hiện tại bạn, mẹ bạn và em trai bạn đang sinh sống. Tuy nhiên, trước khi ông bà bạn mất đi đã không viết di chúc để lại và thể hiện tâm nguyện này.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự
Điều 649 quy định về “Hình thức của di chúc” thì “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”
Tuy nhiên “Di chúc miệng” chỉ được lập khi:
“1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.” (Điều 651)
Và được coi là hợp pháp khi “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực” (khoản 5 Điều 652)
Như vậy, trong trường hợp bạn hỏi, theo quy định của pháp luật về thừa kế, áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 675 thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật.
Do nhà bác ba bạn đang ở là nhà do ông bà cho tiền mua từ khi ông bà còn sống nên mặc nhiên được coi là nhà của bác bạn.
Phần tài sản chia theo thừa kế ở đây chỉ tính căn nhà mà hiện bạn, mẹ bạn và em bạn đang ở và phần tài sản khác của ông bà hiện vẫn đang thuộc quyền sở hữu của ông bà bạn (nếu có). (sau đây tạm gọi là tổng giá trị tài sản thừa kế)
Theo Điều 676 thì những người được hưởng thừa kế trong trường hợp này là ba của bạn, bác ba và cô hai (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất).
Tuy nhiên, do ba bạn và cô hai đã mất nên sẽ áp dụng theo quy định tại Điều 677 về “Thừa kế thế vị”
Do bạn không nói rõ cô hai bạn có con hay không nên tôi sẽ chia thành hai trường hợp như sau :
Trường hợp 1: Nếu cô hai bạn có con (kể cả con đẻ và con nuôi hợp pháp) và đang còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì bạn, em trai bạn được hưởng phần thừa kế thế vị mà cha bạn được hưởng 1/3 tổng giá trị tài sản thừa kế, con của cô hai bạn được hưởng 1/3 tổng giá trị tài sản thừa kế và bác ba bạn được hưởng 1/3 tổng giá trị tài sản thừa kế.
Trường hợp 2: Nếu cô hai bạn không có con (kể cả con đẻ và con nuôi hợp pháp) thì bạn và em bạn sẽ được hưởng 1/2 tổng giá trị tài sản thừa kế, bác ba bạn được hưởng 1/2 tổng giá trị tài sản thừa kế.
Trong thư hỏi bạn có nói “mẹ bạn đã trả 70% tiền hóa giá căn nhà” nhưng không nói rõ là ai hóa giá và mẹ bạn trả tiền cho ai nên chúng tôi không có đủ thông tin để trả lời bạn về phần này. Chúng tôi chỉ đưa ra câu trả lời mang tính chất tham khảo như sau:
Nếu tài sản ông bà bạn để lại chỉ còn căn nhà mà hiện bạn, mẹ bạn và em bạn đang ở thì trong trưởng hợp mẹ bạn và bác ba cùng với các con (hoặc người đại diện theo pháp luật cho các con của cô hai (nếu có)) có thỏa thuận về các bên đồng ý để cho bạn và em bạn được quyền sở hữu căn nhà thì sẽ cùng định giá căn nhà và mẹ bạnđại diện cho bạn và em bạn sẽ:
Trường hợp 1: mẹ bạn phải chi trả cho bác ba và các con của cô hai 2/3 giá trị căn nhà.
Trường hợp 2: mẹ bạn phải chi trả cho bác ba 1/2 giá trị căn nhà.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.