Tự ý chuyển quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Tự ý chuyển quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Năm 2009, sau khi kết hôn, hai vợ chồng tôi được cấp một mảnh đất. Khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất thì vợ tôi chỉ đăng ký tên cô ấy trong khi tiền lấy đất và làm các thủ tục là do tôi bỏ ra. Năm 2011, sau khi được cấp sổ đỏ, vợ tôi không cho tôi xem vì vậy vợ chồng tôi xảy ra cãi vã và bỏ về nhà mẹ sống. Trong thời gian này, vợ tôi đã bán mảnh đất này cho người khác (tôi không hề biết). Sau một năm ly thân, năm 2012, vợ tôi chủ động ly hôn và thống nhất với nhau sẽ cho con mảnh đất trên. Sau khi ly hôn, tôi mới biết về việc vợ tôi đã bán đất từ năm 2011 chứ không phải để lại cho con như đã thống nhất khi ly dị (tôi đã xác nhận việc bán đất tại phòng Tài nguyên môi trường huyện). Tôi muốn lấy lại đất thì có được không?

Gửi bởi: THÂN ĐỨC VĨNH

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo nội dung sự việc thì mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên vợ anh, tuy nhiên tài sản này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên đây là tài sản chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Đồng thời, Luật cũng quy định trong trường hợp thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng trên giấy chứng nhận chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thìphải tuân thủ quy định về đại diện giữa vợ và chồng khi thực hiện giao dịch.

Mặt khác, khoản 2 Điều 35 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung quy định trong trường hợp định đoạt tài sản chung là bất động sản thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp vợ anh muốn giao dịch quyền sử dụng đất thì phải có văn bản thỏa thuận của hai vợ chồng. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật này, vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

Tuy nhiên, như anh trình bày thì vợ của anh đã tự mình thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất mà không được sự đồng ý của anh. Vì vậy, hành vi trên đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 26 về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Theo quy định thì giao dịch đó vô hiệu. Cùng với đó, theo Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu. Do đó, anh có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa vợ anh với người thứ ba mà chưa có sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng là giao dịch vô hiệu. Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Nghị định 126/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: vietduc


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191