Tôi và bạn gái có quen biết và quan hệ trước hôn nhân, dẫn đến việc cô ấy có thai và ép buộc tôi phải có trách nhiệm. Gia đình bạn gái tôi cũng nhiều lần đe dọa hành hung hoặc cho người đâm chém tôi để ép tôi phải chịu trách nhiệm với cái thai. Tôi từ chối và cắt đứt liên lạc. Nay cô ta đã sinh được 1 tháng. Gia đình cô ta kéo qua nhà tôi chửi bới, gây rối đồng thời ép buộc tôi phải kí giấy chu cấp mỗi tháng 3 triệu đồng để nuôi đứa bé cho đến 18 tuổi. Tôi từ chối, và họ lại tiếp tục đe đọa sẽ cho người tạt axit hoặc đánh gãy chân tôi, không cho tôi sống yên ổn (họ chỉ nói miệng nhưng tôi biết họ sẽ làm thật).
Vậy cho tôi hỏi, tôi có quyền từ chối kí giấy cam kết chu cấp 3 triệu đồng/tháng cho đứa bé hay không?
Hiện nay tôi vừa lập 1 công ty nhỏ, kinh doanh đang thua lỗ trầm trọng, đồng thời mắc nợ 1 số tiền lớn. Tài sản duy nhất của tôi chỉ là chiếc xe máy. Vậy nếu tôi kí giấy chấp thuận chu cấp 3 triệu đồng (họ đe dọa ép buộc tôi phải kí nếu không sẽ cho người hành hung) thì sau này tôi có được quyền khiếu nại để giảm tiền chu cấp cho đứa bé hay không?Trong trường hợp, tôi muốn tới gặp đứa bé nhưng họ dùng bạo lực đe dọa hành hung tôi thì tôi có thể khởi kiện ở đâu để bảo vệ quyền lợi và tính mạng của mình?
Gửi bởi: Vince
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức do luật định. Vì vậy, nếu hai bạn không đăng ký kết hôn mà có con thì con của hai bạn được coi là con ngoài giá thú.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng
Vì bạn và cô gái kia không có đăng ký kết hôn nhưng đã có quan hệ trước hôn nhân dẫn đến bạn gái của anh mang thai, tuy nhiên điều này vẫn không ảnh hưởng đến quan hệ cha con. Vì:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000thì nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú; các đối tượng này được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: “1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.”
Vì vậy, theo quy định trên bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bạn.
Về hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Do bạn “từ chối” việc cấp dưỡng cho con bạn nên theo quy định Điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000:
“1. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình, Toà án ra quyết định buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì thời điểm đó được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Toà án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án”.
Ngoài ra, hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể quy định như sau:“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Như vậy, nếu mẹ của đứa trẻ có yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc anh phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì anh phải thực hiện quyết định đó.
Mức cấp dưỡng
Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”
Trường hợp bạn đang kinh doanh thua lỗ trầm trọng, mắc nợ số tiền lớn và tài sản lớn nhất là chiếc xe máy, do vậy theo bạn với yêu cầu chu cấp 3.000.000đ/tháng cho con bạn là không đủ khả năng. Do vậy, nếu bạn cho rằng mình không có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn có thể thỏa thuận với mẹ của đứa trẻ về việc thay đổi mức cấp dưỡng hoặc tạm ngừng việc cấp dưỡng theo quy định tại Điều 53 và Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết, căn cứ khoản 3 Điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP thì “theo quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.”
Về hành vi đe dọa đến sức khỏe, tính mạng
Trường hợp bạn nêu, bạn bị gia đình bên kia đe đọa sẽ cho người tạt axit hoặc đánh gãy chân, không cho bạn sống yên ổn (họ chỉ nói miệng nhưng bạn cho rằng họ sẽ làm thật) thì hành vi đe dọa nói trên có dấu hiệu cấu thành tội đe dọa giết người. Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội đe dọa giết người như sau:
“Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.
Bạn phải có chứng cứ chứng minh bạn bị đe dọa, khi đó bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm này đến cơ quan công an nơi bạn cư trú; trường hợp biết chính xác địa chỉ của người đe dọa thì phải cung cấp cho công an nơi người đe dọa sinh sống. Khi tố cáo bạn bị đe dọa, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ (tin nhắn, hình ảnh, clip…) để tiện cho việc điều tra, xử lý.
Nếu sau hành vi đe dọa, phía gia đình bên kia còn thực hiện hành vi khác xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bạn thì sẽ cấu thành “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự (nếu chỉ gây thương tích) hoặc “tội giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự (nếu hậu quả là chết người).
Các văn bản liên quan:
Nghị định 70/2001/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Ngô Huyền
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.