Hiện tại trong sổ hộ khẩu của em ghi dân tộc Hoa và chứng minh nhân dân cũng ghi dân tộc Hoa. Em đi thay đổi chứng minh nhân dân thành người Kinh thì họ nói phải đổi hộ khẩu trước. Ba mẹ em đều là người Kinh nhưng trong hộ khẩu lại ghi em người Hoa. Em xin hỏi thủ tục để em thay đổi từ dân tộc Hoa thành dân tộc Kinh như thế nào?
Gửi bởi: Trương Thái Kiệt
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 28 Bộ luật Dân sự có quy định như sau: “Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ”.
Như vậy, khi sinh ra cá nhân chỉ có thể xác định dân tộc của mình theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ mà không thể mang dân tộc khác. Đối với trường hợp của bạn do cả cha và mẹ bạn đều là dân tộc Kinh, do đó khi bạn được đăng ký khai sinh cũng sẽ mang dân tộc Kinh.
Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã quy định rất rõ giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như sau: mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Do nhầm lẫn nên hiện tại bạn đang có sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân ghi là dân tộc Hoa, vì vậy để được mang dân tộc Kinh theo dân tộc của cha mẹ bạn thì bạn phải mang Giấy khai sinh đến cơ quan công an đã cấp sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân cho bạn để yêu cầu thay đổi lại phần thông tin này.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN