Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng

Câu hỏi: Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng

Công ty tôi có ý định mở rộng phạm vi kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, và các loại hình như cung cấp mật mã, các phần mềm bảo vệ nói chung, xin được luật sư tư vấn những vấn đề liên quan.


Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng
Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng

Luật sư Tư vấn Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng – Gọi 1900.0191

Công ty Luật LVN

Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.

Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1. Thời điểm sự kiện pháp lý

Ngày 10 tháng 09 năm 2017

2. Cơ sở pháp lý

– Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.

– Nghị định số 108/2016/NĐ-CP quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

– Nghị định số 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

– Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định 106/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

3. Luật sư trả lời

Căn cứ vào khoản 1 Điều 41 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, dịch vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng gồm:

– Dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng;

– Dịch vụ bảo mật thông tin không sử dụng mật mã dân sự;

– Dịch vụ mật mã dân sự;

– Dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;

– Dịch vụ tư vấn an toàn thông tin mạng;

– Dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng;

– Dịch vụ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng;

– Dịch vụ khôi phục dữ liệu;

– Dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng;

– Dịch vụ an toàn thông tin mạng khác.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 41 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng gồm:

– Sản phẩm mật mã dân sự.

– Sản phẩm kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng.

– Sản phẩm giám sát an toàn thông tin mạng.

– Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập.

– Sản phẩm an toàn thông tin mạng khác.

Trong đó:

– Hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

– Hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử được hướng dẫn thực hiện tại các Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định 106/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP

– Các hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ còn lại được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 108/2016/NĐ-CP quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

1. Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với:

– Dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng

– Dịch vụ bảo mật thông tin không sử dụng mật mã dân sự

– Dịch vụ tư vấn an toàn thông tin mạng

– Dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng

– Dịch vụ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng

– Dịch vụ khôi phục dữ liệu

– Dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng

– Dịch vụ an toàn thông tin mạng khác

– Sản phẩm kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng

– Sản phẩm giám sát an toàn thông tin mạng

– Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập

– Sản phẩm an toàn thông tin mạng khác

Điều kiện chung đối với tất cả doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên:

– Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển an toàn thông tin mạng quốc gia.

– Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

– Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về an toàn thông tin.

– Có phương án kinh doanh phù hợp.

Điều kiện cụ thể đối với các sản phẩm, dịch vụ:

Kinh doanh dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng:

– Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

– Người đại diện theo pháp luật, đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

– Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và bao gồm các nội dung: tổng thể hệ thống kỹ thuật; việc đáp ứng về chức năng của hệ thống tương ứng với loại hình dịch vụ dự kiến cung cấp; việc đáp ứng với các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng tương ứng.

– Có phương án kinh doanh phù hợp và bao gồm các nội dung: Phạm vi đối tượng cung cấp dịch vụ; loại hình dịch vụ dự kiến cung cấp; phương án bảo mật thông tin của khách hàng; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ.

– Có phương án bảo mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ.

– Đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin.

– Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ, phương án kinh doanh;

– Có đội ngũ quản lý, điều hành đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về an toàn thông tin; có đội ngũ kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông với số lượng nhân sự đáp ứng được quy mô, yêu cầu của phương án kinh doanh.

Kinh doanh dịch vụ bảo mật thông tin không sử dụng mật mã dân sự:

– Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

– Người đại diện theo pháp luật, đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

– Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

– Có phương án bảo mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ.

– Đội ngũ quản lý điều hành, kỹ thuật có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật thông tin.

Hoạt động nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng:

– Đội ngũ quản lý, điều hành cần đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về an toàn thông tin; cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm chính phải có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông với số lượng nhân sự đáp ứng được quy mô, yêu cầu của phương án kinh doanh.

– Phương án kinh doanh phù bao gồm các nội dung: mục đích nhập khẩu; phạm vi, đối tượng cung cấp sản phẩm; sự đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đối với từng loại sản phẩm; chi tiết các tính năng kỹ thuật cơ bản của sản phẩm.

Hoạt động sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng:

– Hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất và công nghệ sản xuất phù hợp với phương án kinh doanh sản phẩm an toàn thông tin mạng.

– Đội ngũ quản lý, điều hành đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về an toàn thông tin; đội ngũ kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông với số lượng nhân sự đáp ứng được quy mô, yêu cầu của phương án kinh doanh.

– Phương án kinh doanh gồm các nội dung: phạm vi đối tượng cung cấp sản phẩm; loại hình sản phẩm dự kiến sản xuất; sự đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đối với từng loại sản phẩm; các tính năng kỹ thuật cơ bản của sản phẩm.

Kinh doanh dịch vụ tư vấn an toàn thông tin mạn; dịch vụ giám sát an toàn thông tin mạng; dịch vụ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; dịch vụ khôi phục dữ liệu; dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng:

– Hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ, phương án kinh doanh;

– Đội ngũ quản lý, điều hành đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về an toàn thông tin; đội ngũ kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông với số lượng nhân sự đáp ứng được quy mô, yêu cầu của phương án kinh doanh.

– Phương án kinh doanh bao gồm các nội dung: phạm vi đối tượng cung cấp dịch vụ; loại hình dịch vụ dự kiến cung cấp; phương án bảo mật thông tin của khách hàng; phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng:

– Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng được lập thành 5 bộ, gồm:

  +) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó nêu rõ loại hình sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng sẽ kinh doanh.

  +) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương.

  +) Bản thuyết minh hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

  +) Phương án kinh doanh gồm phạm vi, đối tượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

  +) Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật.

– Ngoài các giấy tờ trên, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin hoặc dịch vụ bảo mật thông tin không sử dụng mật mã dân sự còn phải có:

  +) Phiếu lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật và đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật.

  +) Phương án kỹ thuật.

  +) Phương án bảo mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng:

– Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

2. Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự:

Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự: Doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng, cụ thể như sau:

– Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin, trong đó doanh nghiệp phải có ít nhất 2 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử – viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử – viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.

– Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

– Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

– Có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

– Có phương án kinh doanh phù hợp (có hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm).

Thủ tục, trình tự cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự:

– Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, số điện thoại/số fax: 04-3775.6896, thư điện tử: info@nacis.gov.vn, website: http://www.nacis.gov.vn.

– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự được lập thành 2 bộ, gồm:

  +) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

  +) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương.

  +) Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin của đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật.

  +) Phương án kỹ thuật gồm tài liệu về đặc tính kỹ thuật, tham số kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ; các biện pháp, giải pháp kỹ thuật; phương án bảo hành, bảo trì sản phẩm.

  +) Phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;

  +) Phương án kinh doanh gồm phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm, dịch vụ hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự

– Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã theo địa chỉ: info@nacis.gov.vn, website: http://www.nacis.gov.vn. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự gồm:

  +) Đơn đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

  +) Bản sao Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

  +) Bản sao Giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm mật mã dân sự nhập khẩu.

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định và cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối cấp thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử:

Điều kiện cấp phép:

– Về chủ thể: Là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam.

– Về tài chính:

  +) Có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ.

  +) Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam không dưới 5 (năm) tỷ đồng, hoặc cam kết mua bảo hiểm để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy phép.

-Về nhân sự: Có đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý, nhân viên điều hành, nhân viên quản lý an ninh và nhân viên dịch vụ khách hàng đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và quy mô triển khai dịch vụ; chưa từng bị kết án.

– Về hệ thống thiết bị kỹ thuật:

  +) Lưu trữ đầy đủ, chính xác và cập nhật thông tin của thuê bao phục vụ cho việc cấp chứng thư số trong suốt thời gian chứng thư số có hiệu lực.

  +) Đảm bảo tạo cặp khoá chỉ cho phép mỗi cặp khoá được tạo ra ngẫu nhiên và đúng một lần duy nhất; có tính năng đảm bảo khoá bí mật không bị phát hiện khi có khoá công khai tương ứng.

  +) Lưu trữ đầy đủ, chính xác, cập nhật danh sách các chứng thư số có hiệu lực và đã hết hiệu lực và cho phép người sử dụng Internet truy nhập trực tuyến 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

  +) Có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn mọi truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an ninh thông tin.

  +) Được thiết kế theo xu hướng giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường Internet.

  +) Hệ thống phân phối khóa cho thuê bao phải đảm bảo sự toàn vẹn và bảo mật của cặp khoá. Trong trường hợp phân phối khoá thông qua môi trường mạng máy tính thì hệ thống phân phối khoá phải sử dụng các giao thức bảo mật đảm bảo không lộ thông tin trên đường truyền.

– Có phương án kỹ thuật và phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng.

– Có các phương án kiểm soát sự ra vào trụ sở, quyền truy nhập hệ thống, quyền ra vào nơi đặt thiết bị phục vụ việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

– Có các phương án dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra.

– Toàn bộ hệ thống thiết bị sử dụng để cung cấp dịch vụ đặt tại Việt Nam.

– Xây dựng trụ sở, nơi đặt máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu của pháp luật về phòng chống cháy, nổ; có khả năng chống chịu lũ lụt, động đất, nhiễu điện từ, sự xâm nhập bất hợp pháp của con người.

– Có quy chế chứng thực công khai theo mẫu của Bộ Bưu chính, Viễn thông và có nội dung phù hợp với các quy định tại Nghị định này.

Hồ sơ xin cấp phép: Hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được lập thành 6 bộ (2 bộ gốc và 4 bộ sao), mỗi bộ hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị cấp phép dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của doanh nghiệp.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp trong đó ghi rõ ngành nghề cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

– Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

– Văn bản chứng minh đáp ứng được các điều kiện về tài chính.

– Đề án cung cấp dịch vụ gồm các nội dung chính như sau:

  +) Kế hoạch kinh doanh bao gồm: phạm vi, đối tượng cung cấp dịch vụ, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; phương án tài chính.

  +) Kế hoạch kỹ thuật.

  +) Quy chế chứng thực.

  +) Phiếu lý lịch tư pháp số 2, bằng cấp của nhân sự trực tiếp tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của doanh nghiệp.

Thẩm tra và cấp giấy phép: Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin cấp phép hợp lệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan thẩm tra hồ sơ. Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện cấp phép, Bộ Bưu chính, Viễn thông sẽ cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, Bộ Bưu chính, Viễn thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

      Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN


 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191