Tôi sinh năm 1991, hiện tôi chưa kết hôn, người yêu tôi sinh năm 1993. Chúng tôi xác định đến với nhau nhưng hiện tại có một số người thân của hai bên gia đình có ý ngăn cản không cho đến với nhau vì chúng tôi có quan hệ họ hàng với nhau. Cụ thể: – Về bên họ nội: tôi và người yêu không có quan hệ họ hàng thân thích. – Về bên họ ngoại: thì ông ngoại tôi, người sinh ra mẹ tôi và cụ ngoại cô ấy, người sinh ra ông ngoại cô ấy,người mẹ cô ấy gọi là ông nội, là 2 anh em ruột. Về vai vế bên ngoại mẹ cô ấy gọi mẹ tôi là cô họ. Hiện tại cụ ngoại cô ấy, ông bà ngoại tôi và mẹ tôi đều đã mất. Tôi có tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình nhưng chưa rõ về cách tính quan hệ cùng họ trong phạm vi 3 đời và không rõ nếu chúng tôi kết hôn như vậy thì có vi phạm pháp luật không?
Gửi bởi: Nguyễn Văn Toàn
Trả lời có tính chất tham khảo
Tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định những điều kiện kết hôn, ngoài các điều kiện như nam từ đủ20 tuổi trở lên, nữ từđủ 18 tuổi trở lên, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bị mất năng lực hành vi dân sựthì còn phải không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Theo đó, một trong các trường hợp cấm kết hôn là: “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời“.Xét về mặt khoa học, việc cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống để nhằm đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của con cái, sự phát triển bền vững và hạnh phúc của gia đình. Xét về yếu tố phong tục, tập quán, đạo đức xã hội Việt Nam thì việc cấm những người có quan hệ huyết thống kết hôn với nhau còn có tác dụng làm lành mạnh các mối quan hệ trong gia đình, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thuật ngữ “Những người có họ trong phạm vi ba đời” đã được giải thích tại khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình. Theo giải thích này thì: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba“. Đối chiếu quy định trên vào trường hợp của bạn thì có thể phân tích như sau:
– Bố, mẹ của ông ngoại bạn và cụ ngoại cô ấy là đời thứ nhất;
– Ông ngoại bạn và cụ ngoại cô ấy là đời thứ hai;
– Bố bạn và ông ngoại cô ấy là đời thứ ba;
– Bạn và bố cô ấy là đời thứ tư;
– Cô ấy là đời thứ năm.
Qua đó, có thể thấy nếu hai bạn kết hôn thì không vi phạm quy định cấm kết hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy rất nhiều gia đình sẽ không chấp nhận việc những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau. Vì vậy, để hôn nhân của hai bạn thật sự hạnh phúc, hai bạn cần giải thích, thuyết phục gia đình hai bên chấp nhận mối quan hệ này.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: vietduc
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.