Năm nay cháu 17 tuổi. Trong khoảng 2 tuần trước cháu bị chị sinh viên ở cùng dãy phòng trọ buộc tội cạy cửa lấy đồ trong phòng của chị ấy, chị ấy tố cáo cháu ra công an phường sau khi sự việc xảy ra khoảng 3-4 ngày và dựa vào lời nói của 1 cô bé khoảng 13 tuổi với vật chứng là 1 con búp bê treo khoá mà chị nói là mất cùng lúc với ngày hôm đó và do cô bé đó đưa cho chị ấy. Cháu rất bất ngờ nhưng cháu nghĩ mình không làm thì không sao và cháu cũng có nhân chứng trong ngày hôm đó. Nhưng sau 2 lần mời nhân chứng của cháu lên phường thì họ chỉ làm việc với cô bé kia mà không làm việc với nhân chứng củaa cháu, đã vậy tới lần mời thứ 2 thì họ lại ép nhân chứng của cháu nói theo lời cô bé kia, và không cho nhân chứng của cháu được nói ý kiến của mình ra, và khi nhân chứng của cháu không đồng ý nói ra điều mà không đúng sự thật thì bị nói là nói dối và bị đe doạ. Sự việc khiến cháu rất bàng hoàng và lo lắng, dù nhân chứng của cháu quyết không nói điều dối trá nhưng cháu vẫn lo lắng về cách giải quyết kì lạ đó nên cháu muốn được tư vấn xem cách làm việc của công an phường vậy là có đúng hay không? Cháu xin cám ơn và rất mong nhận được câu trả lời.
Gửi bởi: Nguyễn Như Phượng Vỹ
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bạn
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, bị can, bị cáo… là một trong những hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ phục vụ cho quá trình chứng minh vụ án phạm tội. Theo đó Điều 67 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định về lời khai của người làm chứng như sau:
“1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.”
Điều 68 quy định về lời khai của người bị hại như sau:
“1. Người bị hại trình bày về những tình tiết của vụ án, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và trả lời những câu hỏi đặt ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.”
Bên cạnh đó, Điều 66 Bộ luật Tố tụng năm 2003 cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ cụ thể như sau: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.
Như vậy, công an chỉ làm việc với cô bé kia mà không làm việc với nhân chứng cùa bạn, đã vậy tới lần mời thứ 2 thì họ lại ép nhân chứng của bạn nói theo lời cô bé kia, và không cho nhân chứng của bạn được nói ý kiến của mình ra, và khi nhân chứng của bạn không đồng ý nói ra điều mà không đúng sự thật thì bị nói là nói dối và bị đe doạ là vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra vụ án, là thiếu khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. Và bạn hoàn toàn có quyền dùng quyền khiếu nại của mình theo quy định tại Chương XXXV Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 để yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng và chiến sĩ công an trực tiếp tiến hành thụ lý vụ án làm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.