Đổi họ tên cho con sau khi ly hôn

Đổi họ tên cho con sau khi ly hôn

Tháng 8/2011, tôi có sinh một cháu trai, cha ruột của bé đi làm giấy khai sinh cho cháu. Tháng 6/2012, tôi và cha ruột của cháu li hôn. Theo quyết định của tòa án thì tôi trực tiếp nuôi dưỡng cháu, còn người cha có quyền thăm nom và có nghĩa vụ trợ cấp 1 triệu đồng/tháng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Từ tháng 6/2012 đến tháng 4/2015, người cha không một lần thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con theo Quyết định của tòa. Vì vậy, Tôi muốn làm thủ tục đổi họ và tên cho cháu.Xin hỏi thủ tục như thế nào? Hiện Giấy khai sinh bản gốc người cha đang giữ và anh ta không đồng ý cho đổi họ tên cho cháu. Trường hợp khác nếu sau này tôi có tái hôn thì tôi muốn đổi họ của cháu theo người cha mới/hoặc theo tôi thì có cần sự đồng ý của người cha ruột không?

Gửi bởi: TRẦN THỊ THẢO – sn 1983

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về điều kiện đổi họ tên cho con

Theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

“a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.

Ngoài ra khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã cho phép một số trường hợp được thay đổi, cải chính liên quan đến hộ tịch, trong đó bao gồm thay đổi họ, tên, chữ đệm đã đăng ký trong giấy khai sinh khi cá nhân có yêu cầu thay đổi với lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con của mình kể cả khi quan hệ hôn nhân chấm dứt. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.

Trường hợp của bạn, việc đổi họ tên cho con bạn phải đượcsự đồng ý của chồng bạn, kể cả sau này bạn kết hôn với người khác và lấy họ tên của con theo người chồng mới.

2. Về thủ tục đề nghị đổi họ tên

– Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên làỦy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây vì theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 158, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi.

– Về hồ sơ, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 06/2012/NĐ-CP) thì hồ sơ bao gồm: tờ khai (theo mẫu), bản chính giấy khai sinh của con, các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…). Ngoài các giấy tờ trên, trường hợp mà bạn nêu còn phải có văn bản thể hiện sự đồng ý của cả cha và mẹ về việc đổi họ cho con.

– Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày, cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và quyết định về việc thay đổi họ tên. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp một bản chính quyết định về việc thay đổi họ, tên cho con. Trường hợp cần phải xác minh, thời hạn giải quyết được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 06/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191