TÌNH HUỐNG
Để được Q ( người đàn ông lớn tuổi, nhiều tiền và đã có vợ con) cung phụng tiền bạc cho việc ăn chơi, T( 16 tuổi 3 tháng) rủ M, H, N ( đều trên 16 tuổi) tổ chức liên hoan đồng thời lén bỏ thuộc ngủ và thuốc kích dục vào cốc nước uống của N làm cho N ngủ say để Q quan hệ tình dục với N. Vụ việc sau đó bị phát hiện, Q và T bị bắt.
Câu hỏi:
- Xác định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T?
- Hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi phạm tội của mình?
- Giả sử N mới 15 tuổi 8 tháng, thì tội danh và khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T có thay đổi không? Tại sao? Hình phạt nặng nhất mà T phải chịu do hành vi phạm tội của mình trong trường hợp này là bao nhiêu năm tù?
- Giả sử, khi Q quan hệ tình dục với N, T đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay video. Một thời gian sau Q không cho T tiền nữa, T đã đưa các hình ảnh này cho Q xem và yêu cầu Q với số tiền 50 triệu đồng để đổi lấy việc xóa bỏ các hình ảnh trong điện thoại. Q chưa đưa tiền cho T và vụ việc bị phát hiện. Hành vi của T có phạm tội không? Nếu có tội thì đó là tội gì và giải thích rõ giai đoạn phạm tội mà T đã thực hiện?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1. Xác định tội danh và khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T?
- Định tội danh :
Với những hành vi được mô tả trong tình huống trên đây, có thể khẳng định Q và T phạm tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999 vì có đủ các dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm, cụ thể:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 về tội hiếp dâm như sau: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Trước hết, hiếp dâm là hành vi của một người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ
Về khách thể của tội phạm : Khách thể của tội hiếp dâm xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của phụ nữ. Với tình huống trên, Khách thể của tội phạm mà T và Q thực hiện trong tình huống là : xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của N mà luật hình sự bảo vệ. T đã giúp Q giao cấu được với N mà không có sự đồng ý của N.
Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt, là nam giới – có năng lực TNHS, đạt đổ tuổi nhất định và đã thực hiện hành vi được quy định tại Điều 111 BLHS. Xét với tình huống trên, Q là người đàn ông lớn tuổi đã có vợ con, ta coi Q đã đủ độ tuổi chịu TNHS, đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, tức là đủ điều kiện chủ thể của tội phạm. Ta cũng coi T có đủ năng khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, theo tình huống T 16 tuổi 3 tháng, xét với quy định tại Điều 12 BLHS, thì T cũng đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội hiếp dâm là hành vi giao cấu với người phụ nữ trái ý muốn của họ bằng các thủ đoạn dùng vu lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc bằng thủ đoạ khác. CTTP của tội hiếp dâm đòi hỏi có hành vi giao cấu với nạn nhân, nhưng không yêu cầu hành vi giao cấu phải đã kết thúc về mặt sinh lí. Để thực hiện được hành vi giao cấu với người phụ nữ trái vơi ý muốn của họ, thì người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Hành vi dùng vũ lực: là dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại việc giao cấu như xô ngã, vật, giữ, bóp cổ nạn nhân…
– Hành vi đe đọa dùng vũ lực: Đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe doạ sợ hãi như: doạ giết, doạ đánh, doạ bắn… làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của mình.
– Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vể của nạn nhân: Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu thì không thể chống cự lại được như người phụ nữ đang trong tình trạng ốm đau…
– Hành vi dùng thủ đoạn khác: Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi đã được quy định trong cấu thành ( dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân) giúp cho người phạm tội có thể thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ. Đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của họ như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân
Trở lại với tình huống, để cho Q thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với nạn nhân N, T đã thực hiện thủ đoạn khác là bỏ thuốc ngủ và thuốc kích dục vào cốc nước uống của N làm cho N ngủ say, rơi vào tình trạng không thể tự vệ. Q lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của N, thực hiện hành vi giao cấu với N trái ý muốn của N.
Với tội hiếp dâm, giao cấu là hành vi, nhưng đối với nạn nhân thì nó là hậu quả ( người bị hại bị hiếp). Với tình huống trên, T và Q đã thực hiện các hành vi CTTP của tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 BLHS.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội hiếp dâm người thực hiện hành vi của mình là do cố ý. Ở tình huống này, T và Q đều nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi do mình thực hiện, nhưng vẫn thực hiện hành vi nhằm thỏa mãn dục vọng của Q.
Với nạn nhân trong tình huống trên là N trên 16 tuổi, nên hành vi mà T và Q thực hiện sẽ cấu thành tội hiếp dâm.
Kết luận: Từ những phân tích trên đây, ta thấy, Q đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với N nên tội danh mà Q thực hiện là tội hiếp dâm quy định ở Điều 111 BLHS. T tuy rằng không thực hiện hành vi giao cấu với N nhưng có hành vi giúp sức cho Q nhằm đưa N vào tình trạng không thể kháng cự để Q thực hiện hành vi giao cấu, do đó, T cũng phải chịu TNHS về tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 BLHS, và là đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho Q theo quy định về đồng phạm tại Điều 20 BLHS.
- Khung hình phạt:
Điều 111 BLHS về tội hiếp dâm quy định 3 khung hình phạt. Khung cơ bản có 2 mức : mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội không có tình tiết định khung tăng nặng và nạn nhân là người thành niên. Mức phạt tù từ 5 năm đến 10 năm trong trường hợp không có tình tiết định khung tăng nặng và nạn nhân chưa thành niên ( đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm được áp dụng cho trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 111 BLHS. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được áp dụng cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 BLHS.
Trở lại với tình huống,Tội hiếp dâm mà T và Q đã thực hiện trên đã thỏa mãn các dấu hiệu về hành vi, Q đã thực hiện được hành vi giao cấu với N, do đó, tội phạm được thực hiện đã hoàn thành.Tình huống trên chỉ nói độ tuổi của nạn nhân N là trên 16 tuổi, vì vậy để định khung hình phạt với T và Q thì cần xem xét độ tuổi của nạn nhân.
- Thứ nhất, với N trong độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên:
Khi đó hành vi của T và Q sẽ cấu thành tội hiếp dâm theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 BLHS : “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Với quy định trên đây, thì khung hình phạt đối với hành vi của Q và T là từ hai năm tù đến bảy năm tù.
- Thứ hai, với N có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi:
Khi đó hành vi của T và Q sẽ cấu thành tội hiếp dâm theo quy định tại Khoản 4 Điều 111 BLHS: “ Phạm tội hiếp dâm với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.”
Với quy định trên, thì khung hình phạt đối với hành vi của Q và T là từ năm năm đến mười năm tù.
2. Hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi phạm tội của mình?
Theo như phần 1 đã chỉ ra rằng, T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 BLHS. Hình phạt nặng nhất mà các nhà làm luật đặt ra mà người phạm tội phải chịu chính là mức cao nhất của khung hình phạt được quy định trong điều luật đó. Nhưng, trong trường hợp phạm tội của T, T thực hiện hành vi phạm tội vào thời điểm T 16 tuổi 3 tháng. Do đó, khi quyết định hình phạt phải áp dụng các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.
Hình phạt mà T phải chịu là tù có thời hạn, khoản 1 Điều 74 quy định như sau: “1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp quy định hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì định mức là mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mà điều luật quy định.” Từ quy định này, Hình phạt cao nhất mà T phải chịu sẽ bằng ba phần tư mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định.
Như phân tích ở phần định khung hình phạt ở phần 1, hành vi của Q và T có thể cấu thành Khoản 1 hoặc khoản 4 Điều 111 BLHS phụ thuộc vào độ tuổi của N. Vậy hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi phạm tội của mình thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: N có độ tuổi là từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hành vi của Q và T cấu thành Khoản 1 Điều 111 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù. Khi đó hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi phạm tội của mình là ba phần tư của bảy năm tù tức là 5 năm ba tháng tù giam.
– Trường hợp 2: N có độ tuổi trong khoảng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Hành vi của Q và T cấu thành khoản 4 Điều 111 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù. Khi đó, hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi của mình sẽ là ba phần tư của 10 năm là 7 năm 6 tháng tù.
3. Giả sử N mới 15 tuổi 8 tháng, thì tội danh và khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T có thay đổi không? Tại sao? Hình phạt nặng nhất mà T phải chịu do hành vi phạm tội của mình trong trường hợp này là bao nhiêu năm tù?
- Tội danh và khung hình phạt:
Với tình huống đầu bài, nếu giả sử N mới 15 tuổi 8 tháng thì tội danh và khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T sẽ thay đổi. Cụ thể, hành vi của Q và T sẽ cấu thành tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sự, bởi vì: Tội hiếp dâm quy định tại Điều 112 BLHS như sau:
“1. Người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm;”
Các dấu hiệu của tội hiếp dâm trẻ em về cơ bản tương tự như tội hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, vì nạn nhân là trẻ em nên có một vài dấu hiệu thuộc về phía nạn nhân không giống với trường hợp hiếp dâm mà nạn nhân không phải là trẻ em như : Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em.
Tuổi của nạn nhân (người bị hiếp) là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Trở lại với tình huống, theo như những phân tích cấu thành tội phạm ở phần 1, tội danh của Q và T là tội hiếp dâm. Nhưng nếu giả sử là N 15 tuổi 8 tháng, theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 : “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mưới sáu tuổi.” thì N thuộc đối tượng là trẻ em. Q đã thực hiện hành vi giao cấu với N trái ý muốn của N. Do đó, tội danh của Q và T sẽ thay đổi thành tội hiếp dâm trẻ em khi nạn nhân N 15 tuổi 8 tháng.
Cũng như tội danh, khung hình phạt của Q và T cũng thay đổi. Hành vi của Q và T cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 112 BLHS. Theo đó, khung hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 112 BLHS là từ bảy năm đến mười lăm năm. Do vậy, khung hình phạt đối với hành vi phạm tội của Q và T là bảy năm đến mười lăm năm tù.
- Hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu:
Trong tình huống này, khi nạn nhân N 15 tuổi 8 tháng và T là đồng phạm với tư cách là người giúp sức cho Q thực hiện hành vi phạm tội, do đó, T cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em. Như phân tích ở trên thì hành v của Q và T cấu thành tội hiếp dâm trẻ em quy định tại khoản 1 Điều 112 BLHS. Áp dụng Khoản 1 Điều 112 BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là mười lăm năm tù. Do đó, hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu theo quy định của điều luật này là mười năm năm tù, nhưng T phạm tội khi có độ tuổi là 16 tuổi 3 tháng, nên phải áp dụng các quy định đối với người thành niên phạm tội đối với T.
Khoản 1 Điều 74 BLHS quy định về phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên là “mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mà điều luật quy định;”.Với quy định đó, hình phạt cao nhất mà T có thể phải chịu sẽ không quá ba phần tư mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định. Theo như phân tích ở trên, thì khung hình phạt đối với Q và T là bảy năm đến mười lăm năm tù. Vậy, hình phạt nặng nhất mà T có thể phải chịu do hành vi phạm tội của mình sẽ bằng ba phần tư của mười lăm năm là 11 năm 3 tháng tù.
4. Giả sử, khi Q quan hệ tình dục với N, T đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay video. Một thời gian sau Q không cho T tiền nữa, T đã đưa các hình ảnh này cho Q xem và yêu cầu Q với số tiền 50 triệu đồng để đổi lấy việc xóa bỏ các hình ảnh trong điện thoại. Q chưa đưa tiền cho T và vụ việc bị phát hiện. Hành vi của T có phạm tội không? Nếu có tội thì đó là tội gì và giải thích rõ giai đoạn phạm tội mà T đã thực hiện?
- Định tội :
Trong trường hợp này, hành vi của T là hành vi phạm tội. Tội danh của T là tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135 BLHS vì thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, cụ thể: Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 BLHS như sau:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”
Trước hết, Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khách thể của tội phạm: xâm phạm đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Tình huống trên, T dùng ảnh, vi deo để đòi Q một số tiền, hành vi này xâm phạm tới quan hệ sở hữu mà luật hình sự bảo vệ.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự , người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 135, vì khoản 1 Điều 135 là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khoản 1 Điều 135 chỉ là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.
Trong tình huống này, T đã 16 tuổi 3 tháng, có đầy đủ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi, do đó, thỏa mãn là chủ thể của tội cưỡng đoạt tài sản.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi khách quan: Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau:
– Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực: Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể dược thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc.
– Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nằm chiếm đoạt tài sản: Ngoài hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản. Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:
+ Doạ sẽ huỷ hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội.
+ Doạ sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết.
+ Bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản.
+ Giả danh là cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Thuế vụ, Hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản.
Hậu quả: tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, không đòi hỏi việc người phạm tội chiếm được tài sản hay chưa, mà dựa vào mục đích “ nhằm chiếm đoạt tài sản”. Trở lại với tình huống, T đã thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần Q bằng việc cho Q xem những hình ảnh, video mà T quay lại hành vi giao cấu với N của Q để yêu cầu Q đưa cho mình số tiền là 50 triệu đồng.
Mặt chủ quan của tội phạm: Tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích mà người phạm tội muốn hướng tới là nhằm chiếm đoạt được tài sản. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh với tội cưỡng đoạt tài sản.
Xét với tình huống, T nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi của mình, nhưng vẫn thực hiện hành vi. Mục đích của T là chiếm đoạt được số tiền là 50 triệu đồng từ Q. Do đó, T thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định T phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS.
- Giai đoạn thực hiện tội phạm:
Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý, bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Với tình huống trên đây, cũng như phân tích mặt chủ quan của tội cưỡng đoạt tài sản đã chỉ ra rằng T phạm tội với lỗi cố ý. Giai đoạn thực hiện tội phạm của T là giai đoạn tội phạm hoàn thành. Vì theo như phân tích ở trên, tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có CTTP hình thức, chỉ cần có hành vi khách quan và xác định được mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành. Do vậy, ở tình huống này, T đã thực hiện hành vi khác quan của tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi uy hiếp tinh thần với lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt được tiền của Q, dù T chưa lấy được tiền của Q thì tội phạm mà T thực hiện đã ở giai đoạn hoàn thành.
Tham khảo thêm:
- Phân tích những quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần
- Xây dựng một tình huống về hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức – Giải quyết tình huống đó trên cơ sở so sánh quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng – Thực trạng và biện pháp phòng ngừa
- Nêu những sai sót thường gặp của người thực hiện tư vấn pháp luật khi tiếp xúc khách hàng và đưa ra những giải pháp khắc phục – Minh họa bằng các tình huống thực tiễn
- Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – so sánh với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Phân tích, đánh giá những điểm mới của BLTTDS 2015 về Thẩm quyền của Tòa án
- Phân tích vai trò của văn hoá và các lĩnh vực chính của văn hoá theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm pháp luật về thuế – thực trạng từ 2015 đến nay và những vấn đề cần hoàn thiện ở Việt Nam
- Hiện nay, nguyên tắc đồng thuận đang được ASEAN sử dụng dể thông qua các quyết định của mình, bên cạnh những ưu điểm, nguyên tắc đồng thuận cũng đã và đang bộc lộ rất nhiều hạn chế – Vì vậy, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra khi Cộng đồng ASEAN đã chính thức được hình thành, ASEAN cần phải thay thế nguyên tắc đồng thuận bằng một nguyên tắc khác linh hoạt và phù hợp hơn
- Phân tích một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về quy chế thành viên của một tổ chức quốc tế liên chính phủ
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.