Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Với sự thay đổi của tình hình tội phạm, sự xuất hiện nhiều vấn đề thực tiễn nổi cộm, những hạn chế về nội dung và kỹ thuật lập pháp của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, cũng như một số vấn đề mới về lý luận của khoa học luật hình sự đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới và dần được chấp nhận tại Việt Nam… đang đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện những quy định của BLHS năm 1999 nhằm hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm hình sự (TNHS) nói chung và TNHS trong đồng phạm nói riêng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình mới.
1. Các quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Thứ nhất, về kết cấu điều luật: Điều 20 và Điều 53 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về trường hợp đồng phạm. Điều 20 mô tả trường hợp đồng phạm nói chung và một trường hợp đồng phạm đặc biệt. Với cách quy định này, đồng phạm được xác định là hình thức phạm tội cố ý đặc biệt so với hình thức phạm tội cố ý thông thường chỉ do một người thực hiện.
Bên cạnh đó, với việc xác định và mô tả các tội danh trong BLHS, nhà làm luật chỉ mới tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu TNHS đối với người có hành vi thực hiện tội phạm. Trong khi đó, cùng với hành vi thực hiên tội phạm, còn có các hành vi tham gia thực hiện tội phạm và cũng có tính nguy hiểm cho xã hội cần phải truy cứu TNHS. Đó là hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức thực hiện tội phạm cố ý. Người thực hiện hành vi tổ chức, hành vi xúi giục, hành vi giúp sức thực hiện tội phạm cố ý có thể thực hiện dưới hình thức đồng phạm hoặc phạm tội cố ý, thông thường chỉ do một người thực hiện. Để có cơ sở pháp lý cho việc truy cứu TNHS của người tham gia thực hiện tội phạm cố ý, cần có quy định tại Phần chung BLHS. Trong điều luật chung này, nhà làm luật cần mô tả hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tham gia thực hiện tội phạm để xác định đặc điểm của người thực hiện, từng loại người tham gia thực hiện tội phạm; quy định nguyên tắc xác định mức độ TNHS của từng loại người tham gia thực hiện tội phạm trong mối quan hệ với người thực hiện tội phạm. Điều 20 BLHS tuy có mô tả hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tham gia thực hiện tội phạm, nhưng điều luật này chỉ là cơ sở pháp lý cho việc truy cứu TNHS đối với các trường hợp thỏa mãn dấu hiệu đồng phạm tại khoản 1, không quy định TNHS của những người tham gia thực hiện tội phạm trong trường hợp không có đồng phạm. Điều 20 BLHS không xác định rõ mức độ trách nhiệm của người tham gia thực hiện tội phạm so với người thực hiện tội phạm.
Do đó, cần sửa đổi, đưa nội dung xác định dấu hiệu của người thực hiện, những người tham gia thực hiện tội phạm và mức độ trách nhiệm của người tham gia thực hiện tội phạm trong mối quan hệ với người thực hành lên thành (điều) khoản đầu tiên. Tiếp đó là quy định hình thức phạm tội đồng phạm và trường hợp đặc biệt của hình thức phạm tội này là phạm tội có tổ chức.
Thứ hai, về nội dung điều luật: Định nghĩa đồng phạm tại Điều 20 BLHS không những không chính xác về mặt khoa học, mà còn không phù hợpvới thực tiễn[1]. Định nghĩa này mới chỉ đề cập được một trường hợp đồng phạm giản đơn, chỉ có người thực hành bởi vì sử dụng thuật ngữ “cùng thực hiện tội phạm” mà không đề cập đến trường hợp đồng phạm phức tạp còn có những loại người tổ chức, xúi giục, giúp sức – vì thực chất ba loại người đồng phạm này không trực tiếp thực hiện tội phạm mà chỉ “cùng tham gia” vào việc thực hiện tội phạm.
Thứ ba, về thuật ngữ luật hình sự trong chế định TNHS trong đồng phạm:
– Thuật ngữ “người thực hành” cần được sửa đổi thành “người thực hiện”. Bởi vì, thực hành có thể được hiểu theo hai nghĩa: Áp dụng lý thuyết vào thực tế và nghĩa vụ thực hiện. Thuật ngữ “người thực hành” theo BLHS được hiểu theo nghĩa “người thực hiện”. Do đó, việc sửa đổi thuật ngữ “người thực hành” thành “người thực hiện” làm cho thuật ngữ rõ ràng hơn[2].
– Thuật ngữ “phạm tội có tổ chức” cần được sửa đổi thành “đồng phạm có tổ chức”, bởi vì phạm tội có tổ chức là một trường hợp đặc biệt của hình thức phạm tội là đồng phạm.
Thứ tư, về nội dung điều luật quy định định nghĩa người đồng phạm: Còn quá đơn giản và chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm, cụ thể như sau:
– Dạng người thực hiện tội phạm thông qua người khác mà người này không phải chịu TNHS đã có trong lý luận khoa học và thực tiễn, trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, nhưng chưa chính thức được ghi nhận trong định nghĩa về người thực hành. Trong BLHS cũng chưa ghi nhận thuật ngữ “người đồng thực hiện” trong khi đó đây là loại người đồng phạm xảy ra tương đối phổ biến trong thực tiễn.
– Định nghĩa người tổ chức (Điều 20) liệt kê các dạng người tổ chức, nhưng tên gọi trừu tượng và cũng không được định nghĩa chính thức trong BLHS – chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy. Nhà làm luật đã sử dụng những thuật ngữ không rõ để định nghĩa cho thuật ngữ chưa biết.
– Định nghĩa người xúi giục (Điều 20) liệt kê một số thủ đoạn của người xúi giục có thể thực hiện: Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy. Việc liệt kê như vậy chưa khái quát được các dấu hiệu cơ bản của người xúi giục mà chỉ phản ánh được một số biểu hiện cụ thể.
Thứ năm, về TNHS của các loại người tham gia thực hiện tội phạm thì hiện chưa có quy định về mức độ TNHS của từng loại người đồng phạm. Theo chúng tôi, cần khẳng định người xúi giục phải chịu TNHS như người thực hiện tội phạm; người giúp sức được giảm nhẹ TNHS hơn người thực hiện tội phạm; người tổ chức chịu trách nhiệm cao hơn người thực hiện tội phạm.
Thứ sáu, chưa có điều luật quy định về tổ chức tội phạm cũng như trách nhiệm của người thành lập và tham gia tổ chức tội phạm. Trong khi đó, ở Việt Nam, thực tiễn đấu tranh chống tội phạm nói chung và đặc biệt tội phạm do các băng, nhóm tội phạm gây ra ngày càng tăng. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam không thể đi ngược với xu hướng chung của thế giới là tăng cường đấu tranh chống tội phạm có tổ chức bằng việc đưa vào BLHS quy định tổ chức tội phạm trong Phần chung, bổ sung tội danh thành lập và tham gia tổ chức tội phạm trong Phần các tội phạm, tại Chương quy định các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Theo đó, người thành lập, người tham gia tổ chức tội phạm phải chịu TNHS về hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm được quy định trong Phần các tội phạm của BLHS. Ngoài ra, người thành lập, tham gia tổ chức tội phạm còn phải chịu TNHS về tội phạm cụ thể do tổ chức tội phạm thực hiện.
Thứ bảy, chưa có điều luật quy định về mặt lập pháp hình sự: Các nguyên tắc xác định TNHS trong đồng phạm, bao gồm:
– Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu TNHS, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
– Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn TNHS thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó; việc miễn TNHS hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ TNHS cho những người đồng phạm khác.
– Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm: việc xác định TNHS đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của người đồng phạm.
Thứ tám, trong BLHS chưa có điều luật nào trực tiếp quy định về TNHS của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong các giai đoạn thực hiện tội phạm.
Thứ chín, chưa có điều luật quy định về tự ý nửa chứng chấm dứt việc phạm tội của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trong đồng phạm.
Thứ mười, chưa có quy định về chủ thể đặc biệt trong đồng phạm.
2. Mô hình lý luận
Từ những nhận xét trên, theo quan điểm của chúng tôi có thể xây dựng mô hình khoa học chế định TNHS trong đồng phạm với những quy phạm có nội dung như sau:
Chương …
Trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Điều… Hình thức thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm
1. Người thực hiện tội phạm là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc trực tiếp tham gia vào việc thực hiện tội phạm cùng những người khác hoặc thực hiện tội phạm thông qua người khác mà theo các quy định của Bộ luật này không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp có nhiều người cùng thực hiện, mỗi người thực hiện được gọi là người đồng thực hiện và phải chịu trách nhiệm hình sự như là người thực hiện tội phạm.
2. Người xúi giục phạm tội là người cố ý thúc đẩy nguời khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý.
Người xúi giục phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự như người thực hiện tội phạm.
3. Người giúp sức phạm tội là người cố ý tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho người khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý.
Người giúp sức phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hơn so với người thực hiện tội phạm.
4. Người tổ chức phạm tội là người tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm do cố ý.
Người tổ chức phạm tội chịu trách nhiệm tăng nặng hơn nguời thực hiện tội phạm.
5. Người có hành vi thực hiện hoặc tham gia thực hiện tội phạm chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đồng phạm nếu hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu của đồng phạm hoặc chịu trách nhiệm hình sự độc lập.
Điều … Đồng phạm
1. Đồng phạm là hình thức phạm tội có hai người trở lên cố ý cùng tham gia thực hiện tội phạm do cố ý với vai trò là người thực hiện, người xúi giục, người giúp sức hoặc người tổ chức.
2. Đồng phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ của những người cùng tham gia thực hiện tội phạm.
Điều … Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng một tội phạm tương ứng của BLHS, chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.
2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người đồng phạm khác.
3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm: việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của người đồng phạm.
Điều … Đồng phạm hoàn thành
1. Hành vi thực hiện tội phạm hoàn thành khi trong hành vi do người thực hiện tội phạm thực hiện có đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật tương ứng tại Phần các tội phạm Bộ luật này.
2. Hành vi xúi giục phạm tội hoàn thành khi hành vi của người xúi giục phạm tội kích động, dụ dỗ, thúc đẩy được việc tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể của một người đồng phạm cụ thể.
3. Hành vi giúp sức phạm tội hoàn thành khi hành vi của người giúp sức phạm tội tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần đã được sử dụng để tham gia thực hiện một tội phạm cụ thể.
4. Hành vi tổ chức phạm tội hoàn thành khi hành vi của người tổ chức phạm tội tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác có hành vi tham gia thực hiện tội phạm trên thực tế.
Điều … Đồng phạm chuẩn bị phạm tội
1. Đối với trường hợp cùng thực hiện, hành vi thực hiện tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là khi tội phạm chung bị dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị. Đối với trường hợp chỉ có một người thực hiện thì hành vi chuẩn bị thực hiện phạm tội là những hành vi chuẩn bị cho việc thực hiện hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật tương ứng trong Phần các tội phạm Bộ luật này hoặc người thực hiện tội phạm có những hành vi thể hiện sự chấp nhận thực hiện tội phạm theo đề nghị của người khác.
2. Hành vi chuẩn bị xúi giục thực hiện tội phạm là hành vi của người xúi giục tạo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tham gia thực hiện tội phạm được dễ dàng hơn nhưng chưa thực hiện hành vi xúi giục hoặc người xúi giục thực hiện tội phạm chấp nhận đề nghị của người khác sẽ thúc đẩy một hoặc một số người nhất định thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
3. Hành vi chuẩn bị giúp sức thực hiện tội phạm là hành vi của người giúp sức tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện hành vi tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho việc thực hiện tội phạm chung được dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng chưa thực hiện hành vi tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho việc tham gia thực hiện tội phạm chung hoặc người giúp sức thực hiện tội phạm chấp nhận đề nghị của người khác sẽ tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho một hoặc một số người nhất định thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
4. Hành vi chuẩn bị tổ chức thực hiện tội phạm là hành vi của người tổ chức thực hiện tội phạm tạo điều kiện cần thiết cho việc tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác tham gia thực hiện tội phạm cụ thể nhưng chưa có hành vi tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác tham gia thực hiện tội phạm cụ thể hoặc người tổ chức thực hiện tội phạm chấp nhận đề nghị của người khác sẽ thành lập hoặc điều khiển cho một hoặc một số người nhất định thực hiện hành vi đồng phạm hoặc tội phạm cụ thể.
5. Người thực hiện tội phạm, người xúi giục phạm tội, người giúp sức phạm tội, người tổ chức phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án đồng phạm có tổ chức. Trong các vụ án có đồng phạm khác, chỉ có người thực hiện tội phạm và người tổ chức phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều … Đồng phạm chưa đạt
1. Đối với trường hợp cùng thực hiện, hành vi thực hiện chưa đạt khi những người đồng thực hiện đã có hành vi bắt đầu thực hiện hành vi khách quan hoặc thực hiện hành vi liền trước hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật tương ứng trong Phần các tội phạm Bộ luật nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người phạm tội.
2. Hành vi xúi giục chưa đạt thực hiện tội phạm là hành vi của người xúi giục đã bắt đầu hành vi thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tham gia thực hiện tội phạm được dễ dàng hơn nhưng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người xúi giục, hành vi xúi giục chưa được thực hiện một cách trọn vẹn hoặc chưa đưa đến việc thực hiện hành vi phạm tội của người bị xúi giục.
3. Hành vi giúp sức chưa đạt thực hiện tội phạm là hành vi của người giúp sức đã bắt đầu thực hiện hành vi tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho việc tham gia thực hiện tội phạm nhưng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người giúp sức, người giúp sức không thực hiện được trọn vẹn hành vi giúp sức hoặc nguời được giúp sức không sử dụng sự giúp sức vào việc thực hiện tội phạm.
4. Hành vi tổ chức chưa đạt thực hiện tội phạm là hành vi của người tổ chức đã bắt đầu tập hợp, phân công hoặc điều hành người khác tham gia thực hiện tội phạm cụ thể nhưng do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người tổ chức mà chưa đạt đếnkết quả như cấu thành tội phạm của hành vi tổ chức thực hiện tội phạm đòi hỏi.
5. Người đồng phạm chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều … Trách nhiệm hình sự đối với trưòng hợp tự dừng việc phạm tội trong đồng phạm
1. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tuy không có gì ngăn cản.
2. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ tự dừng việc phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và có hành động tích cực làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình.
Những hành động tích cực của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thực hiện tội phạm tuy không làm mất tác dụng của hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức việc phạm tội trước đó của mình thì vẫn có thể được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Điều …Tổ chức tội phạm
1. Tổ chức tội phạm là nhóm gồm từ ba người trở lên có sự liên kết tương đối chặt chẽ, bền vững giữa các thành viên, được hình thành có tính chất lâu dài nhằm mục đích thực hiện các tội phạm.
2. Người thành lập, nguời tham gia tổ chức tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm theo quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật này. Người thành lập còn phải chịu trách nhiệm hình sự là người tổ chức về các tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm thực hiện. Người tham gia còn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm cụ thể mà tổ chức tội phạm đã thực hiện và họ cũng là người thực hiện hoặc tham gia thực hiện.
Phí Thành Chung
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
[1]GS.TSKH. Lê Văn Cảm, sách chuyên khảo sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật Hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.473, 474.
[2]Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ – Bộ Tư pháp, Kỷ yếu hội thảo xây dựng và chuẩn hóa các thuật ngữ luật hình sự, 18/8/2014, tr. 19.
Tham khảo thêm:
- Góp ý về chế định thừa kế trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi
- Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước
- Góp ý Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
- Một số kiến nghị nhằm bảo đảm quyền tự chủ của chính quyền địa phương về tài chính, ngân sách
- Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương
- Một số bình luận pháp lý liên quan đến Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
- Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo Hiến pháp năm 2013
- Nghĩa vụ tiền hợp đồng trong hợp đồng dịch vụ của Nguyên tắc luật Châu Âu (PEL SC) và bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện quy định pháp luật ở Việt Nam
- Bình luận một số quan điểm đối với 10 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
- Xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, vi phạm trong hoạt động kiểm tra văn bản và việc khắc phục hậu quả
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.