Thực trạng bán hàng đa cấp ở TP. Hồ Chí Minh
1. Thực trạng bán hàng đa cấp ở thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 18 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp (trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Theo báo cáo của 23/62 doanh nghiệp (31/12/2014), tổng số người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này là hơn 600.000 người. Nhìn chung, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố đã dần đi vào ổn định, các doanh nghiệp đa phần đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại và vướng mắc (theo báo cáo năm 2014 của Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với Cục Quản lý cạnh tranh).
1.1. Có sự biến tướng trong phương thức kinh doanh đa cấp sang mô hình kinh doanh đa cấp bất chính (mô hình kim tự tháp)
Pháp luật quy định cấm các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp buộc người tham gia mua một lượng hàng hóa hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được tham gia mạng lưới. Trên thực tế, các doanh nghiệp không trực tiếp vi phạm quy định này nhưng thường yêu cầu người tham gia mua bộ tài liệu khởi đầu với giá bán rất cao hoặc quy định trong chương trình trả thưởng, người tham gia được hoa hồng, lợi ích kinh tế khác (từ mạng lưới cấp dưới) thì trong một khoảng thời gian ngắn phải tiêu thụ một lượng hàng hóa nhất định. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm thường cao hơn nhiều so với giá thực tế nên người tham gia khó có thể bán hàng ra ngoài mạng lưới. Các quy định này theo hướng “lách luật”, thực chất vẫn buộc người tham gia đóng tiền mua hàng để được tham gia mạng lưới.
1.2. Có sự biến tướng trong loại hình doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp
Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn thuộc loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp là một nhánh của doanh nghiệp bán hàng đa cấp nước ngoài, người đứng đầu doanh nghiệp thường là một nhà phân phối của doanh nghiệp nước ngoài, cá biệt có trường hợp người đứng đầu doanh nghiệp chỉ đứng tên hộ trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài này thường mở văn phòng đại diện ở Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh doanh. Theo chương trình trả thưởng, nội quy hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu được dịch ra từ các văn bản nước ngoài, có trường hợp, việc tính hoa hồng, trả thưởng cũng chuyển giao cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện qua phần mềm máy tính trên mạng lưới toàn cầu. Bên cạnh đó, có hiện tượng chuyển giao mạng lưới bán hàng của các doanh nghiệp với nhau theo yêu cầu của công ty thực sự ở nước ngoài hay chuyển giao mạng lưới giữa các nhánh khác nhau trong cùng một công ty. Các hành vi này chưa được pháp luật quy định cụ thể, gây khó khăn trong công tác quản lý và không đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Trên địa bàn thành phố đang có 2.421 văn phòng đại diện hoạt động1. Theo cam kết gia nhập WTO, các văn phòng này không được tham gia vào những hoạt động sinh lợi trực tiếp. Tuy nhiên, các văn phòng đại diện đã cố tình liên kết trung gian với một công ty của Việt Nam trên danh nghĩa đại lý, đối tác để thực hiện những hoạt động kinh doanh có thu. Thực tế, trưởng văn phòng đại diện nước ngoài thường điều hành mọi hoạt động của công ty ở Việt Nam, thành lập đội ngũ nhân viên để tiếp thị bán hàng và nhận thu nhập dưới hình thức hoa hồng doanh số.
1.3. Về hàng hoá và phương thức kinh doanh
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn thường kinh doanh các mặt hàng như thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, hàng điện tử, thiết bị trị liệu, thiết bị tập luyện… chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài. Trong đó, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thiết bị trị liệu, thiết bị tập luyện… thường khó phân biệt với thuốc trị bệnh, thiết bị y tế là các mặt hàng cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp, gây khó khăn trong công tác cấp phép của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, do tính năng, công dụng, hiệu quả sử dụng của các sản phẩm này chưa rõ ràng nên doanh nghiệp, nhà phân phối đã lợi dụng “thổi phồng” gây nhầm lẫn để dụ dỗ người tiêu dùng.
Nguồn gốc và chủng loại sản phẩm của các công ty bán hàng đa cấp thường làm cho người tiêu dùng rất khó đánh giá chính xác về chất lượng, giá trị sản phẩm và giá cả sản phẩm. Các sản phẩm này không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… mà được quảng cáo đến người tiêu dùng qua các hội nghị về giới thiệu sản phẩm với quy mô vài trăm người, có khi lên đến hàng nghìn khách. Trong các buổi hội nghị như vậy, để tăng sức thuyết phục, các doanh nghiệp thường mời các thuyết trình viên tự xưng là bác sỹ, dược sỹ hay chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành… để giới thiệu về sản phẩm. Cách làm này đã tỏ ra khá hiệu quả đối với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoặc phân phối viên lại cung cấp thông tin không đầy đủ, không trung thực về tính năng và chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
1.4. Về mô hình trả thưởng
Nhiều doanh nghiệp tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn sử dụng mô hình trả thưởng “Nhị phân” hoặc “Nhị phân biến tướng” để trả thưởng cho nhà phân phối. Đây là mô hình mà theo các nhà khoa học và các chuyên gia nghiên cứu đánh giá tiềm ẩn nhiều yếu tố lừa dối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, để trả tiền thưởng theo mô hình này, doanh nghiệp phải nâng giá bán lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế và cũng theo đó, doanh nghiệp đã chiếm đoạt của nhà phân phối một khoản tiền thưởng (do mô hình này bắt buộc nhà phân phối phải “cân chân” nhưng trên thực tế khó xảy ra trường hợp “cân chân”), tức là tổng số tiền bán trong kỳ trả thưởng giữa 2 nhánh phải bằng nhau, trường hợp không bằng nhau thì trả tiền thưởng ở nhánh có doanh thu nhỏ, theo đó, số tiền thưởng (hoa hồng) còn lại của nhánh lớn “chạy” về công ty.
Cách thức trả thưởng của các công ty bán hàng đa cấp tại TP. Hồ Chí Minh khá phong phú và đa dạng. Mỗi công ty có một công thức hình thành chính sách trả thưởng khác nhau. Song, về cơ bản, các lợi ích kinh tế mà phân phối viên có thể được hưởng gồm: Lợi nhuận bán lẻ (0% – 30% giá bán lẻ), thù lao tổ chức mạng lưới hay “cư dân” mạng đa cấp thường gọi là hoa hồng doanh số nhóm (3% – 21% giá trị sản phẩm). Tùy theo mô hình của từng công ty mà có hình thức trả thưởng cho loại hoa hồng này khác nhau. Như vậy, tổng mức hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà doanh nghiệp đa cấp phải trả bình quân trên một đơn vị sản phẩm khoảng 20% – 40% giá bán lẻ sản phẩm.
1.5. Về mạng lưới nhà phân phối
Hiện tại, mặc dù pháp luật đã quy định về biện pháp, mức xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đối với nhà phân phối (người tham gia) vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp (Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh), tuy nhiên, trên thực tế hầu như chưa xử phạt được các đối tượng này do các đối tượng này là cá nhân, hoạt động tự do, cơ quan quản lý nhà nước hầu như không thu thập được chứng cứ vi phạm của họ. Trong khi đó, do chạy theo lợi nhuận, các nhà phân phối (thường là những nhà phân phối ở tuyến trên) đã tổ chức, hướng dẫn các nhà phân phối ở tuyến dưới của mình (qua kiểm tra thực tế nhiều doanh nghiệp thường ủy quyền/giao việc đào tạo pháp luật, chương trình trả thưởng cho các nhà phân phối ở tuyến trên thực hiện) quảng cáo sai sự thật về tính năng, công dụng của hàng hóa nhằm dụ dỗ, lừa gạt người tiêu dùng mua hàng. Ngoài ra, còn có hiện tượng nhà phân phối ở tuyến trên thường đưa ra yêu sách đối với doanh nghiệp nếu không đáp ứng thì sẽ dẫn mạng lưới của mình sang doanh nghiệp khác và doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận nên thường làm ngơ để các nhà phân phối tự ý quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.
1.6. Một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật
Một số doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh chưa tuân thủ các quy định của pháp luật mà biểu hiện cụ thể là kinh doanh đa cấp bất chính tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình kinh doanh này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội như: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa; cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
2. Những tác động tích cực của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
2.1. Đối với mô hình bất chính
Ở Việt Nam hay trong bất kể thị trường nào trên thế giới cũng đều dễ nhận thấy mô hình kinh doanh bất chính trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngoài việc cấm kinh doanh đa cấp trong lĩnh vực dịch vụ còn cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Quy định này đã thể hiện rõ mô hình nào được phép kinh doanh.
Theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia mới, việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia, phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới. Như vậy, mô hình kim tự tháp hay còn gọi là mô hình kinh doanh đa cấp bất chính là mô hình mà thu nhập của người tham gia bán hàng đa cấp không xuất phát từ quan hệ mua bán hàng hóa và/hoặc không liên quan gì đến hàng hóa.
Từ những căn cứ này, cơ quan quản lý cũng như người tham gia bán hàng đa cấp có thể dễ dàng nhận ra đâu là mô hình kinh doanh tuân thủ pháp luật và đâu là loại hình bất chính để chọn lựa, phân loại khi quyết định tham gia hoặc xét duyệt hồ sơ đăng ký, thanh tra, kiểm tra xử phạt. Quy định rõ ràng, cụ thể về mô hình kinh doanh tạo ra sự thông thoáng, tiến bộ trong cách nhìn nhận, đánh giá và phân loại quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, từ đó hoàn thiện và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp.
2.2. Đối với loại hình doanh nghiệp
Bằng việc đưa bán hàng đa cấp vào ngành kinh doanh có điều kiện là kinh doanh bán lẻ theo phương thức đa cấp để yêu cầu vốn pháp định 10 tỷ và nâng số tiền ký quỹ lên tối thiểu là 5 tỷ đã loại bỏ hầu hết sự trá hình trong việc mở công ty địa phương thuê người đứng tên hộ hoặc bản thân một nhánh người tham gia ở một quốc gia khác vào Việt Nam mở công ty địa phương để kinh doanh ngắn hạn, thu lợi cá nhân mà không quan tâm đến nghề nghiệp và lợi ích lâu dài của người tham gia. Vì số tiền quá cao và quy định khắt khe đã dẫn đến rủi ro cho phía đầu tư “núp bóng” là rất lớn và khó thực hiện.
Điều 5 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng cấm mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác (trừ trường hợp mua lại, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp), do vậy mục đích thành lập doanh nghiệp địa phương dưới sự điều khiển của nhà đầu tư nước ngoài nhằm tham khảo thị trường, sau đó chuyển giao mạng lưới là điều không thể do bị pháp luật xử phạt, đây cũng là một điểm mới, khá rõ ràng, minh bạch trong nội dung Nghị định này.
Bên cạnh đó, chủ thể đăng ký thành lập doanh nghiệp bán hàng đa cấp nếu cung cấp hồ sơ gian dối như là lập ký quỹ, vốn pháp định giả hoặc bị rút giấy phép vì vi phạm từ hai điều cấm quy định tại Điều 5 của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP thì sẽ không bao giờ được đứng đại diện pháp luật trong doanh nghiệp bán hàng đa cấp, vì vậy, những người trước đây được thuê mướn cũng có tâm lý e sợ và từ bỏ hoặc rất thận trọng trong việc tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp một cách rõ ràng.
Với quy định khắt khe về vốn, về chủ thể đăng ký thành lập, về mô hình, về những điều cấm và chế tài xử lý rút giấy phép khiến cho các doanh nghiệp trước đây với tâm lý hoạt động “cầm hơi”, ngắn hạn thì nay phải từ bỏ vì không đáp ứng nổi. Do vậy, với 102 doanh nghiệp từ khi mới du nhập vào Việt Nam, đến nay chỉ còn có 45 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật về bán hàng đa cấp hiện hành.
2.3. Đối với hàng hóa và phương thức kinh doanh
Khi nộp hồ sơ đăng ký giấy chứng nhận tổ chức bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải có danh sách các mặt hàng với thông tin một cách đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ, công dụng, tài liệu pháp lý chứng minh công dụng, giá cả, điểm tích lũy hoa hồng. Danh mục thông tin hàng hóa này được cơ quan cấp phép đóng dấu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử và công khai về 63 tỉnh, thành, địa phương, do vậy, việc quản lý hết sức dễ dàng đối với những đối tượng cố tình tuyên truyền sai sự thật, “thổi phồng” công dụng, xuất xứ nhằm lừa dối người tiêu dùng hoặc tuyển dụng mạng lưới người tham gia.
Điểm mới trong Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về hàng hóa là quy định rõ tất cả các mặt hàng đều có thể đổi, trả trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hàng. Tránh tình trạng doanh nghiệp từ chối mua lại hàng với những mặt hàng bán theo mùa, hàng khuyến mại gây khó cho người tiêu dùng hoặc người tham gia khi họ không phân phối được và có nhu cầu đổi trả hàng. Những mặt hàng nào không được đổi trả thì doanh nghiệp phải đăng ký ngay từ đầu với cơ quan cấp phép và phải nêu rõ lý do chính đáng của việc không thể đổi trả thì mới được chấp nhận, tuy nhiên trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều kiện này cho tới nay.
2.4. Đối với mô hình trả thưởng
Điều 27 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP quy định rõ tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Với quy định cụ thể và rõ ràng về mức hoa hồng đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp đa cấp. Mức 40% cũng được xem là hợp lý vì doanh nghiệp không thể trả quá 50% tức là hòa vốn hoặc thua lỗ nếu vượt quá 50%. Sở dĩ có sự hạn chế về mức phần trăm chi trả như trên là để tránh việc doanh nghiệp cung cấp không trung thực về lợi ích khi gia nhập mạng lưới, về thu nhập tiềm năng.
2.5. Đối với mạng lưới nhà phân phối
Với quy định tổ chức hội thảo, hội nghị phải được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý địa phương đã phần nào hạn chế sự tự phát trong việc tiếp thị, tuyển dụng và bán hàng sai sự thật của người tham gia bán hàng đa cấp.
Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng quy định rõ, chỉ có những người được cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp mới được tiếp thị bán sản phẩm và nhận hoa hồng. Muốn được cấp thẻ thành viên, người tham gia phải ký hợp đồng và tham gia lớp đào tạo cơ bản bắt buộc. Quy định đào tạo bắt buộc đã phần nào phát huy hiệu quả, hạn chế tình trạng tự phát, thiếu kiến thức, thiếu trình độ khi tiếp thị bán hàng của người tham gia tạo nên định kiến xấu trong xã hội khi nói về đa cấp, giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý có thể dễ dàng nắm được thông tin của người tham gia bán hàng đa cấp để kịp thời chấn chỉnh, khai trừ nếu họ vi phạm các quy định cấm thực hiện làm thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc những người tham gia khác.
2.6. Đối với doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật
Theo Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì hành vi và mức xử phạt cao hơn nhiều là một trong những điểm khiến doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong việc tuân thủ quy định pháp luật khi tổ chức bán hàng mà không dám chấp nhận mạo hiểm để chịu xử phạt như trước.
Ngoài ra, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP quy định, chỉ cần vi phạm từ 2 hành vi được quy định tại Điều 5 là có thể bị thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp. Vì vậy, khi đầu tư vào doanh nghiệp với số vốn pháp định, ký quỹ, xây dựng bộ máy, hệ thống tiếp thị bán hàng với giá trị lớn, không doanh nghiệp nào lại bất chấp hoặc mạo hiểm vi phạm pháp luật để bị tước giấy phép, vì vậy hoạt động của các doanh nghiệp có chiều sâu, có tính toán, chỉnh chu và nề nếp, chặt chẽ hơn nhiều.
Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng ràng buộc trách nhiệm giám sát người tham gia bán hàng đa cấp của tổ chức bán hàng đa cấp để chuẩn hóa phần nào hoạt động của người tham gia thuộc doanh nghiệp mình. Điều 22 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp khi hoạt động bán hàng được người tham gia thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bất kể doanh nghiệp có hoặc không có liên quan. Do vậy, doanh nghiệp phải rất quan tâm đến sự tuân thủ quy định pháp luật mà không thả nổi, tiếp tay, xúi giục người tham gia vi phạm để cùng hưởng lợi.
So với trước đây, việc cấp phép và quản lý dựa trên tỉnh, thành nơi doanh nghiệp đặt trụ sở đã không phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp thông báo hoạt động trên địa bàn của tỉnh, thành phố khác với tâm lý sở nào cấp thì sở đó quản lý, địa phương không có số liệu, không có liên quan. Hơn nữa, trong phạm vi 1 địa phương, nếu số lượng doanh nghiệp nhiều và nhân sự quản lý chuyên trách mỏng sẽ làm cho khâu thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm không đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên khiến cho các doanh nghiệp gia tăng các hoạt động vi phạm. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP giao thẩm quyền cấp phép ở cơ quan cấp bộ đã khắc phục được điểm hạn chế trong công tác quản lý doanh nghiệp, thống nhất lại thành 1 cơ quan cao nhất để các địa phương đều ngang nhau về vai trò, tạo ra sự đồng thuận. Hơn nữa, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin được triển khai đồng bộ từ cơ quan cấp bộ đến cơ quan quản lý địa phương dẫn đến khâu hậu kiểm đạt kết quả cao, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm của doanh nghiệp và người tham gia trên phạm vi toàn quốc.
3. Kiến nghị
Từ thực trạng bán hàng đa cấp như hiện nay, tác giả kiến nghị cơ quan quản lý sớm có những biện pháp khắc phục, điều chỉnh theo hướng như sau:
Thứ nhất, soạn thảo và ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát định kỳ và thông tin rộng rãi về doanh nghiệp, hành vi vi phạm cũng như mức xử phạt tương ứng; quy định doanh nghiệp định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo cho Bộ Công thương, Sở Công thương về số liệu kinh doanh; cơ quan quản lý cũng phải có chế độ kiểm tra, thanh tra đầy đủ và đều đặn không bỏ sót, không nương nhẹ bất kì doanh nghiệp nào và phải có biện pháp xử lý mạnh, tránh “giơ cao đánh khẽ”, bao che.
Thứ hai, tăng cường và quy định thêm chế tài và biện pháp xử lý người tham gia vi phạm các điều cấm. Cơ chế quản lý và giám sát hoạt động đào tạo cơ bản của doanh nghiệp cần chuẩn hóa ngay từ đầu, tránh tình trạng doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo đối phó hoặc không tổ chức đào tạo mà cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản cho người tham gia.
Thứ ba, cần chứng minh sự liên hệ giữa doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng đa cấp và nhà sản xuất sản phẩm thì mới được đăng ký mặt hàng kinh doanh đa cấp; phải có thư ủy quyền cộng với cam kết về trách nhiệm, chất lượng hàng hóa, kênh phân phối chính thống, phạm vi địa lý và dòng sản phẩm để xác định sự đầu tư lâu dài của doanh nghiệp khi được cấp phép bán hàng đa cấp, vì mấu chốt của doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng, người tham gia và tất cả giá trị kinh tế đều xuất phát từ hàng hóa của doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động thi đua, quan hệ quốc tế và vị thế của các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm đảm bảo vai trò giúp sức, giám sát các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của người tham gia và doanh nghiệp có liên quan tạo nên một cộng đồng lành mạnh, có sức thuyết phục trong nền kinh tế – xã hội.
ThS. Lê Bí Bo
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh (2014), Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động bán hàng đa cấp, tr.3.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia.
3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2013), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Luật Cạnh tranh năm 2004.
5. Luật Doanh nghiệp năm 2014.
6. Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2013.
7. Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
8. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
9. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
10. Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 của Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
11. Thông tư số 24/2014/TT-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
12. Đại học Luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.11.
13. Đại học Luật Hà Nội (2005), Giáo trình Luật thuế Việt Nam, Nxb. Tư pháp.
14. Cục Quản lý cạnh tranh (2005), Hỏi đáp về bán hàng đa cấp theo Luật Cạnh tranh Canada, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
15. Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương (2014), Báo cáo tổng kết ngành bán hàng đa cấp năm 2014.
16. http://www.dsa.org/aboutselling/faqs/#direct_marketing.
17. http://www.govtrack.us/congress/billtext.xpd?bill=h108-1220.htm.
18. http://www.mlmlaw.com/library/guides/doortodoor.htm.
19. http://www.mlmlaw.com/library/guides/primer.htm.
20. http://app.mti.gov.sg/default.asp?id=567.
Tham khảo thêm:
- Một số bất cập về thời hiệu xử lý kỷ luật các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
- Vai trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự tại khu vực phía Nam
- Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013
- Quy định pháp luật về công tác tiếp công dân
- Quyền tư pháp và cơ quan tư pháp ở Việt Nam
- Cơ sở pháp lý đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam
- Một số quy định mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo Luật Đất đai năm 2013
- Đặc điểm pháp lý và các mối liên hệ cơ bản của quản tài viên
- Một số hạn chế của công tác thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.