Sau một thời gian tìm hiểu, tháng 9 năm 2006 anh Hải và chị Bích quyết định kết hôn và đến Uỷ ban nhân dân thị trấn X, nơi anh Hải đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Khi kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn của anh Hải và chị Bích, cán bộ tư pháp – hộ tịch biết được rằng chị Bích là lưu học sinh đã du học ở Trung Quốc 4 năm, mới về nước từ cuối năm 2005. Do vậy, cán bộ hộ tịch yêu cầu chị B bên cạnh việc phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi chị cư trú cấp, còn cần phải bổ sung vào hồ sơ đăng ký kết hôn Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân do cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại Trung Quốc cấp để khẳng định chắc chắn rằng trong thời gian du học chị Bích không kết hôn với ai.
Yêu cầu của cán bộ tư pháp – hộ tịch trong trường hợp này có hợp lý không?
Gửi bởi: Admin Portal
Trong thủ tục đăng ký kết hôn, việc khẳng định vào thời điểm đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ muốn xác lập quan hệ hôn nhân đều đang ở tình trạng hôn nhân độc thân có ý nghĩa quyết định đối với việc có được kết hôn với nhau hay không. Đối với việc kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với nhau, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì trong trường hợp một người đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân cấp xã không phải là nơi họ cư trú thì người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình, thông qua việc xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi họ cư trú.
Trong trường hợp này, anh Hải và chị Bích đều là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước vào thời điểm đăng ký kết hôn. Anh Hải và chị Bích lựa chọn nơi đăng ký kết hôn là Uỷ ban nhân dân thị trấn X, nơi anh Hải cư trú, do đó để thực hiện việc đăng ký kết hôn tại đây chị Bích có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình bằng việc nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi chị đang cư trú cấp. Tuy nhiên, chị Bích lại là người có thời gian dài du học ở nước ngoài. Trong khi đó, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi chị Bích cư trú không thể xác nhận về việc trong thời gian du học ở nước ngoài chị Bích có kết hôn với ai hay không? Do đó, việc cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn X yêu cầu chị Bích chứng minh về tình trạng hôn nhân trong thời gian đi du học, cư trú ở nước ngoài là có cơ sở, nhằm bảo đảm cho việc đăng ký kết hôn đúng pháp luật.
Tuy nhiên, đây là vấn đề không được quy định trong Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Mặt khác, vào thời điểm đăng ký kết hôn, chị Bích đã về cư trú ổn định ở trong nước. Do đó, việc cán bộ tư pháp – hộ tịch yêu cầu chị Bích phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc (cơ quan quản lý hộ tịch của chị Bích trong thời gian du học tại Trung Quốc) là điều rất khó thực hiện.
Để giải quyết tình trạng nói trên, tại điểm 9 Công văn số 2488/BTP-HCTP ngày 06/6/2006 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch đã hướng dẫn giải pháp vận dụng: Đối với trường hợp này, theo tinh thần cải cách hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cho phép người đăng ký kết hôn ngoài việc xác nhận tình trạng hôn nhân của Uỷ ban nhân dân xã nơi đang cư trú, được viết tờ cam kết về tình trạng hôn nhân trong thời gian lưu học ở nước ngoài và chịu trách nhiệm về sự cam kết này. Tờ cam kết này do đương sự tự viết, không có mẫu riêng.
Cách giải quyết trên đây cũng được áp dụng để đăng ký kết hôn đối với trường hợp người đăng ký kết hôn đã trải qua nhiều nơi cư trú ở những địa phương khác nhau.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Admin Portal
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN