Thừa phát lại Bình Định – Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ

Thừa phát lại Bình Định – Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ

25/06/2015

Thừa phát lại là một chế định tồn tại ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc và tồn tại dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 ở miền Nam. Tiếp thu những ưu điểm của mô hình Thừa phát lại trước đây ở nước ta và ở các nước trên thế giới, đồng thời thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp đã được nêu ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có từng bước thực hiện xã hội hóa một số công việc liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 11/11/2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó đã giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP). Sau khi đạt được những kết quả thành công bước đầu, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 giao Chính phủ tiếp tục triển khai việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến ngày 31/12/2015.

Tỉnh Bình Định là một trong 13 tỉnh triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị: Thường trực Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và của các sở, ngành chức năng, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định được thành lập theo Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 27/1/2014 của ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định. Đây là Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên của các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Văn phòng Thừa phát lại Bình Định bắt đầu hoạt động tính đến nay là 01 năm.

1. Một số kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Bình Định

Thời gian đầu,hoạt động Thừa phát lại Bình Định chủ yếu tập trung vào việc quảng bá chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của Văn phòng dưới nhiều hình thức như in, phát trên 200.000 tờ rơi, thư ngỏ đến các hộ dân ở các tuyến đường giao thông, các doanh nghiệp, các cơ quan ở thành phố Quy Nhơn và các huyện, thị xã lân cận. Tuyên truyền qua các báo trung ương và địa phương, trên Trang thông tin điện tử… Sau một năm triển khai hoạt động, Thừa phát lại Bình Định đã tiến hành một số hoạt động và đạt được kết quả như sau:

1.1. Hoạt động tống đạt

Tống đạt là hoạt động chức năng của Thừa phát lại theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, góp phần giảm tải cho các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự,nhằm tạo điều kiện để các cơ quan này tập trung cho công tác chuyên môn chính thuộc về chức năng của mình.

Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã tống đạt tổng số: 1.227 văn bản, thu được là 75.679.000 đồng. Trong đó:

+ Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định: 20 văn bản, thu được 1.430.000 đồng.

+ Chi cục thi hành án dân sự TP. Quy Nhơn 821 văn bản, thu được 52.820.000 đồng.

+ Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn: 373 văn bản, thu được: 24.135.000 đồng.

+ Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định: 13 văn bản, thu được là 1.325.000 đồng.

1.2. Hoạt động lập vi bằng

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại lần đầu tiên được quy định một cách khái quát tại Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Cũng theo quy định này, trừ những trường hợp bị pháp luật cấm như “các trường hợp về đảm bảo an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp bị pháp luật cấm”, thì Thừa phát lại có quyền lập vi bằng. Với phạm vi thẩm quyền lập vi bằng rộng như vậy đã giúp ích nhiều cho công dân tạo lập chứng cứ.

Vi bằng chính là thế mạnh của Thừa phát lại. Ngoài Thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu của họ một cách kịp thời và thuận lợi, người dân có thể đến Văn phòng Thừa phát lại với thủ tục giản đơn, nhanh chóng và không hạn chế về thời gian. Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đến tháng 8 năm 2014 đã lập 03 vi bằng và đã đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh Bình Định, với số tiền thu là: 5.400.000 đồng. Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực, đã có tác dụng thiết thực, bước đầu được dư luận trong xã hội biết và ủng hộ.

1.3. Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án

Việc xác minh điều kiện thi hành án là một tiền đề mang tính tiên quyết trong khâu tổ chức thi hành án dân sự. Tuy nhiên, người dân lại không đủ điều kiện để tiến hành công việc này. Với sự ra đời của tổ chức Thừa phát lại sẽ giúp công dân có thêm công cụ hỗ trợ một cách tích cực, để đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thực thi thủ tục thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự.

Trong thời gian qua, Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án: 52 bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật cho cá nhân, tổ chức. Tổng số tiền thu được là: 141.200.000 đồng.

1.4. Hoạt động tổ chức thi hành án

Thi hành án là một quá trình tiến hành các thủ tục, đưa các bản án, quyết định của Tòa án vào thực tiễn theo quy định của pháp luật. Đây là hoạt động trực tiếp tác động đến quyền lợi của các bên thi hành án, nên từ trước đến nay, các cơ quan thi hành án của Nhà nước thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với Văn phòng Thừa phát lại, do còn rất mới mẻ, lại là tổ chức xã hội hóa, nghiệp vụ chuyên môn về thi hành án dân sự chưa được đào tạo, tập huấn nên việc tiến hành thi hành án hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn, một năm qua, Văn phòngThừa phát lại Bình Định chưa thực hiện việc thi hành án nào.

Như vậy, sau một năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Bình Định, được sự quan tâm giúp đỡ của cả hệ thống chính trị tỉnh, nên Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đã đạt được một số kết quả bước đầu khả quan, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục triển khai chế định Thừa phát lại, để thành lập các văn phòng Thừa phát lại tiếp theo tại tỉnh Bình Định và trên phạm vi cả nước.

2. Những khó khăn, vướng mắc mà Thừa phát lại Bình Định đã gặp

Qua thực tiễn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Bình Định, chúng tôi xin nêu lên một số khó khăn cụ thể như sau:

2.1. Về chi phí cho công tác thực hiện việc tống đạt

Thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội (Thông tư số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC), công tác tống đạt hiện tại Văn phòng Thừa phát lại Bình Định đang thực hiện có rất nhiều vất vả, thực tế chi phí cho việc tống đạt khá cao, nhưng mức phí tống đạt lại thấp và nhiều bất cập.

Khó khăn cơ bản trong công tác tống đạt, xuất phát từ những quy định của Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự chưa rõ ràng và công tác này chưa được luật hóa, nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Do đó, khi Thừa phát lại thực hiện tống đạt, thì hình thức, thủ tục, văn bản tống đạt của Tòa án lại khác với hình thức văn bản tống đạt của cơ quan thi hành án dân sự, vấn đề này chưa được hướng dẫn để thống nhất thực hiện.

Ví dụ: Giấy triệu tập đương sự do hệ thống cơ quan Tòa án quy định, khi thực hiện tống đạt chỉ cần người trực tiếp tiến hành tống đạt thực hiện và đương sự (người nhận) là đủ. Trường hợp đương sự (người nhận) không có ở địa chỉ cư trú, thì mới nhờ đến cán bộ tư pháp phường, xã để tống đạt hoặc xác nhận khi Thừa phát lại tiến hành tống đạt.

Về thủ tục tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự: Hình thức trong văn bản tống đạt theo mẫu của Thông tư số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC, ngoài Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ, còn có sự chứng kiến, xác nhận của cán bộ khối phố, cán bộ tư pháp xã, phường hoặc Công an khu phố thì mới đủ điều kiện hợp lệ và được thanh toán chi phí tống đạt. Nếu đương sự không có mặt tại nơi cư trú, thì cũng cần có đủ các thành phần như đã nêu trên mới tiến hành niêm yết hợp lệ (hai trường hợp được nêu trên đều phải thực hiện đúng và đủ thành phần, mới được coi là hợp lệ). Như vậy, do cơ chế phối hợp, Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ không thể tự mình thực hiện việc tống đạt, mà phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của ủy ban nhân dân và Công an phường, xã. Văn bản tống đạt trực tiếp cho đương sự theo quy định phải có cả khuôn dấu của ủy ban nhân dân phường, xã.

Theo chúng tôi, cần phải quy định riêng về thủ tục tống đạt của Thừa phát lại theo hướng: Văn phòng Thừa phát lại tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các biên bản mà Thừa phát lại lập; còn đối với trường hợp tống đạt trực tiếp, tống đạt qua người thứ ba hoặc niêm yết, thì chỉ cần xác nhận của Thừa phát lại là đủ điều kiện về pháp lý.

2.2.Về lập vi bằng

Khi thực hiện theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại tiến hành thuận lợi, do Thừa phát lại có được quyền chủ động thực hiện, không phụ thuộc nhiều vào bên thứ ba. Tuy nhiên, khi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đã có nhiều nội dung thay đổi quan trọng liên quan đến hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại. Trong đó phạm vi thẩm quyền lập vi bằng bị thu hẹp hơn, tức là bổ sung quy định Thừa phát lại không được lập vi bằng “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân các cấp”, đồng thời với việc thêm quy định Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng của Thừa phát lại. Vấn đề này hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình xác định thẩm quyền xác lập và đăng ký vi bằng.

Thực hiện Công văn số 4003/BTP-TCTHADS ngày 19/9/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại đã có một số chú ý:

– Không lập vi bằng chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; không xác nhận chữ ký và bản sao từ bản chính (là thẩm quyền thuộc tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp).

– Không lập vi bằng các sự kiện và hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi trái pháp luật do người khác thực hiện ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng.

– Không lập vi bằng các hành vi, sự kiện của cán bộ công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp các sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người yêu cầu lập vi bằng.

– Không lập vi bằng để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

Thực tiễn lập vi bằng, chúng tôi thấy có một số băn khoăn đối với các trường hợp như sau:

Ví dụ 1: Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các bên tiến hành tự thảo luận và thỏa thuận giao (nhà ở) tài sản, giao tiền đặc cọc, giao tiền cho vay, mượn và giao sổ tiền gửi tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thừa phát lại lập vi bằng xác nhận sự kiện, hành vi để làm chứng cứ khi cần thiết.

Ví dụ 2: Các bên mua bán nhà bằng giấy viết tay, nay nhờ Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc các bên có giao nhận tiền. Sự kiện Thừa phát lại lập vi bằng chính là việc giao nhận tiền giữa các bên. Trong việc giao dịch mua bán nhà, đất của các bên chỉ được xem xét khi có tranh chấp khởi kiện đến Tòa án. Việc Thừa phát lại lập vi bằng, thì vi bằng chính là chứng cứ về việc các bên có sự giao nhận tiền, làm cơ sở chứng cứ cho Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý vụ án.

Ví dụ 3: Vợ, chồng có ngôi nhà cấp 4 tọa lạc trên mảnh đất 80m2 (đất được tồn tại lâu đời ổn định tại khu dân cư) chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp. Trước khi ly hôn, vợ, chồng tự nguyện thỏa thuận bàn giao nhà cho vợ để ở nuôi con, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Các đương sự yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng việc giao ngôi nhà là tài sản của họ. Thừa phát lại lập vi bằng việc giao nhận ngôi nhà này chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi việc giao nhận ngôi nhà là tài sản của vợ chồng trước khi ly hôn. Thẩm quyền lập vi bằng và đăng ký vi bằng trong những trường hợp nêu trên có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề này theo chúng tôi, thì việc Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai vợ, chồng giao ngôi nhà cho một bên là nhằm để làm cơ sở cho việc xác định tài sản này là do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp. Tuy rằng việc xác định quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đây cũng chỉ là vấn đề thủ tục và thời gian, mà không thể không công nhận, bởi vì, đất không có tranh chấp. Chúng tôi cho rằng những trường hợp này lập vi bằng là phù hợp, để người dân tạo lập chứng cứ, nếu có tranh chấp thì có cơ sở giải quyết.

2.3. Về tổ chức thi hành án

Trong công tác thi hành án dân sự, cần có sự vào cuộc, cộng tác thực sự của các ngành và có thể cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc cơ bản và cốt lõi đó là, trong công tác tổ chức thi hành án dân sự hiện nay của Thừa phát lại chưa được pháp luật về thi hành án dân sự quy định, trao quyền cụ thể. Bước đầu chỉ thực hiện quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

Về công tác tổ chức nhân sự, vẫn còn hạn chế trong giai đoạn thí điểm; về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác thi hành án dân sự, chưa được nghiên cứu tập huấn. Do đó, tính chủ động việc thi hành án dân sự của Thừa phát lại vẫn còn khó khăn.

Từ các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, chúng tôi xin kiến nghị:

Để hoạt động Thừa phát lại có thể triển khai có hiệu quả, thì cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho Thừa phát lại cho đội ngũ chuẩn bị tham gia làm Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ, đặc biêt là về kỹ năng trong công tác thi hành án, nhằm trang bị kỹ năng và để tạo nguồn. Thời gian đào tạo, tập huấn cần tăng hơn so với trước. Các cơ quan thi hành án và Tòa án cũng mạnh dạn tạo điều kiện, giao cho Thừa phát lại văn bản để tống đạt cho đương sự, góp phần giảm tải cho các cơ quan này.

Pháp luật chuyên ngành của Thừa phát lại cũng cần xúc tiến xây dựng, để chuẩn bị cho sự ra đời kịp thời và thực thi trong thời gian tới .

Công tác tuyên truyền cần được tăng cường dưới nhiều hình thức và thường xuyên, liên tục để cộng đồng dân cư trong xã hội hiểu biết nhiều hơn về chế định Thừa phát lại và từ đó có sự lựa chọn dịch vụ lập vi bằng, xác minh thi hành án và thi hành án, góp phần hạn chế tranh chấp và tạo chứng cứ khi giải quyết các tranh chấp.

Trương Việt Kon Tum

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191