Em hỏi về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài. Em lấy chồng Hàn Quốcnăm 2009, do cuộc sống vợ chồng không hợp nhau nên em đã bỏ ra ngoài. Một năm sau chồng em lấy vợ mới. Năm 2012 em về Việt Nam. Em bị mất giấy đăng ký kết hôn bản gốc, bây giờ em muồn làm thủ tục ly hôn đơn phương thì phải cần những giấy tờ gì và làm ở đâu? Em cảm ơn!
Gửi bởi: Trần Khánh
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 85 và Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn” và “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án xem xét, giải quyết việc ly hôn”. Tòa án xem xét, quyết định cho ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Tình trạng của vợ chồng trầm trọng;
– Đời sống chung không thể kéo dài;
– Mục đích của hôn nhân không đạt.
Nếu một bên vợ hoặc chồng đơn phương xin ly hôn, thì thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên được tiến hành theo các bước sau:
– Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
– Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
– Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
– Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Theo đó, hồ sơ khởi kiện xin ly hôn có thểnộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điệngồm có các giấy tờ sau đây:
– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp tỉnh nơi đã đăng ký kết hôn.
– Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực);
– Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực – nếu có);
– Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung
Về thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 33, 34, 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 xác định thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thứ nhất, xác định thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh hay cấp huyện
Căn cứ Điều 33, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thẩm quyền của Tòa án theo cấp “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.” thì những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có người ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài) thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố giải quyết. Song, theo quy định về tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện của Ủy ban thường vụ quốc hội trong Nghị quyết về việc giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự cho các Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh số 724/2004/NQ-UBTVQH11 và số 1036/2006/NQ-UBTVQH11 thì một số Tòa án nhân dân cấp huyện, xã, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngòai có đương sự hoặc có tài sản ở nước ngoài.
Đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài được giải thích theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành những quy định trong “Phần thứ nhất” Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 như sau:
“4.1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
a) Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự; đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.
Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật hôn nhân và gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.
b) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
4.2. Tài sản ở nước ngoài
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
4.3.Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.
Cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được cần phải yêu cầu cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.”
Thứ hai, xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngòai theo lãnh thổ
Căn cứ khoản 1, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”
Căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu như sau:
“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a)…
b)…
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;”
Như vậy, nếu chồng chịcó nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi chồng chị cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết. Nếu chồng chị không có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) ở Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài do Tòa án nhân dân nơi chị cư trú hoặc làm việc thụ lý và giải quyết.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV2
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.