Cho mượn tài khoản để bên cho vay chuyển tiền cho bên vay

Cho mượn tài khoản để bên cho vay chuyển tiền cho bên vay

Trước đây, mẹ tôi có cho một người hàng xóm nhờ số tài khoản ngân hàng của mẹ tôi để người khác chuyển tiền vào. Khi giao tiền cho người hàng xóm thì mẹ tôi chủ quan đã không bắt người hàng xóm ký nhận tiền. Đến nay người chuyển tiền vào tài khoản mẹ tôi đã nhờ mẹ tôi sang đòi tiền của người hàng xóm. Mẹ tôi có nói chuyện mấy lần nhưng không có kết quả. Người chuyển tiền có nói sẽ gửi toàn bộ chứng từ nhờ công an và ngân hàng can thiệp. Vậy tôi muốn hỏi mẹ tôi có ảnh hưởng gì không? Nếu người hàng xóm trở mặt thì phải giải quyết như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: Nguyễn Thị Thanh Nga

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo thông tin bạn cung cấp thì giữa người hàng xóm và người chuyển tiền đã giao kết hợp đồng vay tiền. Quyền và nghĩa vụ của hai bên được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, người hàng xóm có nghĩa vụ theo Ðiều 474 Bộ luật Dân sự:

– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

– Ðịa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận.

– Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Khi hai bên thỏa thuận được việc trả nợ thì mẹ bạn không cần phải liên quan gì. Trong trường hợp, người hàng xóm không trả nợ thì người chuyển tiền có quyền khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Và mẹ bạn có thể sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khoản 4 Điều 56 Bộ luật Dân sự quy định: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Toà án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi tham gia tố tụng trong quá trình tòa án giải quyết tranh chấp giữa người hàng xóm và người chuyển tiền thì mẹ bạn có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

Điều 61 Bộ luật Tố tụng dân sự: Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 58 của Bộ luật này;

b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.

2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc chỉ có quyền lợi thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu tham gia tố tụng với bên bị đơn hoặc chỉ có nghĩa vụ thì có các quyền, nghĩa vụ của bị đơn quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.”

Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi năm 2011). Quyền, nghĩa vụ của đương sự:

1. Các đương sự có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.

2. Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này;

b) Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu trữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án;

d) Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá;

đ) Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập;

e) Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

g) Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành;

h) Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;

i) Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

k) Tham gia phiên toà;

l) Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;

m) Tranh luận tại phiên tòa;

n) Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng;

o) Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc người làm chứng;

p) Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;

q) Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành các quyết định của Tòa án trong thời gian giải quyết vụ án;

r) Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà;

s) Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;

t) Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

u) Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí theo quy định của pháp luật;

v) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

x) Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật này;

y) Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.”

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191