A có mâu thuẫn với B từ trước nên hai bên có hẹn gặp nhau để giải quyết (đánh nhau). A về nhà đem theo một con dao phớ dài khoảng 45cm đi tìm B. Còn B cũng về nhà chuẩn bị 2 thanh kiếm dài 65 cm đem theo bên mình và có rủ thêm bạn là L cùng đi. Khi gặp B, A lập tức rút dao ra chém B 3 nhát và B đều né được. Lúc này L rút trong túi ra hộp xịt hơi cay xịt vào mặt A làm A bị cay mắt và ngồi xuống. B đã rút kiếm và chém liên tiếp vào A làm A gục xuống (B vẫn tiếp tục chém). Sau đó B đi tìm bạn bè của A và hô “chém chết hết bọn này đi”, không gặp được ai B đã chém 2 người bên đường làm họ bị thương. A đã bị chết, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh T đã truy tố B về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động manh”. Cơ quan điều tra bỏ qua L không có một bản khai nào trong hồ sơ vụ án. Xin hỏi định danh tội của B như vậy có phù hợp hay không? Việc không đưa L vào diện điều tra có bỏ lọt tội phạm hay không?
Gửi bởi: Nguyen The Minh
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Về việc định tội danh đối với hành vi của B
Điều 95 của Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 95. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm”.
Như vậy, nguyên nhân đưa đến việc giết người là do ức chế, phẫn uất về mặt tâm lí xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người đó đưa đến. Trong trạng thái tâm lí này người phạm tội không tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình, tính tự chủ và khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi bị hạn chế ở mức độ cao, từ đó đã có hành vi giết người.
Xét trong trường hợp trên, A không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với B hoặc người thân của B; mặt khác, B vừa gặp A đã rút kiếm ra để đâm A mà không phải do B bị ức chế, phẫn uất về mặt tâm lí xuất phát từ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đưa đến. Do vậy, trong trường hợp này, B không phải là phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 của Bộ luật Hình sự).
Ngoài ra, đối với hành vi chém 02 người bên đường bị thương, nếu tỷ lệ thương tật của 02 người đó từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự thì B còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.
2. Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với L
Khoản 1, khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm…”.
Như vậy, trong trường hợp này, L cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với vai trò là đồng phạm (người giúp sức) vì L đồng ý cùng B đi gặp A và lúc đi có mang theo bình xịt hơi cay trong túi, khi thấy B đâm A, L đã dùng bình xịt hơi cay để xịt vào mắt A làm A cay mắt để B giết A.
Việc cơ quan điều tra không lấy lời khai của L và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với L là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Các vấn đề chung về XDPL
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.