Em muốn nhập hộ khẩu ở 1 xã của tỉnh Long An. Em có làm bản khai nhân khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, được cơ quan công an ở Long An xác nhận em đủ điều kiện nhập khẩu, họ bảo gửi hồ sơ này về xin giấy chuyển hộ khẩu ở địa phương, em gửi giấy này về cho ba em nộp cùng sổ hộ khẩu gia đình có tên em trong đó lên công an thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận để làm thủ tục xin giấy chuyển hộ khẩu cho em. Tuy nhiên, cơ quan công an ở đây không nhận hồ sơ và trả lời miệng rằng em phải trực tiếp nộp hồ sơ mới được. Xin hỏi như vậy có đúng không? Em phải làm như thế nào? Em xin cảm ơn.
Gửi bởi: Đào Văn Cẩn
Trả lời có tính chất tham khảo
Đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu.
Theo quy định tại Luật Cư trú năm 2006, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Về thủ tục đăng ký thường trú, người đăng ký thường trú phải nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an cấp xã nơi đến thường trú. Khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú có quy định về hồ sơ đăng ký thường trú, theo đó hồ sơ đăng ký thường trú tại tỉnh gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
– Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú.
Như vậy, trong hồ sơ đăng ký thường trú bắt buộc phải có giấy chuyển hộ khẩu. Để có giấy này, bạn phải làm thủ tục xin chuyển hộ khẩu tại cơ quan công an cấp xã nơi trước đây bạn có đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Cư trú. Cụ thể là:
“3. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định như sau:
a) Trưởng Công an xã, thị trấn cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
4. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi công dân chuyển hộ khẩu đến, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có người chuyển đi phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho Công an cùng cấp nơi người đó chuyển đến.
6. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:
a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;
c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;
đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.”
Theo đó, pháp luật không bắt buộc người chuyển hộ khẩu phải trực tiếp nộp hồ sơ chuyển hộ khẩu. Do vậy, việc cơ quan công an thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh (Bình Thuận) yêu cầu bạn phải trực tiếp nộp hồ sơ chuyển hộ khẩu là không đúng pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Luật 81/2006/QH11 Cư trú
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN