Trao đổi về vấn đề tội phạm kết thúc

Trao đổi về vấn đề tội phạm kết thúc.

Đối với hầu hết các tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, luật hình sự Việt Nam chia ra ba giai đoạn phạm tội là chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Việc phân chia này là rất cần thiết, giúp đánh giá đúng mức độ thực hiện tội phạm để qua đó có cơ sở xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Tuy vậy, trong một số trường hợp nếu chỉ dựa vào cách phân chia này sẽ không giải quyết đúng vấn đề đồng phạm, vấn đề phòng vệ chính đáng và vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy trong khoa học luật hình sự người ta đưa ra khái niệm tội phạm kết thúc. Tội phạm kết thúc là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt. Thời điểm tội phạm hoàn thành và thời điểm tội phạm kết thúc có thể trùng nhau, nhưng cũng có thể không trùng nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin nêu và phân tích một số ví dụ để thấy ý nghĩa rất quan trọng của việc nắm vững khái niệm tội phạm kết thúc trong việc định tội danh.

Ví dụ 1: Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2013 có đăng bài nêu các ý kiến tranh luận về vụ án cụ thể sau: Ngày 17/6/2010, tại TP.VT, Trương B chở Trương C đi chơi (B và C là hai anh em ruột). Trên đường đi, B rủ C giật túi xách của một phụ nữ. C không đồng ý, B vẫn đuổi theo nạn nhân giật túi rồi đưa cho C giữ. C cầm túi để giữa đùi, ngồi sát vào B nhằm tránh sự phát hiện của người đi đường. Đến bãi đất trống, vắng người thuộc trụ sở Vùng C Cảnh sát Biển, phường II – thành phố. VT, cả hai dừng lại mở ra xem. Thấy có dấu diệu bất thường, một số chiến sỹ Cảnh sát biển đã tiếp cận để kiểm tra. B và C bỏ chạy, nhưng đã bị bắt giữ…

Viện kiểm sát nhân dân thành phố. VT đã truy tố B và C về tội cướp giật tài sản (Điều 136 BLHS).

Tại phiên tòa sơ thẩm, C một mực kêu oan, nói ngay từ đầu, mình đã không đồng ý cướp giật. Tất cả là do B chủ động giật túi rồi mới đưa cho C. C khai, khi đó trong đầu không nghĩ được gì, không biết phản ứng thế nào. Việc cầm túi, che lại để không bị phát hiện do sợ bị bắt, bị đánh…

Tòa án kết luận C đồng phạm giúp sức cướp giật tài sản, bởi khi B giật rồi đưa túi xách cho C, C không vứt đi, cũng không có phản ứng gì, dù quãng đường từ nơi giật túi đến nơi dừng lại xem “chiến lợi phẩm” khá dài, đủ thời gian cho C suy nghĩ. Tòa án đã tuyên phạt B ba năm tù, C hai năm tù về tội cướp giật tài sản.

Bài viết trên Tạp chí nêu có hai loại ý kiến tranh luận về tội danh của C. Loại ý kiến thứ nhất, đồng tình với việc xét xử của Tòa án, đồng thời cho rằng C phạm tội với vai trò đồng phạm. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, B đã hoàn thành việc cướp giật tài sản, nên phải định tội danh của C là “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 250 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Các ý kiến tranh luận đều không quan tâm đến lý luận về tội phạm kết thúc, trong khi đây là vấn đề không thể không đề cập đến khi xem xét trách nhiệm hình sự của C.

Trong vụ án này, chúng tôi thấy rằng thời điểm B giật được túi xách và đưa cho C là tội phạm đã hoàn thành, nhưng tội phạm chưa kết thúc. Bởi đặc trưng cơ bản của tội cướp giật tài sản là sau khi giật được tài sản, người phạm tội nhanh chóng tìm cách tẩu thoát khỏi sự truy đuổi của người bị hại và những người khác, đưa tài sản chiếm đoạt đến nơi mà người phạm tội cho là an toàn. Trong vụ án này thời điểm C cầm túi xách từ B giao cho là thời điểm cả hai đang chạy trốn để đưa tài sản chiếm đoạt được đến nơi cả hai cho là an toàn.

Do đó C phải chịu trách nhiệm hình sự tội cướp giật tài sản đối với hành vi của mình, đó là đã cầm túi xách B giao ngay sau khi B giật được và ngồi sát vào B để tránh sự phát hiện của người đi đường. Vì vậy, việc Tòa án xử phạt C về tội cướp giật tài sản là hoàn toàn đúng đắn. Việc cho rằng trước khi C cầm túi xách, B đã thực hiện tội phạm hoàn thành, nên C không thể phạm tội cướp giật tài sản là do không nắm vững lý luận về thời điểm tội phạm kết thúc.

Nhân đây, chúng tôi thấy rằng cần trao đổi thêm hai vấn đề nhỏ, nhưng có sai lầm khá phổ biến, trong đó có sai lầm của những người theo quan điểm thứ nhất là phải xét xử C về tội cướp giật tài sản:

Thứ nhất, việc xác định C phạm tội cướp giật tài sản với vai trò giúp sức là không đúng. Bởi lẽ, trong khi tội phạm chưa kết thúc, C thực hiện hành vi cùng Bđưa tài sảnchiếm đoạt được đến nơi an toàn (nơi mà cả hai thực sự thực hiện được sự quản lý đối với tài sản), thì cũng như B, C phạm tội với vai trò người thực hành. Theo Điều 20 BLHS hiện hành về đồng phạm, thì người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đối chiếu với quy định này, rõ ràng C không phải là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất để B thực hiện tội phạm, mà là người cùng B trực tiếp thực hiện tội phạm, nên việc cho rằng C phạm tội với vai trò giúp sức là không đúng. Hiểu khái niệm giúp sức như vậy là cách hiểu cảm tính, không phải theo suy luận logic.

Thứ hai, không thể cho rằng C phạm tội cướp giật tài sản vớivai trò đồng phạm. TheoBLHS Việt Nam hiện hành, thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy trong vụ án này cả B và C đều là những đồng phạm. Còn khi đánh giá vai trò người phạm tội, thì theo luật hình sự Việt Nam, chúng ta phải xem người phạm tội đóng vai trò gì trong các vai trò người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Do đó theo pháp luật hình sự hiện hành của nước ta thì cụm từ phạm tội với vai trò đồng phạm mà trong thực tiễn nhiều người vẫn dùng là vô nghĩa.

Ví dụ 2: Ngày 19/4/2007, vào khoảng 14 giờ, Hoàng Mạnh H đến nhà bà Lê Thị Kh để trộm cắp tài sản. Đến nơi, H trèo hàng rào, mở cửa hông vào nhà lấy 3 loa vi tính trị giá 350.000 đồng; một đầu Sony trị giá 600.000 đồng; một bộ âm ly trị giá 270.000 đồng và một bộ lư đồng trị giá 1.700.000 đồng. Sau đó, H lấy hai bao lạc sau bếp, bỏ số tài sản trên vào trong đó và đưa ra đặt sát hàng rào nhà bà Kh. H gọi điện cho Trần Văn M, nói rõ sự việc và nhờ Trần Văn M mang xe máy đến để đưa H đưa tài sản đi tiêu thụ. M đã đưa xe đến đón H và chở H đến nhà bà Kh. H leo vào trong hàng rào vác hai bao lạc đựng tài sản chuyển cho M đang đứng ngoài hàng rào. Sau đó, M điều khiển xe máy, H vác hai bao lác ngồi sau, cùng nhau đưa tài sản đi tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ. Trần Văn M bị Tòa án nhân dân thành phố ĐH xử phạt theo hai tội danh là trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (hành vi trên bị xử phạt theo tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; còn hai lần trộm tài sản trước đó cùng với H thì bị xử phạt theo tội trộm cắp tài sản).

Trần văn M có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của M, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trong phần xét thấy bản án đã xác định hành vi phạm tội trên của Trần Văn M lẽ ra cần phải xử phạt theo tội trộm cắp tài sản mới đúng pháp luật. Nhưng do trộm cắp tài sản là tội danh nặng hơn so với tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, nên cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng bất lợi đối với bị cáo được.

Chúng tôi thấy rằng, nhận định như trên của Tòa án cấp phúc thẩm là hoàn toàn chính xác. Bởi thời điểm mà Hoàng Mạnh H sau khi lấy được tài sản trong nhà bà Kh, đưa đến hàng rào để chờ tiếp tục đưa tài sản ra ngoài và mang đi tiêu thụ cần phải được xác định là thời điểm tội phạm chưa kết thúc. Vì đối với tội trộm cắp tài sản, nói chung tội phạm chỉ được coi là kết thúc khi tài sản được đưa đến địa điểm cất dấu an toàn, nằm trong sự quản lý của người thực hiện hành vi phạm tội (ít ra cũng là theo suy nghĩ của người thực hiện hành vi).

Trong vụ án này tài sản lấy trộm đang nằm trong hàng rào nhà bà Kh, nên H còn phải có những việc làm tiếp theo để đưa tài sản đến nơi khác theo dự định. Lúc đó tội phạm mới kết thúc. Do đó đối với sự tham gia của M ở giai đoạn này, việc định tội danh của M phải theo tội danh mà Hoàng Mạnh H đã thực hiện, đó là tội trộm cắp tài sản.

Thực tiễn những năm công tác trong hệ thống Tòa án, chúng tôi thấy rằng lý luận về thời điểm kết thúc tội phạm nhìn chung ít được những người làm công tác pháp luật quan tâm hoặc nắm vững, dẫn đến nhiều vụ án có sai lầm trong việc định tội danh. Bài viết này hy vọng góp phần khắc phục hạn chế trên.

Hoàng Quảng Lực

TAND tỉnh Quảng Bình


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191