Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung

Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung

 

 

Chú tôi phạm pháp và đã bị xử phạt tù chung thân, Tòa tuyên chú tôi phải bồi thường người bị hại 120 triệu đồng. Gia đình đã nộp án phí đầy đủ và bồi thường được 40 triệu đồng. Nay còn 80 triệu đồng kia gia đình chú tôi không có khả năng hoàn trả. Tài sản có giá trị duy nhất là đất và nhà đang ở. Vậy gia đình chú tôi có bị cưỡng chế thi hành án không? Nếu phải thi hành án thì sẽ giải quyết như thế nào? Quyền lợi của cô tôi và các em tôi ra sao? Cô tôi bị mất sức lao động, các em tôi đã đủ 18 tuổi nhưng không có việc làm ổn định. Mong được giải đáp. Tôi xin trân thành cảm ơn!

 

Gửi bởi: thaison

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi, chú bạn còn phải thi hành khoản bồi thường 80 triệu đồng, vì thế phải dùng tài sản của chú bạn để thi hành án. Theo bạn nêu thì gia đình chú bạn có tài sản có giá trị duy nhất là đất và nhà đang ở, do đó phải xác định phần tài sản của chú bạn trong khối tài sản chung đó.

Thủ tục cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 như sau: Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án; đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Như vậy, cô bạn và các em của bạn có tài sản chung với chú bạn thì phần tài sản của cô và các em được nhận lại, mặt khác được quyền ưu tiên mua phần tài sản của chú bạn khi bị cưỡng chế kê biên, bán đấu giá để thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191